Thanh Hoá: Xuất khẩu lao động còn quá... khiêm tốn
Các Website khác - 11/05/2006
Thanh Hoá: Xuất khẩu lao động còn quá... khiêm tốn
Lê Nam

Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, kể từ khi Thanh Hoá tham gia vào công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) - năm 2001, cả tỉnh mới chỉ đưa được trên 16.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một con số quá khiêm tốn đối với một tỉnh dồi dào bậc nhất cả nước về nguồn lao động - mỗi năm có đến 55.000 người bước vào độ tuổi lao động.

Học tập trước khi đi lao động
nước ngoài.
Nguồn lao động dồi dào

Thanh Hoá có gần 2.300.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61,7% dân số cả tỉnh, bình quân hàng năm nguồn lao động tăng xấp xỉ 3% - tương ứng với khoảng 55.000 người bước vào tuổi lao động và phần lớn đòi hỏi có nhu cầu việc làm.

Trong khi đó, chỉ tính từ năm 2001 đến 2005, Thanh Hoá mới tạo việc làm cho 190.200 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 38.000 lao động.

Hầu như số lượng lớn lao động chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 71,83%. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chỉ có 12,09%, dịch vụ - thương mại 16,08%.

Chính vì vậy, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động - đặc biệt là lực lượng lao động trẻ từ 15 - 24 tuổi chưa qua đào tạo, hoặc đã được đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động - trở nên vô cùng cấp bách..

Vì sao xuất khẩu lao động khó?
Cũng theo Sở LĐTBXH, qua 5 năm (2001 - 2005) thực hiện công tác XKLĐ, Thanh Hoá đã đưa được trên 16.000 người sang lao động tại các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc. Cũng thời gian đó, người lao động gửi về gia đình hàng chục triệu USD.

Đạt được kết quả này, theo ông Trần Văn Nam - Phó GĐ Sở LĐTBXH - là sự cố gắng của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt sau khi Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 26.3.2003 về đẩy mạnh công tác XKLĐ đến năm 2010, thì XKLĐ của tỉnh có sự tiến bộ rõ rệt. Trong các năm 2003 - 2004 - 2005, bình quân mỗi năm Thanh Hoá có gần 4.300 người đi XKLĐ.

Nhưng một câu hỏi đặt ra: Vì sao nguồn lao động của tỉnh dồi dào như vậy mà XKLĐ lại đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh? Ông Nam cho rằng, thị trường XKLĐ ở Malaysia, Đài Loan có sự biến động, một số nghề có sức hút lao động VN (như xây dựng, giúp việc...) đã bị đóng cửa, do đó làm cho việc XKLĐ trở nên bấp bênh, khó khăn.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của người VN chưa đáp ứng được sự đòi hỏi khắt khe của các ông chủ nước ngoài, thậm chí lao động người Việt chưa có ý thức tổ chức kỷ luật, chưa có tác phong công nghiệp, ngoại ngữ kém.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay đã có nhiều nước Trung Đông đang cần tuyển lao động Việt Nam, giá cho một người đi khoảng trên 20.000.000đ. Nhưng thị trường này không được hấp dẫn đối với người lao động.

Một nguyên nhân nữa là do sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, đồng thời sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp chưa hiệu quả. Đặc biệt là vấn đề làm thủ tục hồ sơ pháp lý, về vốn cho lao động có nhu cầu đi XKLĐ còn nhiều bất cập, phiền hà.

Tuy nhiên, theo đánh giá, năng lực kém cỏi của các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ của tỉnh mới là nguyên nhân chính.