Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM được chuyên gia của Bệnh viện bay Orbis hướng dẫn và chuyển giao các kỹ thuật mổ mắt - Ảnh: T.T.D |
Chỗ nào cũng kêu
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế - phác thảo thực trạng hiện nay: quá tải bệnh viện xảy ra ở các tuyến và có xu hướng gia tăng, trang thiết bị thiếu, nhiều kỹ thuật y tế chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhân lực y tế quá thiếu. Cách tính nhu cầu nhân lực của nhiều địa phương vẫn còn theo kiểu của thời bao cấp: chỉ dựa vào nhu cầu của hệ thống BV công - lấy số giường kế hoạch làm cơ sở, chưa dựa vào nhu cầu thực có cả hệ thống y tế tư nhân và tình hình dịch bệnh...
Xét về góc độ phát triển, chỉ số CBYT/10.000 dân tăng rất chậm. Nếu so với năm 1986 đã đạt bình quân 42,8 CBYT/10.000 dân thì đến năm 2006 chỉ đạt 32 CBYT/10.000 dân. Số bác sĩ (BS) phục vụ 10.000 dân từ 2001-2006 có xu hướng tăng dần đều từ 4,1-6,2/10.000 dân nhưng tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỉ lệ này rất thấp.
Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp nêu thực trạng... buồn ở địa phương: chỉ 22 CBYT/10.000 dân; 4,2 BS /10.000 dân; tỉ lệ dược sĩ (DS) là 0,2/10.000 dân. Nếu tính theo yêu cầu của bộ là 7-10 BS/10.000 dân thì phải đến năm 2020 mới đủ.
Lai Châu càng... buồn hơn. Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết chỉ 3,3 BS/10.000 dân; DS đại học chỉ 0,1/10.000 dân. Ở tuyến tỉnh có 59 BS và cả sáu huyện thị có 38 BS, nên BS chủ yếu làm công tác quản lý: giám đốc, phó giám đốc trung tâm. BS chính qui ra trường không có.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - địa phương đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài - cũng có "bức tranh" nhân lực y tế không mấy sáng sủa: 3,56 BS/10.000 dân và 0,21 DS đại học/10.000 dân, 88/171 trạm y tế xã, phường có BS. Để đạt 7 BS/10.000 dân vào năm 2010, Đồng Nai cần 1.550 BS.
Số lượng hay chất lượng?
Ước tính nhu cầu nhân lực cần đào tạo mới cho khu vực bệnh viện từ nay đến năm 2010 là trên 74.000 người. Trung bình mỗi năm cần thêm gần 6.000 BS,1.500 DS, 10.000 điều dưỡng và 7.000 cán bộ khác (kỹ thuật viên, hộ sinh, hộ lý...). Trong lĩnh vực y tế dự phòng từ nay đến năm 2010 cũng cần thêm trên 11.000 CBYT. Vậy có tăng tốc đào tạo không? Nếu tăng tốc có đảm bảo chất lượng?
GS.TS Trương Việt Dũng - vụ trưởng Vụ Khoa học & đào tạo - nêu những bất cập trong đào tạo: thiếu về số lượng sinh viên đại học và sau đại học; mất cân đối giữa các chuyên khoa, ngành; phân bố cán bộ y tế không đều giữa các vùng; chất lượng đào tạo hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu về kỹ thuật cao. Nguyên nhân: hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh, qui hoạch mở rộng qui mô trường chậm, giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; cơ sở vật chất chưa được đầu tư nâng cấp, kinh phí rất thấp và không thay đổi định mức từ 15 năm nay (6 triệu đồng/ sinh viên/năm).
TS Đỗ Văn Nhượng, đại diện Bộ GD-ĐT, băn khoăn: nâng qui mô đào tạo nhưng phải đạt chất lượng. Ông nói: "Một sản phẩm xuất khẩu nếu không đạt chất lượng có thể đem bán nội địa với giá rẻ nhưng ngành y lại khác ở chỗ chất lượng phải đạt yêu cầu của ngành đặc thù chăm sóc sức khỏe con người".
GS.TS Đặng Vạn Phước - hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM - phân tích: do đối tượng phục vụ của BS, DS là con người, không giống như đào tạo cử nhân về kinh tế, nên thời lượng khác hẳn - không thể rút ngắn đào tạo, lý thuyết có thể rút xuống còn bốn năm nhưng thực hành lâm sàng, thực tập... tối thiểu phải sáu năm. Các nước kéo dài 8-10 năm hoặc lâu hơn. Ở Mỹ sau tám năm đào tạo, tiếp tục đào thêm 3-4 năm, thậm chí năm năm. Trường phải có bệnh viện thực hành theo môi trường giảng dạy, ngay cả y đức cũng phải được giảng dạy trong những năm đầu tiên.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đúc kết: ít nhất phải mười năm nữa mới đảm bảo được số lượng, còn chất lượng lại là vấn đề lớn. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể nhu cầu và có văn bản chính thức đề nghị với bộ. Các địa phương dù rất bức xúc về nguồn nhân lực nhưng chất lượng là vấn đề cần quan tâm. Cho đến giờ này bằng y, dược, nha của chúng ta chưa được công nhận ở khối ASEAN chứ đừng nói quốc tế. Hệ ngắn hạn trước mắt chỉ đào tạo cho tuyến xã, còn tuyến trên phải nghĩ đến đào tạo chính qui. "Giờ thực hành các môn học y cơ sở, sinh viên phải ngồi hành lang là không chấp nhận được. Chúng ta không thể đào tạo tràn lan để sau này để lại một thế hệ không đạt chất lượng" - bà Tiến nói.
KIM SƠN
▪ Sinh viên tìm việc: “Rớt” vì thiếu kỹ năng mềm (13/06/2008)
▪ Doanh nghiệp đồng thuận, công nhân phấn khởi (12/06/2008)
▪ 8 nghề sắp biến mất trong tương lai (12/06/2008)
▪ Hơn 80% sinh viên được tuyển dụng khi còn thực tập (12/06/2008)
▪ Quy định mới về tổ chức giới thiệu việc làm (09/06/2008)
▪ Sinh viên tranh thủ “cày” mùa Festival (09/06/2008)
▪ Nghề “hot” hiện nay (09/06/2008)
▪ Những người làm du lịch kiểu mới (07/06/2008)
▪ 10 nghề hạnh phúc nhất (07/06/2008)
▪ Dùng cơ chế nào giải quyết đình công tại TPHCM? (05/06/2008)