Bàn tay chai cứng, khuôn mặt sạm đen, còn đôi mắt thì không lẫn vào đâu được: sọng đỏ và lồi lên vì bụi sắt và tia lửa... Đó là vài nét chân dung của những người làm nghề gõ gỉ tàu biển.
![]() |
Công nhân gõ gỉ tàu biển trong giờ làm việc |
Vất vả nghề gõ gỉ tàu
Ở độ cao 8m so với sàn tàu, tôi đứng bên chị Đỗ Thị Vân và Đàm Thị Lai, công nhân tổ Gỉ 1, phân xưởng Trang trí 2, Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng).
Mỗi người được bảo hiểm bằng một sợi dây làm từ... vải cotton, một đầu buộc vào thắt lưng, đầu kia buộc vào cửa hầm. Trong khi đó, ngay phía trên chỗ hai chị ngồi là một tổ khác đang tích cực hàn, xì.
Tôi sởn gai ốc mỗi khi lùi lại để tránh những tia lửa đỏ đang bắn ra từng chùm. Vậy mà 29 công nhân của tổ Gỉ 1 và 2 vẫn rất điềm nhiên, ra sức nện từng nhát búa vào vỏ tàu. Gỉ sắt bong ra mảng to, mảng nhỏ.
Chị Lai miễn cưỡng đồng ý khi tôi xin “gõ” thử. Hoá ra, công việc được coi là lao động cơ bản này lại không hề đơn giản chút nào. Dù cố hết sức, dùng cả hai tay nện nhưng mỗi lần nện thì cổ tay tôi như muốn rời ra. Từng mảng gỉ thì vẫn trơ lì.
Một góc khác, bên trong két tàu (các khoang nhỏ, nơi tàu chở hàng dự trữ dầu, nước) rộng gần 3m2, cao chưa đầy 1m, chỉ đủ để ngồi, anh Hoàng Văn Dũng, công nhân tổ Gỉ 2 lại không dùng búa để làm sạch vỏ tàu. Dụng cụ mà anh dùng là một máy mài cầm tay có lưỡi bằng đá.
“Cạo gỉ ở những chỗ có nhiều đinh, bề mặt lồi lõm thế này thì không dùng búa được” - Anh Dũng giải thích. Nếu gọi boong tàu là tầng 1 thì két nơi anh Dũng đang làm việc là tầng thứ... âm (-) 5. Do két chứa chất lỏng nên cửa đều được làm bằng hình ovan rất nhỏ, dài 30 - 40cm.
Và đó cũng là lối thoát hơi duy nhất cho hệ thống két, hầm nhỏ tầng tầng lớp lớp quanh một con tàu. Cho nên, mặc dù đã được trang bị đầy đủ cả mặt nạ cácbon và chiếc ống thông hơi vẫn thổi phì phì, cảm giác ngột ngạt, khó thở vẫn ứ đầy trong cổ họng tôi. Chiếc ống thông hơi giờ như một chiếc máy sấy khổng lồ thổi hơi nóng xuống két. Tôi rút nhiệt kế trong túi ra. Trời! 46.3oC!
Sự cộng hưởng của gần ba chục chiếc búa cùng đập vào vỏ tàu làm chiếc tàu hàng mang tên TEU có trọng tải 17.000 tấn cũng như rung lên, đinh tai nhức óc. Chiếc máy đo âm thanh Quest Basic báo cho tôi biết tiếng ồn ở đây đang lên tới 85 deciBel (dB).
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, tiếng ồn từ 70dB trở lên sẽ gây ra mệt mỏi, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến công việc, thậm chí dẫn đến sự cố. Nếu làm việc lâu trong môi trường có tiếng ồn trên 70dB thì khả năng nghe sẽ bị tổn thương nặng, đồng thời dẫn đến đau đầu, buồn nôn, huyết áp không ổn định, và nhịp tim tăng nhanh, khả năng mẫn cảm với ánh sáng giảm.
Cũng thật lạ, tưởng rằng thứ nghề vất vả, cực nhọc đến vậy đương nhiên nhường cho phái mạnh phần nhiều nhưng thực tế ở đây công nhân nam chỉ chiếm đúng phần lẻ trong số 29 công nhân của hai tổ Gỉ.
Tai nạn rình rập
Bị bụi sắt bay vào mắt với những công nhân tổ Gỉ chỉ là “chuyện nhỏ”, vì ngày nào chẳng thế. “Cũng có kính bảo hiểm đấy nhưng em xem, nó không được kín. Vả lại, nếu làm ở trong két mà đeo kính thì chẳng nhìn thấy gì” - Anh Thụ giải thích.
Nhưng bụi sắt đâu phải thứ bụi bình thường. Sắt sẽ tiếp tục bị oxy hoá khi đã yên vị trong mắt người, chưa kể những hợp chất của sơn Epoxy còn dính lại trên đó. Giảm thị lực, viêm kết mạc là đương nhiên. Chị Lai nói: “Chị mới khám mắt cách đây 1 tuần, 4/10 em ạ. Mọi người chắc cũng vậy thôi”.
Xa hơn, đó là nguy cơ mắc những căn bệnh hiểm nghèo như uốn ván, ung thư. Hợp chất của sơn Epoxy là những hoá chất rất độc hại, được xếp vào danh mục những hoá chất mà phụ nữ không được tiếp xúc trực tiếp.
Từ “tai nạn” chỉ được gọi tên khi có mảnh rỉ, miếng gỉ to “cắm” vào mắt. Việc này thường xảy ra khi các công nhân sử dụng máy mài bởi lúc này lực các mảnh gỉ bắn ra rất lớn.
Chị Vân kể: “Dưới két hôm đó thấp đến nỗi chị phải cởi cả mũ bảo hộ, ngồi nghiêng mới làm việc được. Thế nên, mặt và trần két sát nhau luôn. Rồi một mảnh sắt bay ra, bắn vỡ kính. Một miếng sắt, hai mảnh thủy tinh”.
Chị Lai phải trả 80.000 đồng cho một bác sĩ tư để gắp mảnh sắt trong mắt ra. Không cẩn thận như chị Lài, phải gắp mảnh sắt ra bằng mọi giá, chị N. Hằng, công nhân phân xưởng Trang trí 1 đã bị mất thị lực hoàn toàn bên mắt phải.
Tai nạn của chị Hằng xảy ra đã được hơn một năm nhưng tất cả công nhân gõ gỉ đều nhớ rất rõ như một bài học nhắc nhở cho mình. Tôi gặp chị khi cái dáng người nhỏ bé ấy đang tất tưởi dọn dẹp vệ sinh cho cả phân xưởng.
Chị Hằng kể câu chuyện của mình một cách điềm tĩnh, không vội vàng, cũng không hề xúc động gì nhiều. Mảnh sắt bắn vào mắt chị hôm đó không lớn: “Tôi chỉ thấy hơi cộm mắt. Nghĩ là về nhà rửa nước muối rồi tra thuốc là xong”.
Một tai nạn bình thường, chẳng ai đặc biệt chú ý, ngay cả bản thân chị. Hôm sau, và cả hôm sau nữa chị vẫn đi làm bình thường, hì hục gõ gõ, đập đập. “Nhưng rồi mắt tôi mờ đi trông thấy, lại sưng húp cả lên, đau và rát nữa. Thậm chí còn suýt quên tai nạn từ những... ba hôm trước rồi. Đi bệnh viện khám, mảnh sắt đã phá hỏng đến thuỷ tinh thể. Chồng tôi run lên, con thì cứ ôm mẹ khóc”.
Rồi cả gia đình cứ tưởng “gặp may” vì có thủy tinh thể thay thế. Chồng chị cũng là công nhân bậc 5 ở phân xưởng Vỏ. Cả đời công nhân, tay làm hàm nhai nhưng anh quyết tâm vay mượn để chạy chữa cho vợ. “Hai vợ chồng tự an ủi nhau, Cty cũng giúp đỡ chút ít, theo chế độ. Thì lỗi cũng tại tôi bất cẩn mà!”. Chị phải nằm viện 3 tháng, chi phí lên tới 25 triệu đồng.
Những tai nạn lao động ở chân tay cũng xảy ra khá thường xuyên với công nhân gõ gỉ tàu. Máy mài có thể xẻ vào tay, bắn đá mài vào chân. Làm việc thời gian dài trong tiếng ồn lớn không chỉ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tai mà còn làm cho các công nhân hoa mắt, chóng mặt rồi “gõ vào tàu không gõ lại gõ vào tay”.
Chỉ tính trong 1 tháng gần đây nhất, đã có 4/29 công nhân ở phân xưởng Trang trí 2 bị các tai nạn ở chân tay. Anh Nguyễn Công Hải bị rạn xương tay trái do máy xẻ vào đến tận xương. Chị Bùi Thị Phương không những bị gỉ bắn vào mắt mà còn bị rách chân, khâu 3 mũi. Anh Nguyễn Văn Vinh khâu 8 mũi ở chân do bị đá bắn...
Khi chúng tôi chia tay, chị Lai đưa cho tôi xem một cuốn vở nhỏ. Chị bảo đó là vở của con trai, chị mang đến phân xưởng để khoe bài thơ nó mới sáng tác: “Bố chẳng cần vẽ/Quần áo đầy hoa/Mẹ lại xuống tàu/Boong boong, chát chát”. Chị Lai tủm tỉm mà nghe chua xót: “Nó còn hồn nhiên nên vẫn chưa biết bố mẹ nó hàng ngày phải đối mặt với những hiểm nguy để kiếm “miếng cơm manh áo”...
Ngọc Dung
▪ Nguy cơ mất "top 10" hấp dẫn đầu tư vì nhân lực (09/07/2008)
▪ “Chàng liều” về bản xây thủy điện (09/07/2008)
▪ Nguồn nhân lực Việt Nam: Bất ổn cả chất và lượng (08/07/2008)
▪ “Nhất y, nhì dược” 2008 (08/07/2008)
▪ Những nghề “hổng giống ai” của teen (07/07/2008)
▪ “Người nhện” ở lưng chừng trời (07/07/2008)
▪ Hàng ngàn hecta lúa có nguy cơ bị “cháy" (05/07/2008)
▪ Định hướng tương lai (05/07/2008)
▪ Hỗ trợ thanh niên nông thôn, khuyết tật lập nghiệp (05/07/2008)
▪ Không thể để nông dân tự "bơi" (04/07/2008)