Hanoinet - Việc học sinh đăng ký theo cảm tính, theo sở thích hoặc đăng ký để lấp chỗ trống tại các trường nghề đang là mối lo của các giáo viên cũng như cha mẹ học sinh.
Bắt đầu mùa tuyển sinh nghề năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ thị các trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề phải bám sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp và các KCN-KCX.
Tuy nhiên, dường như chỉ thị nêu trên chưa thực sự đến với thí sinh bởi kết quả đăng ký tại các trường nghề đều chưa căn cứ vào nhu cầu của DN mà hầu hết đều là những nghề học mang vẻ bóng nhoáng bề ngoài nhiều hơn ích lợi.
Mất cân đối trong việc chọn nghề!
Các ngành nghề được xem là nónghiện nay là: kế toán, điện tử, công nghệ ô tô, tin học… Giải thích về sự lựa chọnnày, nhiều học sinh cho biết, sau khi trượt đại học, để chọn cho mình một nghề nghiệp thì phải có thời gian cân nhắc kỹ nhưng do sức ép từ nhiều phía nên các em không thể ở nhà để chơi được, vì vậy các em thườngchọn một nghề mà nghe tên phải “oai”. Ngoài ra nhiều em thà chấp nhận thi đại học năm sau còn hơn là đăng ký ngành nghề cấp thoát nước, xúc ủi hay cắt gọt kim loại… Điều này giải thíchtại sao số hồ sơ vào các ngành nghề nóng lại luôn quá tải.
Việc học sinh đăng ký theo cảm tính, theo sở thích hoặc đăng ký để lấp chỗ trống tại các trường nghề đang là mối lo của các giáo viên cũng như cha mẹ học sinh. Đến đăng ký thi tại Trường cao đẳng nghề Cơ giới cơ khí XD số 1 (tỉnh Vĩnh Phúc) có tới 60% HS đăng ký các nghề “oai” như đã nêu ở trên. Trong khi đó, nghề cấp thoát nước năm học qua chỉ có lèo tèo hơn 10 học sinh mà số học sinh này được ghép từ 2 ngành điện nước và điện dân dụng. Điều lo lắng lớn nhất của giáo viên là những ngành nghề các em không thích đăng ký hoặc đăng ký rất ít thì lại có“đầu ra” rất lớn bởi hiện tại nhiều DN cần công nhân làm cấp thoát nước, hàn, cơ khí. Theo ông Trần Văn Đông - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, đa số học sinh chọn trường nghề theo cảm tính chứ không có định hướng gì cho tương lai. Do vậy, năm học 2008-2009, trường có hơn 1.000 chỉ tiêu thì có tới hơn 300 hồ sơ đăng ký vào ngành kế toán doanh nghiệp (chiếm khoảng 30%).
Quan tâm hơn đến kỹ năng nghề
Về vấn đề này, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (TCDN) cho biết, TCDN sẽ tiếp tục đào tạo nối - khuyết kiến thức, bổ sung kiến thức cho giáo viên theo yêu cầu đào tạo nghề hiện nay. Theo tiêu chuẩn thì một giáo viên dạy nghề chuẩn phải bảo đảm được 3 yêu cầu: Trình độ, kỹ năng và năng lực sư phạm. Do đó, để nâng cao chất lượng dạy nghề thì phải cải tiến chương trình đào tạo nghiệp vụ theo hướng nâng cao kỹ năng nghề cho GV, bởi dạy nghề quan trọng nhất vẫn là có kỹ năng nghề giỏi. Được biết, trong năm học 2008-2009, các trường nghề sẽ áp dụng dạy nghề theo tiêu chuẩn khung mà Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành gồm 48 chương trình khung cao đẳng nghề - trung cấp nghề. Do đó, trong quá trình đào tạo nghề ít nhiều các giáo viên cũng như học sinh sẽ gặp những bỡ ngỡ, khó khăn. Để tháo gỡ, từ đầu tháng 9 đến nay, TCDN đã tổ chức 75 lớp tập huấn cho khoảng 2.250 giáo viên về phương pháp giảng dạy mới và khả năng phát triển, xây dựng chương trình theo mô đun. Dự kiến đến hết quý I/2009, TCDN sẽ xây dựng 68 chương trình khung và tiếp tục tập huấn.
Kể lại để thấy những nỗ lực mà TCDN cũng như các trường nghề trong việc nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mất cân đối trong việc chọn nghề còn cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của các đơn vị chủ quản cũng như của giáo viên trường nghề và sự nỗ lực của các học sinh.