| ||
Vào tù vì được thuê làm giám đốc Đang kiếm cơm ngon lành từ nghề thợ xây, một hôm anh N.H.A được một ông dáng người bệ vệ đánh tiếng mời làm giám đốc Công ty TNHH ở Sài Gòn. Anh N.H.A thoái thác vì mình mới học xong lớp 5, từ xưa đến nay chỉ biết xây tường rào, cổng ngõ chứ đâu biết làm giám đốc. Nhưng khi nghe ông N.T.D hứa hẹn sẽ trả mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, lại ngồi chơi xơi nước là chính, lâu lâu có chuyện gì chỉ việc ký vô một cái là xong, thấy làm giám đốc thế thì “ngon ăn” quá, anh N.H.A đồng ý. Ngồi vào ghế giám đốc chưa nóng chỗ, anh N.H.A đã bị công an bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong một vụ án hoàn khống thuế giá trị gia tăng. Khi ra trước tòa, nghe vị thẩm phán hỏi tội, anh N.H.A tá hỏa vì đã trót ký bừa một đống giấy tờ gì đó. Thẩm phán hỏi, khi ký anh có đọc không? Anh N.H.A thành thật: “Dạ, em đâu biết, thấy toàn tiếng Tây, tiếng Tàu không à...”. Tòa cho nói lời sau cùng, anh N.H.A nức nở: “Biết họ lừa thế này, em đi làm thợ xây sướng hơn. Nói trả 3 triệu đồng/tháng nhưng tới giờ đâu nhận được đồng nào!”. Chứng cứ rành rành, tòa tuyên 7 năm tù giam. Anh N.H.A lảo đảo rời vành móng ngựa. Trong vụ án hoàn khống thuế giá trị gia tăng nói trên có tới 3 người được thuê làm giám đốc, phó giám đốc đều chịu chung mức án 7 năm tù giam. Không đến nỗi phải vào tù, song anh H.Q nhớ đời khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và đứng tên làm giám đốc. Đồng tiền mình bỏ ra, anh H.Q cứ vậy tha hồ gọi con cháu trong nhà vào làm, mỗi người giữ một chức thật to, thật oai. Khổ nỗi, những người này không học hành gì, không biết việc phải làm nên chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp tư nhân do anh H.Q làm giám đốc tuyên bố phá sản. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm tan theo giấc mộng làm giám đốc của anh. Làm giám đốc có phải học? Theo anh Lương Trọng Khoa - Giám đốc điều hành Công ty Visnam đóng tại Đà Nẵng - một công ty chuyên đào tạo, tư vấn và huấn luyện kỹ năng dành cho thương gia, rất nhiều người, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh nghĩ rằng làm giám đốc rất dễ. Chỉ cần bỏ ra một số tiền, làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - Đầu tư là đường đường chính chính trở thành giám đốc. Theo khảo sát của Công ty Visnam, tại miền Trung có đến 92% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số này, giám đốc công ty đã qua trường lớp, đào tạo đại học bài bản, chính quy chỉ chiếm 17%, số còn lại thường “lên chức” từ hộ kinh doanh cá thể. Do đó, không lạ gì khi tư tưởng quản lý doanh nghiệp của họ đều bó khuôn trong mối quan hệ gia đình và chuyện đầu tư, kinh doanh cũng không thoát khỏi khuôn khổ: “nhỏ, lẻ, đầu tư từng phi vụ một, thu hồi vốn rồi tổ chức làm phi vụ khác”. Khi thua lỗ thì họ bỏ “trận địa” này, nhảy ngay qua “trận địa” khác đánh tiếp mà không vạch ra một chiến lược cụ thể để làm sao doanh nghiệp làm ăn bài bản ăn, phát triển mạnh hơn. Ngay cả những lĩnh vực nhạy cảm và sống còn của doanh nghiệp, nhưng nhiều giám đốc vẫn xem nhẹ như quản trị nguồn nhân lực, bán hàng, marketting, tài chính, kế toán và cả quyết toán thuế... Một câu hỏi đặt ra là có cần thiết tất cả các giám đốc dân doanh đều phải đi học và học gì để trở thành giám đốc? Theo anh Lương Trọng Khoa, không nhất thiết phải như vậy mà tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, mỗi giám đốc có cách bổ sung kiến thức quản lý khác nhau. Ví dụ một giám đốc công ty TNHH nọ khi mở công ty thì mới có 5 - 10 nhân viên. Sau một năm làm ăn tấn tới, thị trường vươn ra cả nước, số công nhân cũng tăng lên gần 150 người. Đến lúc này, giám đốc mới lo, người đông trong khi năng lực điều hành quản lý có hạn nên anh ta xách cặp theo học một khóa về kỹ năng quản lý. Học làm giám đốc không khó, theo anh Khoa, khó nhất là thay đổi nhận thức, tư duy của từng giám đốc doanh nghiệp dân doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạch định chiến lược phát triển... Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng đối diện với khó khăn, thách thức thì mới khơi dậy khát vọng làm giàu chân chính. Nếu không, từ lợi nhuận đến vành móng ngựa chỉ cách nhau trong gang tấc... Theo Hữu Trà Thanh Niên |
▪ Việt Nam gia nhập WTO, cạnh tranh lao động sẽ càng khốc liệt (19/05/2006)
▪ 9 câu hỏi dành cho người thất nghiệp (19/05/2006)
▪ Nào, "lên dây cót" đi (17/05/2006)
▪ Một ứng viên có năng lực (17/05/2006)
▪ Thanh Hoá: Xuất khẩu lao động còn quá... khiêm tốn (11/05/2006)
▪ 12 chướng ngại vật của sự thăng tiến (09/05/2006)
▪ 10 lời khuyên cho việc đàm phán lương bổng (04/05/2006)
▪ Muốn tăng lương - Làm sao đây? (29/04/2006)
▪ “Đo” xem bạn đủ bản lĩnh làm sếp không? (20/04/2006)
▪ Hội thảo Du học "Vừa học vừa làm" - Cơ hội mới (19/04/2006)