Công nhân đi học - Bài 2: Đầu tư cho chính doanh nghiệp
Các Website khác - 21/10/2008

 

Lớp nâng cao văn hóa - tay nghề cho CN tại Trường tư thục Nissei do Nissei mở tại công ty - Ảnh: Lê Khanh

Xem nhân lực là vốn quý, một số doanh nghiệp (DN) đã đầu tư mở lớp, mở trường để nâng cao học vấn, tay nghề cho công nhân (CN). Hoạt động này vừa giữ chân vừa làm gia tăng giá trị của khối “tài sản” nhân lực, lại vừa góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa DN.

Tuy nhiên, vẫn còn quá ít DN tự nguyện làm “bà đỡ” cho CN đến lớp.

>> Bài 1: Gian nan đường đến lớp

Nỗi lo lớn nhất

“Bỏ tăng ca thì giảm thu nhập, đi học vừa tốn tiền vừa mệt”, Thành (CN Công ty Juki VN, KCX Tân Thuận) than thở. Theo một số CN, khi bỏ tăng ca dù là để đi học cũng rất dễ bị đánh giá “thiếu chia sẻ khó khăn với công ty”. Không ít CN cho biết đã phải vắng học nhiều buổi hoặc bỏ dở chuyện học vì sếp không đồng ý cho “xuống ca”. Cũng vậy, nhiều DN và sếp bộ phận còn kiên quyết không cho CN đổi ca nhau khiến CN muốn học “chết đứng”.

Không mở lớp tại chỗ, một số DN có chính sách cụ thể hỗ trợ CN đi học. Công ty Legamex ngoài hỗ trợ học phí, dụng cụ học tập còn khen thưởng CN học giỏi. Các nhà máy thuộc Tập đoàn Nike hỗ trợ học phí, sách vở, ưu tiên giờ giấc, không phải tăng ca, phụ cấp chuyên cần…

Nhiều CN phải nghỉ học hoặc từ bỏ ước mơ học hành vì không được tạo điều kiện, cơ hội. Mới đây thôi, một số CN đã kêu trời về chuyện DN chẳng những không bảo lãnh mà ngay cả xác nhận làm việc cũng không, khiến họ mất cơ hội mượn tiền đi học từ Quỹ hỗ trợ CN TP.HCM.

Lại có những trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”: lãnh đạo công ty tạo điều kiện nhưng “sếp nhỏ” không mặn mà. Anh M. (KCX Tân Thuận) ấm ức kể chuyện mấy lần bị thi lại do sếp không cho “xuống ca” để đi thi hết môn. Tháng trước, CN K. còn bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ vì: “Tôi chỉ xin được làm ca ngày để học ĐH tại chức chứ có vi phạm gì đâu”. Thậm chí mới đây một số CN ở KCX Linh Trung 1 còn bức xúc chuyện bị sai đủ việc linh tinh có lẽ do sếp bộ phận “ghét tụi CN học cao”.

Thực tế cho thấy chỉ khi nào các ông chủ coi chuyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho CN đi học cũng là góp phần nâng chất nguồn nhân lực của chính DN như một chủ trương với “hành lang pháp lý” thông suốt, những CN ham học mới bớt nỗi lo và thật sự tìm thấy cơ hội.

“Công nhân đi học cũng là đóng góp cho công ty”

“CN giỏi tay nghề thì DN hưởng lợi trước tiên” - ông Lê Quốc Việt, chủ tịch công đoàn TCT công nghiệp in - bao bì Liksin, cho biết. Ngay từ năm 2005, các công ty thuộc Liksin đã lập “Quỹ tương trợ nội bộ” cho mượn 3-5 triệu đồng/người/lần để đóng học phí, viện phí.

Năm 2007, Liksin mở Trường trung cấp nghề An Đức (Q.5) để nâng chất tay nghề cho CN. Dự kiến khóa học đầu tiên khai giảng vào tháng 11-2008 với ba lớp: công nghệ in, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp. Ngoài ra các đơn vị thuộc Liksin cũng thường xuyên mở các lớp ngắn hạn tin học, ngoại ngữ, giao tiếp… Ông Việt cho biết: “CN đi học được tính thi đua như làm việc nên học rất nghiêm túc”.

Không chỉ DN nhà nước mà một số DN ngoài quốc doanh cũng bắt đầu quan tâm hỗ trợ CN đi học. Chị Hằng Nga, đại diện công đoàn Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2), cho biết sắp tới sẽ phối hợp với Đoàn các KCX - KCN TP.HCM mở hai lớp ngoại ngữ Anh và Hoa buổi tối cho khoảng 400 CN (mức hỗ trợ dự kiến khoảng 70% học phí). Công đoàn đề xuất công ty cho bán cơm dư còn lại sau bữa ăn CN để gây quỹ thực hiện chương trình này. Còn với Công ty Nissei (KCX Linh Trung 1) chuyện hỗ trợ CN học hành được nhìn nhận như một nét đẹp của văn hóa doanh nghiệp. “Đi học cũng là đóng góp cho công ty” - ông Huỳnh Lê Khanh, phó giám đốc phòng tổng vụ, cho biết.

Để thúc đẩy “văn hóa học” trong CN, từ tháng 8-2006 Trường tư thục Nissei (NPC) ra đời. CN theo học tại NPC sẽ được “nâng cấp”, sau đó trở về phụ trách bộ phận cũ. Ngoài kiến thức - kỹ thuật chuyên môn, CN còn được học tiếng Anh, Nhật và các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, nhân sự, cắm hoa, trà đạo… như một hình thức bổ túc thêm sự am hiểu văn hóa bản địa của nhà đầu tư.

Không chỉ bao trọn gói chi phí học tập, công ty còn tạo điều kiện đổi ca, xếp ca phù hợp giờ học. Nissei cũng treo mức thưởng 200.000 - 1 triệu đồng/người/học kỳ cho CN học giỏi. Dù chưa học xong, nhưng mới đây 29 CN của khóa đào tạo đã được đề bạt lên vị trí cao hơn. Một CN bộc bạch: “Được hỗ trợ học hành, đãi ngộ cao hơn trước thử hỏi bỏ đi sao đành”.

Chưa nhiều nhưng những tín hiệu lạc quan từ phía các “bà đỡ” DN cho thấy chuyện học của CN đã được một số đơn vị thực hiện như một tín hiệu đáng mừng và cần thiết thật sự, không chỉ là chuyện phó thác cho… đất, cho trời!

“Huy động nhiều nguồn lực xã hội, đầu tư ngân sách thỏa đáng để đẩy mạnh dạy nghề, phổ cập sơ cấp nghề cho thanh niên. Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt các nghề kỹ thuật cao; tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay tạo việc làm, lập nghiệp... Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú trọng giáo dục ý thức kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề cho thanh niên”.

(Trích NQ số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008)

THÁI BÌNH - THỦY NGỌC