Sau khi được bón phân, hàng trăm hécta cây trồng, nhất là cây cà phê không những không phát triển xanh tốt mà cành còn bị héo rũ, lá và trái rụng hàng loạt.
![]() |
Quả cà phê non rụng khắp vườn |
Người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rất hoang mang bởi có nhiều loại phân giả, kém chất lượng xuất hiện tại địa phương.
Chừng 10 ngày sau khi được bón phân NPK của Cty Cổ phần Quốc tế Động Trung đa yếu tố (Cty Động Trung, địa chỉ thôn Đại Đồng, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội), vườn cà phê của ông Bùi Thái Vệ (xã Gia Hiệp, Di Linh) có những dấu hiệu bất thường: Cành cà phê héo rũ, lá bị cháy, quả non rụng hàng loạt…
Khổ chủ bức xúc: Tôi mua 3 tấn phân này thông qua tín chấp của Hội Nông dân chứ không phải mua trôi nổi trên thị trường vậy mà vẫn “dính” hàng giả. May mà mới bón 7 tạ phân trên diện tích 1 ha chứ nếu bón hết số phân này cho 4 ha thì gia đình tôi chết theo cà phê luôn.
Tương tự, vườn cà phê cả ngàn gốc của các hộ Nguyễn Văn Tuyết, Hoàng Thị Loan ở cùng xã Gia Hiệp… cũng đang héo rũ, trái bị rụng quá nửa. Nhiều cây cà phê dưới 2 năm tuổi bị chết khô. “Vụ cà phê năm nay coi như mất trắng” – Ông Tuyết than thở.
Phòng Công thương Di Linh đã tiến hành lấy mẫu phân gửi đến Trung tâm ứng dụng KHCN & TH Lâm Đồng để thử nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy thành phần N–P–K lần lượt là 3,4 - 5,2 - 2,6, thấp hơn nhiều so với chất lượng ghi trên nhãn mác, bao bì 16 – 16 – 8.
Ngoài ra, trong thành phần phân tích còn có độ pH: 9,5%, muối NaCl: 3,7%. Hàm lượng cao của 2 chất này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây cà phê trong nhiều năm. Loại phân này cũng không có trong danh mục phân bón được lưu hành của Bộ NN&PTNT (danh mục tháng 12/2007).
Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, Nguyễn Canh cho biết hiện đã có 240 hộ sử dụng phân của Cty Động Trung để bón cho hơn 100 ha cà phê và đều bị thiệt hại; trong đó, đang lo nhất là 60 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số bởi đời sống của họ vốn đã rất khó khăn.
Địa phương nhiều lần gửi giấy mời yêu cầu ông Phạm Quang Trung (Giám đốc điều hành của Cty Động Trung) phối hợp giải quyết vụ việc nhưng vẫn chưa liên lạc được.
Cây cà phê chết khô vì bón nhầm phân giả |
Phó Chủ tịch huyện cũng cho rằng số phân NPK giả, kém chất lượng nói trên có lẽ được chi nhánh của Cty Động Trung chuyển từ Ninh Thuận lên.
Mới đây, theo thông tin từ một số cơ báo chí, Công an tỉnh Ninh Thuận vừa phát hiện sai phạm và tạm giữ hàng chục tấn phân bón NPK của một chi nhánh thuộc Cty Động Trung tại huyện Ninh Sơn. Mặc dù không đủ điều kiện để sản xuất phân bón theo qui định nhưng chi nhánh này đã mua phân NPK của doanh nghiệp khác rồi trộn với cao lanh, vôi bột, các sản phẩm từ muối công nghiệp…, sau đó đóng bao bì mang nhãn mác của Cty Động Trung.
Cơ quan điều tra xác định có khoảng 270 tấn phân NPK được sản xuất tại chi nhánh này và chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở Lâm Đồng.
Nông dân vùng chuyên canh cà phê ở Di Linh còn khốn đốn với phân NPK nhãn hiệu Sao Mai của Cty TNHH Đức Lợi (thôn 12, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng). Nghi ngờ phân kém chất lượng, một số nông dân đã mang mẫu đến Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt để kiểm tra.
Kết quả, loại phân trên bao bì ghi thành phần N–P–K lần lượt là 16 - 16 – 8 thì thực chất chỉ có 7,2 – 4,5 – 3,9; loại phân 16 – 8 – 14 thì kết quả kiểm tra chỉ có 4,6 – 6 – 6,4… Giám đốc Cty hứa sẽ thu hồi phân kém chất lượng và giảm giá 50% đối với lượng phân mà bà con đã bón nhưng mãi vẫn chưa thực hiện.
Nhiều vườn cà phê ở xã Đà Loan (huyện Đức Trọng) cũng bị biến dạng lá, rụng quả do sử sụng phân NPK nhãn hiệu MOSAIC. Đặc biệt, 100% số cây trong vườn cà phê (0,6 ha) của ông Nguyễn Văn Phúc bị cháy lá, lá non trên đọt quăn queo; nhiều cây bị rụng quả xanh.
Qua xác minh của Phòng NN & PTNT huyện thì loại phân này có nguồn gốc từ Trung Quốc, do Cty Kinh doanh tổng hợp Vina Cà phê Qui Nhơn nhập khẩu và phân phối qua một số đại lý như Đông Phúc, Như Linh… nhưng không kèm theo qui trình hướng dẫn sử dụng.
Tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), nhiều nông dân bức xúc nghi ngờ mua phải hàng giả vì đã bón phân NPK của Cty TNHH phân bón Thiên Phúc (TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) hơn nửa tháng nhưng cây cà phê sinh trưởng rất chậm; khi lấy phân gạn với nước thì thấy có nhiều tạp chất không tan.
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã gửi 3 mẫu phân đi xét nghiệm; lập biên bản niêm phong số phân còn tồn ở đại lý để chờ kết quả xét nghiệm.
Chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không nên sử dụng những nhãn hiệu phân bón nói trên và thận trọng, cảnh giác khi mua những loại phân lạ, giá rẻ; đồng thời chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương điều tra, xử lý những cơ sở sản xuất, phân phối phân bón giả, kém chất lượng.
Kim Anh – Võ Trang
▪ Giấc mơ tỷ phú có tên “ngọc mắt mèo” (23/06/2008)
▪ Lời tri ân của “Nhân tài Đất Việt” (21/06/2008)
▪ 97 thí sinh dự hội thi kế toán viên giỏi (21/06/2008)
▪ Đi tour (20/06/2008)
▪ Những công việc không ngồi “bàn giấy” (20/06/2008)
▪ Một sự kết nối toàn diện (19/06/2008)
▪ Sinh viên Việt Nam “nhắm mắt làm chui” ở Pháp (18/06/2008)
▪ Sinh viên làm thêm dịp hè (18/06/2008)
▪ Việc làm cho ngành xã hội - cánh cửa hẹp (17/06/2008)
▪ Vẫn băn khoăn về việc làm cho nông dân (17/06/2008)