CEO "kỳ cựu" Trần Xuân Nam (bên phải) trao đổi kinh nghiệm với một đại biểu trẻ tại tọa đàm "CEO - Tầm nhìn doanh nghiệp". Ảnh: H.NGA |
Muốn CEO gắn bó với doanh nghiệp, ngoài môi trường làm việc, chủ doanh nghiệp cần có sự thấu hiểu, quan tâm đến tinh thần của CEO
Có rất nhiều lý do khiến CEO từ bỏ doanh nghiệp (DN) này để tìm DN mới. Đôi khi vấn đề quyền lợi không còn đặt lên hàng trọng yếu, thay vào đó họ mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, được đóng góp nhiều hơn. Chính vì thế, để tạo môi trường chuyên nghiệp cho CEO trụ lại DN, người chủ cần quan tâm đến CEO trên nhiều phương diện, chứ không nhất nhất “rải tiền” là được.
DN cần gì, CEO có gì?
Tại VN, hầu hết các chủ DN nhỏ và vừa đều có tâm lý e ngại khi nhận CEO vì cho rằng nếu CEO không làm được việc sẽ phá hỏng mọi hoạt động của DN. Có ông chủ DN còn cho rằng những giá trị về văn hóa mà DN phải mất hàng chục năm gầy dựng, không thể trao vào tay người khác khi không chắc là họ có duy trì, phát huy hay là làm cho nó mất đi hoặc bị pha trộn với công ty khác hay không. Còn CEO lại có suy nghĩ: Không biết ông chủ sẽ sử dụng mình cho những mục tiêu nào, thế mạnh ở đâu, hiệu quả ra sao... Chính suy nghĩ đó khiến cả hai khó có thể gắn kết được với nhau. Từ đó, dẫn đến sự nghi kỵ trong quá trình làm việc và họ khó có thể bắt tay hợp tác với nhau khi sự nghi kỵ ấy luôn tồn tại trong mỗi người.
Trên diễn đàn “Trải thảm đỏ đón CEO” và tại tọa đàm “Nhân lực CEO – Tầm nhìn DN” do Báo Người Lao Động tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu đặt vấn đề: DN VN thực sự có cần CEO hay không? CEO sẽ làm gì cho sự thay đổi của DN?... Theo tôi, trước khi quyết định tuyển CEO, chủ DN cần biết mình muốn gì, cần gì cho sự thay đổi của DN. Từ kế hoạch thay đổi ấy, chủ DN mới đi tìm người phù hợp với yêu cầu. Còn với CEO, ngay từ buổi đầu được tuyển dụng, cần nói rõ với chủ DN mình sẽ mang lại những gì cho DN cũng như sẽ giải quyết khó khăn của DN trong thời gian bao lâu, dài hạn hay ngắn hạn. Tất cả những yêu cầu đó cần được thể hiện bằng văn bản, có cam kết rõ ràng. Từ sự thỏa thuận ban đầu, cả hai cảm thấy rất rạch ròi sòng phẳng thì không thể có chuyện nghi kỵ, làm mất lòng tin lẫn nhau.
Tìm tiếng nói chung
Thông thường, CEO gắn bó với DN vì họ muốn thể hiện mình trong môi trường mới hơn là quyền lợi cá nhân. Tiền chưa hẳn là yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ được chân CEO. Họ cần một người chủ biết và hiểu công việc của mình đã, đang và sẽ làm, mục tiêu phát triển trong tương lai, được thừa nhận ý tưởng và giao quyền điều hành. Sự thay đổi tư duy trong chuyển giao quản lý đi đôi với động viên, hỗ trợ kịp thời của chủ DN sẽ giúp CEO tìm được tiếng nói chung với ông chủ, toàn tâm toàn ý với công việc.
Một vấn đề khác mà các chủ DN cần quan tâm chính là đời sống cá nhân của CEO. Hầu hết các CEO đều có những tự trọng riêng, do đó, những chuyện như đòi hỏi quyền lợi thế này, tăng lương thế kia sẽ không xảy ra nếu như chủ DN không tự ý đề cập. Nếu chủ DN không nắm bắt được mong muốn của CEO thì họ sẽ thấy khó chịu, thay vì tìm được tiếng nói chung với điều kiện tốt hơn ở nơi cũ thì các CEO lại dòm ngó những ưu đãi ở các DN khác. Vì vậy, những chủ DN biết đáp ứng nhu cầu của CEO khi họ chưa biểu lộ thì dễ dàng thu dụng CEO.
Tận dụng cơ hội phát triển nội bộ
Thực ra, không cứ nhất nhất phải tìm CEO bên ngoài. Quan trọng là sự thay đổi về quản trị công ty có phù hợp hay không, chính sách phát triển tài năng lãnh đạo của DN như thế nào.
Ở các nước, khi tuyển dụng nhân viên, chủ DN luôn ủng hộ và khuyến khích những người có khả năng sáng tạo, có sáng kiến. Trong quá trình phát triển của DN, nhân viên luôn được chú trọng đào tạo để có thể đảm nhận vị trí cao hơn. Ngược lại, các DN VN đều có tâm lý ngại thay đổi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng làm thui chột sự sáng tạo của nhân viên, khiến khi gặp khó khăn họ chỉ biết thụ động ngồi chờ sự chỉ đạo hơn là chủ động giải quyết vấn đề. Chưa hết, các DN VN cũng chưa chú trọng đến việc đào tạo từ trong nội bộ. Đến khi công ty thật sự phát triển và lớn mạnh, người chủ lại thấy nhân viên mình quá nhỏ bé. Từ đó, thay vì tạo cơ hội cho nhân viên làm nhà quản lý, người chủ lại tìm kiếm người quản lý bên ngoài mà quên mất những người gắn bó lâu dài, hiểu rõ hơn ai hết về DN mình.
Hiện nay, để có được CEO, một số DN tuyển CEO từ bên ngoài, một số phát triển từ nội bộ. Với mô hình tuyển dụng bên ngoài, các chủ DN phải chuẩn bị tâm lý có một ngày CEO sẽ ra đi. Khi ấy, DN lại phải loay hoay tìm người. Còn với mô hình đào tạo trong nội bộ, khi một CEO ra đi sẽ có đội ngũ kế thừa và khi ấy DN không lo thiếu hụt nhân lực vì đã có nguồn đào tạo sẵn.
Mời dự hội thảo “Kết nối CEO” Nhận mẫu đăng ký thông tin tại www.nld.com.vn Hội thảo “Kết nối CEO” do Báo Người Lao Động phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển - Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Hội MBA tổ chức sẽ diễn ra vào sáng chủ nhật, 6-7. Hội thảo quy tụ khoảng 500 đại biểu là chủ doanh nghiệp (DN) đang kiêm nhiệm công việc điều hành, những người đang hành nghề CEO và đội ngũ quản lý, trí thức trẻ có nhu cầu và năng lực ứng tuyển, hành nghề CEO. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, CEO tìm hiểu thông tin, trao đổi, chia sẻ những vấn đề mang tính cụ thể về những thành công và thất bại trong điều hành DN, trong tuyển dụng, sử dụng CEO và hành nghề CEO. Đặc biệt, hội thảo sẽ mở ra cơ hội kết nối cung – cầu CEO. Mời các nhà lãnh đạo DN, CEO và những người quan tâm đăng ký tham dự hội thảo. Ngoài ra, để hội thảo đạt được mục tiêu, các DN, CEO có thể gửi cho ban tổ chức thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân lực quản lý cấp cao, chính sách đãi ngộ, các cam kết về tuyển dụng, sử dụng CEO và thông tin nghề nghiệp cá nhân. Liên hệ đăng ký dự hội thảo qua email: ctcd@nld.com.vn, hoặc duyquoc@nld.com.vn, điện thoại: 0918.257221 (phóng viên Duy Quốc). Nhận mẫu đăng ký thông tin tại diễn đàn “Trải thảm đỏ đón CEO” - trang điện tử www.nld.com.vn. |
▪ Dùng cơ chế nào giải quyết đình công tại TPHCM? (05/06/2008)
▪ Đến 2010: Có thêm 2,7 triệu chỗ làm việc mới (05/06/2008)
▪ Đáp ứng nguyện vọng công nhân và doanh nghiệp (04/06/2008)
▪ Hè 2008: Nhộn nhịp việc làm cho SV (03/06/2008)
▪ 157 kỹ sư VN đạt tiêu chuẩn kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (03/06/2008)
▪ Tuyển dụng lừa đảo trên mạng (02/06/2008)
▪ Sẽ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng (02/06/2008)
▪ Call agent: Nghề của tương lai (31/05/2008)
▪ Tuyển 120 lao động làm việc cho Cảng Hàng không Dubai (31/05/2008)
▪ Du học: Một ngã rẽ lập nghiệp (31/05/2008)