Hanoinet - Nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên, môi trường và khí tượng, thủy văn biển đang bị hẫng hụt nghiêm trọng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực biển sẽ làm cho chúng ta tụt hậu đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới.
Hướng ra biển lớn là một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng của nước ta hiện nay và cả trong tương lai. Quản lý, nghiên cứu điều tra để khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển cũng như bảo vệ môi trường biển bền vững đang đặt ra những yêu cầu lớn đối với những người làm công tác về lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên, môi trường và khí tượng, thủy văn biển lại bị thiếu hụt nghiêm trọng, trong khi đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực kế cận cho các nhà khoa học về lĩnh vực lại đối mặt với không ít khó khăn thách thức...
Còn những "khoảng trống" về đội ngũ cán bộ
Với một bờ biển dài hàng nghìn ki-lô-mét, nước ta có một nguồn tài nguyên thiên nhiên biển đảo vô cùng phong phú và đa dạng. Hằng năm, nguồn lợi khai thác các sản phẩm từ đại dương này đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước như: thủy, hải sản, khoáng sản, muối, dầu khí, khí đốt, tiềm năng du lịch biển... Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế biển thì biển nước ta cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề: mức độ ô nhiễm môi trường tăng do hoạt động khai thác dầu khí, vận tải dầu mỏ, khí đốt, các sự cố tràn dầu trên biển... làm tác động xấu đến môi trường sinh thái. Tất cả những vấn đề này đặt ra nhiệm vụ lớn lao cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo.
Thế nhưng, theo nghiên cứu của Thạc sĩ Trần Duy Kiều, Trưởng phòng quản lý đào tạo (Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), đội ngũ cán bộ về quản lý tài nguyên, môi trường biển hiện đang rất thiếu và mất cân đối giữa các ngành, một số lĩnh vực thiếu cán bộ chuyên sâu, ít được cập nhật các kỹ năng tác nghiệp mới. Còn TS Nguyễn Bá Dũng thì nêu một thực trạng: 28 tỉnh, thành phố của nước ta có bờ biển, nhưng sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh này chưa hề có nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo (chưa kể đến cấp huyện, xã). Được biết, ngành dầu khí là một ngành kinh tế biển chủ lực nhưng cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công có tay nghề cao và sức khỏe tốt, riêng chuyên gia thì chúng ta đang phải thuê nước ngoài. Trường đại học Mỏ địa chất cũng chỉ đào tạo các kỹ sư phục vụ cho khai thác dầu khí, chưa chú trọng tới đào tạo đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao để cảnh báo, xử lý các sự cố tràn dầu ra môi trường do hoạt động khai thác và vận tải sản phẩm dầu...
Cùng với các ngành trên, đội ngũ cán bộ khí tượng thủy văn có trình độ đại học và trên đại học cũng đang thiếu hụt nhiều nhưng công tác đào tạo hiện chưa đáp ứng kịp thời. Bởi số lượng cử nhân và cao học được đào tạo hằng năm tại Trường đại học khoa học tự nhiên Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không được nhiều. Còn các trường cao đẳng tài nguyên và môi trường là nơi đào tạo chuyên ngành thì lại chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, chuyên tu đại học khí tượng thủy văn... Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Trường đại học Hàng hải Việt Nam, đến năm 2010, số lượng sĩ quan hàng hải sẽ bị thiếu hụt khoảng 800 người, đặc biệt là các thủy thủ lành nghề.
Tăng cường đặt hàng cơ sở đào tạo
Với thực trạng trên cho thấy, nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên, môi trường và khí tượng, thủy văn biển đang bị hẫng hụt nghiêm trọng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực biển sẽ làm cho chúng ta tụt hậu đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia thì cần phải đẩy mạnh và nâng cấp các cơ sở đào tạo hiện có, đầu tư và xây dựng các cơ sở đào tạo mới, khuyến khích việc hình thành các ngành học phục vụ cho việc khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển trong trường đại học, cao đẳng. Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, để chuẩn bị đội ngũ kế cận lực lượng chuyên gia đầu ngành khi đã đến tuổi nghỉ hưu. Có ý kiến cho rằng, cần phải khẩn trương xây dựng một đội ngũ đông đảo cán bộ quản lý, chuyên gia và kỹ thuật viên cho các chuyên ngành như: Hải dương học, Trắc địa biển; Địa chất và khoáng sản biển; Môi trường biển; Sinh học biển, Du lịch biển, An ninh trên biển...
TS Phạm Doãn Mậu, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng: Cần phải gấp rút rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên, môi trường và khí tượng thủy văn hiện đang công tác trong các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương để đánh giá chuẩn xác hơn. Trên cơ sở đó, các trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có đào tạo các chuyên ngành về biển để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nhân lực. Cần nghĩ đến phương án phải đặt hàng cho các cơ sở đào tạo cho ngành tài nguyên môi trường những sản phẩm tốt nhất và chủ động ưu tiên thu hút người tài vào ngành có thể đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc ngày càng nhiều và chất lượng cao trong thời gian tới.