Gần 40 thanh thiếu niên ngồi trước hai dãy bàn dài, trước mặt các bạn là những chiếc ly thủy tinh đặt trên cái bàn xoay nhỏ.
Lớp học tranh cát Phi Long |
Chăm chú quan sát tấm ảnh mẫu treo trước mặt, bằng động tác chuẩn xác nhất, các bạn múc từng chút cát bằng chiếc thìa nhỏ trong những cái chén cho vào ly thủy tinh.
Những sông hồ, biển cả, sinh vật, dáng người dần hiện ra quanh chiếc ly, với nhiều màu sắc tạo bởi màu sắc của cát. Đó là những gì diễn ra hàng ngày ở lớp dạy làm tranh cát dành cho người khiếm thính Phi Long, ở số 10 đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết.
Lớp học được mở cách đây hai năm bởi một người mẹ có đứa con thiếu may mắn - chị Đặng Thị Thu Hà. Đỗ Đặng Phi Long không khiếm thính bẩm sinh, mà do quá trình điều trị bệnh bằng thuốc trụ sinh dài ngày lúc nhỏ. Phi Long được theo học một khóa làm tranh cát của nghệ nhân Ý Lan ở TPHCM, và chàng trai hai mươi tuổi sớm bộc lộ năng khiếu trong loại hình nghệ thuật mới mẻ này.
Nhưng lớp dạy tranh cát cho các bạn trang lứa với Phi Long có được là từ tấm lòng của người mẹ. Chị Thu Hà muốn con mình vươn lên sống có ích cho mọi người. Chị đã chạy vạy để mở một phòng tranh cát cho con. Rồi chị Thu Hà còn mở thêm hai điểm dạy khác trong thành phố Phan Thiết, Phi Long truyền nghề rồi bạn lớp trước truyền cho bạn lớp sau, trong tình thương yêu, chia sẻ của những người trẻ khiếm khuyết một phần chức năng cơ thể.
Sau 2 năm, đã có 80 thanh, thiếu niên khiếm thính theo học các lớp làm tranh cát; có cả các em ở ngoài tỉnh Bình Thuận. Điều đặc biệt là học viên không phải nộp tiền học phí, mà còn được nuôi ăn, ở: Sở LĐ - TB & XH Bình Thuận trợ cấp 240.000 đồng/ tháng/học viên, còn chị Thu Hà hỗ trợ thêm 180.000 đồng /tháng. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm cũng đã giúp thêm các em có bữa ăn chất lượng hơn.
Phan Thiết ngày càng nhiều du khách tham quan, nghỉ dưỡng hơn nên loại hình nghệ thuật tranh cát mới mẻ có được nguồn tiêu thụ. Du khách khi tham quan phòng tranh cát ở Phan Thiết hay Mũi Né, thường thích những tranh về phong cảnh biển hay đặt làm tranh chân dung để làm kỷ niệm. Đa số các bạn sau khi hoàn thành khóa học đều trở thành người của phòng tranh, được tính lương theo sản phẩm. Các bạn Thanh Thúy, Thúy Hoa, Lan Quỳnh mỗi tháng lĩnh hơn 1,5 triệu đồng; các bạn mới ra nghề lĩnh thấp nhất cũng 800.000 đồng/ tháng.
Phương Thảo
▪ Chính thức tuyển lao động Việt Nam đi Mỹ làm việc (27/05/2008)
▪ Giáo viên bỏ việc do mức lương quá thấp (26/05/2008)
▪ TP.HCM: 110 thí sinh dự thi tay nghề trẻ 2008 (24/05/2008)
▪ Bí quyết thành công của các doanh nhân nổi tiếng (24/05/2008)
▪ “Vòng xoáy” nhảy việc của sinh viên mới ra trường (24/05/2008)
▪ Mới chỉ dừng ở mức… “gửi tạm” (23/05/2008)
▪ Nhân viên thế hệ Y (23/05/2008)
▪ Doanh nghiệp “đói” CEO (22/05/2008)
▪ Hà Nội: Đào tạo nghề cho nông dân mất đất (21/05/2008)
▪ Khởi động chương trình sinh viên khởi nghiệp (21/05/2008)