Theo bước chân xoá nghèo của lao động Việt Nam tại Malaysia: Bài 1: Khói tan, trời lại sáng Xuân Quang (từ Kuala Lumpur) Một năm rưỡi trước (tháng 3.2004), tôi viết loạt bài "Hành trình khốn khó của lao động VN tại Malaysia". Bấy giờ, nước bạn rơi vào khủng hoảng kinh tế, hàng loạt nhà máy dãn công, dãn thợ, hàng loạt công trường xây dựng ngưng trệ. Và vì vậy, hàng nghìn lao động VN phải long đong trong cuộc mưu sinh ở xứ người. Hàng trăm người khác không có công ăn việc làm phải về nước trước hạn. Tâm tư và niềm tin của người lao động cả trong và ngoài nước lung lay dữ dội. Thị trường lao động Malaysia đen tối tưởng như khó vực dậy được. Nhưng, mọi chuyện đã và đang thay đổi quá nhanh chóng...  | Lao động chuyển tiền về nhà thông qua đại diện Simco tại Malaysia. | Sắp tròn 100.000 lao động Đúng một năm rưỡi sau, tôi có dịp trở lại Kuala Lumpur trên chiếc Boeing của Malaysia Airlines, giữa lúc bầu trời vẩn quánh một lớp khói bụi mù mịt. Người dân Malaysia từ một tuần nay đang phải sống chung với khói của những đám cháy rừng từ nước láng giềng Indonesia lan sang. Những ngôi nhà đóng kín cửa, những chiếc ôtô bật đèn pha giữa ban ngày. Rất ít người ra đường, dù đang mùa shopping (mua sắm) đại hạ giá trước Ngày Quốc khánh Malaysia (31.8)...
Nhưng, bộ mặt u ám của bầu trời Malaysia không thể che đi nét tươi sáng trên khuôn mặt những công nhân VN đang làm việc tại đây, mặc dù bụi và khói đã khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa tạm thời, đồng nghĩa với việc anh em công nhân phải nghỉ việc. Có vẻ như điều đó không khiến ai phàn nàn, bởi sự ổn định trong cả năm mới là điều họ cần.
Ông Mai Viết Khai - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Malaysia, Trưởng ban Quản lý lao động VN - thông báo: "Chỉ riêng tháng 7, ta đã đưa 2.580 lao động sang Malaysia (7 tháng đầu năm là 10.359 người). Vậy là sau 3 năm (từ tháng 4.2002 đến tháng 8.2005), VN đã sắp có tròn 100.000 lao động đến làm việc tại Malaysia. Sau những trục trặc ban đầu, hiện nay tình hình lao động VN ở Malaysia khá ổn định, đủ việc làm và thu nhập, kể cả số lao động làm nghề xây dựng. Lao động VN chủ yếu làm trong các ngành sản xuất điện tử, chế biến gỗ, dệt may, cơ khí, nhựa và một số nghề khác. Lương, giờ làm thêm, một số khoản thưởng đã đem lại thu nhập cho lao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng (có nơi còn cao hơn). Tính ra, mỗi tháng lao động gửi về cho gia đình và đất nước hơn 200 tỉ đồng"...
Ngày chủ nhật vui vẻ Từ trụ sở của Ban Quản lý lao động VN đến toà tháp đôi Petronas chỉ vài bước chân. Tôi nảy ra ý định đến đó, nơi mà một năm rưỡi trước tôi đã phải chứng kiến những cảnh tượng, những hình ảnh không vui, thậm chí đau lòng. Hồi bấy giờ, mỗi ngày Ban quản lý phải tiếp hàng trăm lao động VN không có việc làm, chủ yếu là công nhân các công trường xây dựng ở Josu, Sri Ram Pai, Politeknic, Muadzamshah... Có ngày lao động kéo đến hơn 200 người ngồi chật các lối đi, ngồi ỳ ra bancông, rồi nấu mì tôm, luộc trứng thì thụp chờ cho bằng được ban giải quyết chế độ mất việc. Đó là chưa kể cả trăm người khác tụ tập thành từng toán trên sân, vườn hoa hay trong các hành lang của toà tháp đôi đối diện với mong muốn tình cảnh của họ thấu được qua bức tường Ban quản lý, để họ có tiền về nước khi đã trắng tay. Còn bây giờ...
Chiều chủ nhật, trời bỗng đổ mưa lớn. Hai toà tháp đôi lẫn trong màn nước mờ mịt. Sau mưa, khói đen của đám cháy rừng cũng tan biến đâu hết, trời quang quẻ và mát. Không khó nhận ra những lao động VN trong một rừng người đến tham quan và mua sắm ở đây. Họ đi thành từng toán nhỏ có trật tự, cùng đội những chiếc mũ hoặc cùng mặc áo có in logo của công ty để tránh lạc nhau. Và điều khác biệt lớn nhất - đó là họ đi chơi, tham quan và mua sắm - chứ không phải đến Ban quản lý cầu kêu quyền lợi.
Một thanh niên tự giới thiệu tên là Liêu - quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang làm việc tại một nhà máy điện tử ở Selangor - bảo, thỉnh thoảng mới được nghỉ chủ nhật nên mấy đứa đồng hương hẹn nhau đi chơi. Hai năm làm việc ở đây rồi mà không biết tháp đôi thì quê quá. Liêu cho biết, nhà máy em làm có 12 lao động VN và nhiều lao động nước ngoài khác đến từ Bangladesh, Nepal và Myanmar. Đó là một nhà máy khá giả, biết lo toan cho công nhân. Hàng tháng, nhà máy đứng ra chuyển tiền hộ công nhân về tài khoản của họ. Còn anh em thì góp thu nhập như kiểu chơi hụi. Thu nhập của Liêu trung bình khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Một người khác tên là Hoan - quê Xuân Trường (Nam Định) làm việc ở Nhà máy Hoa Long (Hualon). Tập đoàn dệt này là nơi tiếp nhận công nhân VN đầu tiên, hiện có đông người làm việc nhất (gần 2.000, do Cty LOD và Coopimex cung ứng). Hoan cho biết, em làm sắp hết hợp đồng 3 năm rồi và mong muốn được kéo dài thêm. Em đã tích cóp được khoảng hơn 6.000USD, không nhiều nhưng cũng đủ có chút vốn liếng sau này về nước kiếm công việc hoặc mở cửa hàng.
Ấn tượng nhất trong những người tôi gặp là Đỗ Hữu Lân - quê Bạch Hạ, Phú Xuyên (Hà Tây) - hiện đang làm tại Nhà máy điện tử Advance Scapes (M) SDN BHD. Anh đến Kuala Lumpur chuyến này không hẳn là đi chơi, mà để chuyển tiền về VN (gửi qua ông Nguyễn Ngọc Khánh - đại diện Cty cung ứng Simco tại Malaysia). Cứ 6 tháng, Lân gửi tiền về một lần. Và lần này là 68.000RM (tương đương 1.850USD). Đi cùng Lân có hai công nhân nữa là Hậu và Hanh - cả hai đều là đồng hương xã với Lân. Hậu làm cùng xưởng với Lân, còn Hanh làm ở nhà máy chuyên sản xuất đồ nhựa Giasu ở Selangor. Công việc của nhóm lao động này khá đều đặn, thu nhập cũng đều đặn khoảng 1.200 RM/tháng (1RM bằng khoảng 4.200 đồng)...
Bài 2: Đi săn đơn hàng
|