Tư vấn luật, xây dựng hạ tầng, dầu khí, dược... thu hút lao động trong năm tới. Xu hướng cơ cấu lại nhân sự sẽ diễn ra.
Kinh tế suy thoái, nhiều lao động có nguy cơ bị mất việc. Trong ảnh: Công nhân Công ty Giấy Sài Gòn trong giờ làm việc
Năm 2009, Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tình trạng cắt giảm nhân sự, lương, phúc lợi sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN).
Thị trường lao động sẽ chuyển biến rõ nét khi nhiều ngành nghề thay đổi cơ cấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực, vẫn có một số ngành có thể phát triển.
Ngành hàng tiêu dùng, tư vấn luật vẫn thiếu
Nếu như cuối năm 2008, tài chính, chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng, bất động sản... trở nên ảm đạm thì năm nay, tình hình cũng sẽ không được cải thiện. Thay vào đó, ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm có tín hiệu lạc quan.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, nhận xét: “Nhu cầu hàng tiêu dùng sẽ không thể ngừng vì nó là sản phẩm không thể thiếu đối với mọi nhà, mọi người. Do đó, ngành này vẫn đứng vững dù tình hình kinh tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ sức khỏe cũng được mọi người chú trọng. Chính vì thế, ngành dược sẽ tiếp tục phát triển khi các hãng dược trong và ngoài nước thu hút nhiều nhân lực”.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị Navigos Group, nhận định mỗi ngành đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của suy thoái kinh tế nhưng vẫn có một số ngành có nhu cầu nhân lực lớn, như ngành tư vấn luật. Các vị trí tư vấn pháp lý, luật sư sẽ là đối tượng được nhiều DN tuyển dụng. Lý giải cho sự thu hút nhân lực của ngành, bà Tâm cho biết cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Vì thế, các vấn đề liên quan luật pháp càng trở nên quan trọng.
Đầu tư kích cầu sẽ tạo việc làm
Trong khi các ngành dệt may, giày da... phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động thì các ngành đầu tư kích cầu như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng hay công nghiệp mang tính đầu tư lâu dài như dầu khí, khai thác công nghiệp nặng... sẽ thu hút nhiều lao động. Ông Huỳnh Minh Quân, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Nhân Việt, nhận định: “Sức hút của thị trường lao động là việc đầu tư vào các ngành mang tính vĩ mô. Những công việc trong ngành cầu cảng, bốc vác, vận tải sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”.
Cũng theo dự báo của các chuyên gia, cùng với việc mở cửa thị trường bán lẻ, sự xuất hiện của các siêu thị như Lotte Mart, Wal-Mart... sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động. “Ăn theo” các siêu thị là lực lượng lao động phục vụ, vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tăng lên.
Làm trái nghề, hãy xem là cơ hội
Theo các chuyên gia tư vấn nhân lực, sự khó dự đoán của nền kinh tế sẽ khiến nhiều DN tính đến chuyện cơ cấu lại nhân sự, thay đổi hoặc giảm bớt những khoản phúc lợi nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí. Bên cạnh đó, khi luật thuế thu nhập được triển khai, hầu hết các khoản thưởng và phúc lợi khác đều chịu thuế.
Để bảo đảm duy trì các khoản phúc lợi cho nhân viên, các DN phải chịu thêm gánh nặng tăng chi phí trực tiếp đối với hoạt động kinh doanh. Theo ông Huỳnh Minh Quân, đây là giai đoạn thử thách cho cả DN và nhân viên. Hai bên phải hợp tác tích cực để đưa DN vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng: “Trong tình hình khó khăn như vậy, các nhân viên hãy tích cực làm việc, sáng tạo hơn; bớt đòi hỏi ở DN và nên hiểu rõ rằng DN có tồn tại thì mình mới tồn tại. Nếu phải làm công việc trái ngành nghề, hãy chấp nhận và xem đây là cơ hội để học hỏi thêm”.
Theo Tuoi Tre Online
▪ Năm mới, khởi đầu mới (06/01/2009)
▪ 5 blog việc làm nên đọc (06/01/2009)
▪ Tìm bình yên ở Maui (06/01/2009)
▪ Gần 30.000 lao động đã mất việc làm (03/01/2009)
▪ Năm mới về đâu? (02/01/2009)
▪ Đến lượt Microsoft chuẩn bị cho nhân viên “về hưu non”? (02/01/2009)
▪ Nhập khẩu lao động phổ thông: “Rừng” đang thừa “củi” (31/12/2008)
▪ Trên 22.000 lao động mất việc làm trong năm 2008 (31/12/2008)
▪ Vấp phải sếp chuyên sai vặt (31/12/2008)
▪ Chợ 'xổm' sinh viên (30/12/2008)