"Cầu" lao động đang nóng
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đàm Hữu Đắc, lực lượng lao động cả nước hiện nay vào gần 46,61 triệu người, trong đó có tới 45,6 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân (chiếm gần 98% lực lượng lao động). Cơ cấu chuyển dịch lao động tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng giảm dần trong khối nông nghiệp, tăng trong khối công nghiệp và dịch vụ. Tính đến nay, nước ta có hơn 240.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 9 triệu lao động. Dự kiến đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, góp phần tạo thêm 2, 7 triệu chỗ làm việc mới. Như vậy, chắc chắn nhu cầu đào tạo nghề sẽ tăng lên.
Nhu cầu lao động từ 2008 đến 2012 của của riêng 6 Tập đoàn kinh tế và tổng Công ty lớn là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty thép Việt Nam, Tổng Công ty giấy Việt Nam, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đã lên tới khoảng 80.000 - 90.000 người. Trong đó, riêng trình độ cao đẳng nghề đã cần khoảng 24.000 người. Chỉ tính riêng tập đoàn Vinashin đã cần khoảng 55,5 nghìn lao động, tổng Công ty giấy Việt Nam cũng cần trên 10.000 lao động, Tổng công ty Lilama cần từ 2,5- 4, 5 nghìn lao động/năm… Nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề của một số khu công nghiệp, khu kinh tế cũng khá lớn. Điển hình như khu kinh tế Dung Quất từ nay đến năm 2010 cần khoảng 28.000 lao động qua đào tạo nghề. Tương tự như vậy, khu kinh tế Chu Lai, tính đến năm 2015 cũng cần khoảng 34.000 lao động.
Tổng cục dạy nghề cũng chỉ rõ, những nhóm nghề đang có nhu cầu cao là: thợ dệt, may; thợ thuộc da và làm giày; thợ vận hành máy và thiết bị; thợ cơ khí, lắp ráp máy móc; thợ xây dựng, chế biến đồ gỗ, sửa chữa, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ. Một số nhóm nghề khác, nhu cầu hiện tại vẫn chưa cao nhưng lại đang thiếu đó là lập trình viên, điện, cơ điện tử, chế biến nông sản...Trong tương lai, nhu cầu về nhân lực của các ngành nghề này sẽ tăng mạnh do tốc độ phát triển của các doanh nghiệp phần mềm.
Cần sớm xây dựng trung tâm dự báo nhu cầu lao động
Ông Lê Tiến Trường, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, nếu để doanh nghiệp tự tuyển lao động sau đó tổ chức đào tạo thì chi phí sẽ rất lớn. "Chúng tôi nhận thấy chi phí sẽ đắt gấp 3 lần so với do trường nghề đào tạo", ông Trường nói. Vì vậy mà hiện nay, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dệt may đã xây dựng mối quan hệ rất tốt với các trường dạy nghề. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề này đều có phòng maketing để xuống các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu về lao động để có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. "Hiên nay, mỗi một trường nghề sẽ phụ trách đào tạo cho khoảng 30-40 doanh nghiệp trong tập đoàn", ông Trường cho biết thêm.
Tuy nhiên, có thể nói, phần lớn các trường dạy nghề hiện nay đang đào tạo những gì mình có chứ chưa bám sát theo nhu cầu doanh nghiệp và xã hội cần. Mặt khác, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đến công tác đào tạo, hợp tác khá "lỏng lẻo" với các trường nghề, nên có ý kiến cho rằng: nếu nói là những doanh nghiệp này chỉ “hưởng” và “kêu” cũng không sai.
Ngoài ra, một trong những vướng mắc hiện nay là nhiều doanh nghiệp không muốn hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập do lợi ích thu được không nhiều trong khi đó lại phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh. Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần có chế tài cụ thể qui định trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề hỗ trợ chi phí đào tạo cho các trường dạy nghề, các doanh nghiệp và trường nghề cần ký kết thoả thuận hợp tác để có sự ràng buộc lẫn nhau trong đào tạo và sử dụng.
Tại Hội nghị "Dạy nghề đáp ứng nhu cầu Doanh nghiệp" mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các Bộ, ngành có liên quan để sớm xây dựng trung tâm dự báo nhu cầu lao đông... Hiện nay chúng ta chưa có trung tâm dự báo nhân lực quốc gia và thị trường lao động. Do thiếu khâu dự báo nên không thể biết nhu cầu xã hội ra sao, các doanh nghiệp đòi hỏi ở lao động những gì, dẫn đến giữa cung và cầu lao động đã qua đào tạo nghề chưa tương thích.
Anh Vũ
▪ Dùng cơ chế nào giải quyết đình công tại TPHCM? (05/06/2008)
▪ Tiền không giữ được chân CEO (05/06/2008)
▪ Đáp ứng nguyện vọng công nhân và doanh nghiệp (04/06/2008)
▪ Hè 2008: Nhộn nhịp việc làm cho SV (03/06/2008)
▪ 157 kỹ sư VN đạt tiêu chuẩn kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (03/06/2008)
▪ Tuyển dụng lừa đảo trên mạng (02/06/2008)
▪ Sẽ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng (02/06/2008)
▪ Call agent: Nghề của tương lai (31/05/2008)
▪ Tuyển 120 lao động làm việc cho Cảng Hàng không Dubai (31/05/2008)
▪ Du học: Một ngã rẽ lập nghiệp (31/05/2008)