Việt Nam gia nhập WTO, cạnh tranh lao động sẽ càng khốc liệt
Các Website khác - 19/05/2006

Ông Ngô Văn Tuyến.

Trong cuộc trò chuyện với PV Dân Trí mới đây, ông Ngô Văn Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Long Biên (Liên đoàn Lao động Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động VN) cho rằng sự cạnh tranh lao động sẽ còn xảy ra khốc liệt hơn khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.

 

Ông đánh giá thế nào về vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp hiện nay?

 

Về mặt tích cực, nhiều tổ chức công đoàn đã bám sát nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đã có những chủ động nghiên cứu chế độ chính sách nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền và lợi ích cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt là làm tốt công tác tư tưởng gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động, từ đó thúc đẩy tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập của người lao động.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn còn thụ động trong việc tham mưu với chủ doanh nghiệp và lãnh đạo đơn vị để thực hiện tốt chế độ chính sách. Cán bộ công đoàn của khối cơ sở kinh doanh ngoài quốc doanh còn chưa mạnh dạn trong việc tham mưu với chủ doanh nghiệp về quyền lợi của người lao động.

 

Nguyên nhân là do chính sách của họ phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, Nhà nước chưa có những chính sách cụ thể để bảo vệ cán bộ công đoàn của khối này, từ đó có những cán bộ công đoàn khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động lại bị chủ doanh nghiệp thải hồi. Nhất là từ khi Nhà nước có các biện pháp điều chỉnh lương của các doanh nghiệp FDI đã gây ra tâm lý thiệt thòi cho người lao động, khiến họ đấu tranh và tạo nên các cuộc đình công…

 

Thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đang cận kề, và trong bối cảnh chung, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì, thưa ông?

 

Về phía công đoàn, tôi cho rằng, việc gia nhập WTO sẽ dẫn đến một số khó khăn, có nhiều khả năng sẽ xảy ra các sự cố như: Tranh chấp lao động xảy ra nhiều hơn, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, theo đó, việc người lao động rời bỏ doanh nghiệp để kiếm cơ hội tốt hơn cũng có nhiều khả năng xảy ra…

 

Trước những vấn đề này, để đảm bảo cho sự hòa nhập và thực hiện ổn định, thì phía các doanh nghiệp, tức người sử dụng lao động, cần đổi mới, đầu tư hợp lý mới có đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và điều quan trọng là ổn định lực lượng lao động. Bởi khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO sẽ tạo sân chơi rộng hơn cho doanh nghiệp, người lao động sẽ nhiều việc hơn, không còn lo về việc đào thải hay nghỉ theo chế độ…

 

Theo ông, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam và người lao động cần làm trong thời điểm này là gì? 

 

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện đầu tư cho nguồn lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao nhận thức cho các cán bộ công nhân viên trong mỗi một doanh nghiệp. Còn người lao động cũng phải tự mình tranh thủ rèn luyện năng lực để phù hợp với điều kiện kinh doanh mà mình làm việc.

 

Nếu cả phía doanh nghiệp cũng như người lao động không nhận thức rõ điều đó sẽ gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp, còn cuộc sống của bản thân người lao động không được đảm bảo.

 

Tổ chức công đoàn chắc chắn phải gánh thêm gánh nặng vì sự tranh chấp lao động chắc chắn sẽ xảy gay gắt và còn nhiều vấn đề khác nảy sinh. Để giải quyết tốt các khúc mắc, tránh xảy ra đình công, kiện tụng, bản thân các doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho người lao động hiểu rõ vai trò và nghĩa vụ của mình trong doanh nghiệp.

 

Việt Nam gia nhập WTO sẽ mở ra sân chơi rộng để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát huy năng lực của mình. Nhưng đây cũng chính là sân chơi đầy gai góc vì các doanh nghiệp phải đối chọi với sự cạnh tranh về  lao động giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

 

An Hạ