Góc khuất thôn nữ “hầu bia” giữa Hà thành
Các Website khác - 24/06/2008

Các thực khách mải mê ăn nhậu với những câu chuyện “trên trời dưới đất” rôm rả cả góc phố. Thấp thoáng trong bức tranh đó là hình ảnh những nữ nhân viên mướt mát mồ hôi, tất tả bưng bê, dọn dẹp, mời chào.

Trên môi các cô gái vừa bước chân khỏi đồng ruộng lên phố làm thêm vẫn nở nụ cười theo sự chỉ đạo của ông chủ nhưng sao méo mó, uể oải. PV Tiền phong đã nhập cuộc, ghi lại công việc vất vả và đầy cạm bẫy của những nữ nhân viên tại các quán “bia cỏ” đất Hà thành.

Hường phờ phạc vì công việc tất bật dưới cái nóng

Kỳ I: Cực nhọc kiếm tiền nơi thành phố

5 giờ chiều. Nắng đã tắt nhưng cái nóng càng hầm hập hơn khi dòng xe cộ vẫn mải miết qua lại. Quán bia cỏ B.M gần ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên đã tấp nập khách nhậu.

Quán này rộng chưa đầy 8 m2, chỉ đủ cho khoảng chục khách ngồi. Vì thế, bà chủ quán đã tận dụng diện tích vỉa hè kê bàn ghế, bán hàng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Hà Nội có khoảng 700 quán bia cỏ ven đường, với gần 10.000 nhân viên, trong đó chủ yếu là nữ.

Đa số các nữ nhân viên bán bia đều không được đào tạo bài bản. Hầu hết trong số các nữ nhân viên bán bia này đều xuất thân từ nông thôn quanh năm chỉ biết có việc nhà nông.

Ra thành phố làm nhân viên bán bia như một bản năng và chịu sự sai bảo của các chủ quán.

Họ không được và cũng không tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.

Trong khi đó các chủ quán vô tình hay cố ý chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến điều kiện làm việc của các nữ nhân viên.

Thế nhưng, trung bình mỗi ngày cũng bán hết dăm bảy bom bia... Phía bên cạnh là một loạt quán khác A.V, N.V, C.Ng... cũng trong tình trạng tương tự.

Giữa cái nóng ngột ngạt, các thực khách thi nhau “dzô” và nói chuyện với nhau khản cả giọng vì cố nói to để át đi tiếng ồn.

Cô nhân viên tên Hường tất tả ra vào, lúc rót bia, bưng bê, khi dọn dẹp, rửa bát đũa...

Đôi chân của Hường gần như không biết dừng, loay hoay, tất tưởi trong mấy mét vuông. Anh bạn tôi ước, dù chỉ loay hoay trong mấy mét vuông nhưng quãng đường mỗi ngày Hường đi lại dài cả chục cây số chứ không ít.

“Cho bốn bia, em ơi!”. “Làm gì mà lâu thế?”. “Nước mắm nguyên chất chứ không phải pha thế này!”. “Cho cái ghế nữa!”...

Cứ sau mỗi tiếng hét lên của khách là mỗi lần Hường “vâng, dạ”, chạy vào bên trái bê bia ra, tiếp tục quay vào rót bát nước mắm mang ra, rồi lại quay vào lấy cái ghế cho khách... Khuôn mặt Hường nhễ nhại. Lưng áo cũng ướt đẫm, dính bết.

Khu bếp và nhà vệ sinh của quán này rộng chưa đầy 2m2. Khó khăn lắm Hường mới dọn được chồng bát đĩa để lấy chỗ ngồi rửa bát trong khi cậu bạn đầu bếp đang mải miết xào nấu ngay phía trên đầu Hường. Ngọn lửa từ bếp gas rừng rực cháy, mùi thức ăn toả ra.

Dầu mỡ bắn tung toé lên tóc Hường, bê bết. Tôi lách qua cậu đầu bếp, chui vào nhà vệ sinh. Bé xíu, vừa đủ chỗ cho một người! Chiếc quạt lâu ngày cũ kỹ, dầu mỡ còn đọng loang trên từng thanh chắn, rơi cả xuống đầu tôi. Tôi lấy nhiệt kế từ trong túi ra thử đo: 45,7 độ C!

Hình ảnh đó không phải là cá biệt ở các quán bia cỏ đất Hà thành.

Phòng trọ chật chội, nóng nực của một nhóm nhân viên quán bia hơi H.N trên đường Hoàng Hoa Thám

Bị phạt hết tiền lương!

Không được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, các nhân viên đứng cách nhau từ 2-3m, không được nói chuyện riêng, chỉ được đứng cạnh khách không quá 3 phút… Đó là những quy định tối thiểu được đặt ra ở nhiều quán dành cho nữ nhân viên.

Dù không có thưởng nhưng kỷ luật luôn được các chủ quán đề ra và thực hiện nghiêm túc. Tại quán bia hơi H.N trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), nhân viên làm vỡ 1 cốc bia phải đền 20.000 đồng; vỡ 1 bát con phải đền 10.000 đồng; vỡ bát to bị phạt 20.000 đồng. Nhân viên bê bia cho khách mà không dùng khay để đựng cũng bị phạt 20.000 đồng…

Khi kể chuyện bị chủ phạt, Ngân (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) bức xúc: “Làm cả ngày mới được 30.000 đồng, thế mà nếu làm vỡ 1 cốc bia và lúc khách gọi bia thêm mình vội quá không mang khay đựng thì bị phạt tới 40.000 đồng.

Thế là cả ngày làm việc vất vả đã không được tiền công mà lại còn phải bù 10.000 đồng...”. Ngân cho biết thêm, có nhiều nhân viên mới ở quê ra đi làm, chưa quen công việc, cả tháng làm vất vả mà chả được đồng nào, vì bị chủ “tính sổ” trừ hết tiền phạt.

Không chỉ làm vỡ đồ mới bị phạt tiền mà tại quán bia H.N, nơi Ngân làm việc còn đề ra nhiều quy định oái oăm: Vi phạm lần 2 thì bị phạt từ 10.000- 20.000 đồng; nữ nhân viên vào nhà vệ sinh lâu và nhiều lần trong 1 ca thì bị phạt 20.000 đồng; đi làm muộn nửa tiếng dù đã báo cáo trước vẫn bị phạt 15.000 đồng; khách đến rồi nhưng bỏ đi, nhân viên cũng bị phạt 20.000 đồng…

Có những nữ nhân viên mới vào làm chưa quen việc, chỉ trong 1 tuần mà số tiền phạt đã bằng cả tháng tiền lương. Hầu hết tại các quán bia, nhân viên làm ngày nào hưởng ngày ấy; không có một hợp đồng lao động, cũng chẳng có bảo hiểm y tế. Các chủ quán đều trả lương không quá 30.000 đồng/ngày/người nhưng họ phải làm tới 10 tiếng đồng hồ, thậm chí 12 tiếng.

Vì làm cả ngày nên các quán bia đều cho nhân viên ăn 2 bữa cơm ở quán. Chủ quán tính 10.000 đồng/suất ăn, vị chi mỗi tháng 600.000 đồng, bằng 2/3 tiền lương của các nhân viên được hưởng.

Khi tìm hiểu tư liệu viết bài này, một lần tôi đã cố nán lại để được tận mắt xem bữa cơm của các nhân viên: Nửa bát cơm, 6 miếng đậu phụ bằng nửa ngón tay cái, 1 bát canh (được gọi là canh chua, bởi có cà chua thả vào nồi nước luộc thịt cho khách).

Vẻn vẹn chỉ có vậy! Ngân xót xa kể: “Cũng có hôm bữa cơm có thịt nhưng toàn thịt mỡ, hoặc đồ ăn thừa của khách và vài cọng rau héo úa…”.

Thiều Thị Nguyện, cùng quê và cùng trọ với Ngân rưng rưng nói: “Bọn em làm vất vả cả ngày, mang tiếng là được chủ cho ăn 2 bữa mà không đủ no. Nếu không tự bỏ tiền ăn thêm ở ngoài thì không đủ sức mà làm”. Đồ ăn là vậy nhưng nếu ai không ăn mà chê bị chủ bắt gặp sẽ bị phạt, thậm chí bị đuổi việc không lương.

--------------

Còn nữa

Đức Kế - Ngọc Mai