Sếp và nhân viên của Razer di chuyển trong công ty bằng xe hẩy. Người đi đầu là trưởng phòng nhân sự Tammy Tang -Ảnh: TST |
Một năm trước, blogger Cecelia Lai ở Singapore bị sốc vì bị trưởng bộ phận mãi vụ công ty điện tử nơi cô làm việc sa thải. Lý do Lai đã gọi sếp mình là "Hitler" và nguyền rủa phong cách quản lý "phát xít" của ông trên diễn đàn mạng Hardwarezone.
Mặc dù Lai chỉ dùng biệt danh, cũng không nêu tên công ty hay tên sếp, nhưng một đồng nghiệp bắt gặp cô post bài lên đã thóc mách với cấp trên. Cho tới tận bây giờ khi đã chuyển sang bán hàng cho một công ty khác, cô gái 25 tuổi vẫn cho rằng mình không làm gì sai: "Đó chỉ là chuyện cá nhân vì tôi không nêu đích danh ai".
Dị biệt thế hệ
The Straits Times thử gặp sếp cũ của Lai để tìm hiểu ông đã nghĩ gì khi quyết định tống khứ cô khỏi công ty. Người đàn ông 51 tuổi này nói: "Ngay từ ngày đầu thấy cô ta mặc quần jean áo thun đi làm tôi đã không có cảm tình. Khi tôi gọi, cô ta cũng chẳng ừ hử vì đang cắm tai nghe nhạc iPod, tôi bước tới gần và thấy cô ta đang chat!".
Tuy nhiên, "vị sếp bạo chúa" cũng thừa nhận mình đã ngạc nhiên khi thấy Lai chỉ sau tuần làm việc đầu tiên đã bắt được một mối bán hàng. "Cô ta không ngốc. Cô ta nói chuyện với giới trẻ rất hạp và thuyết phục. Nhưng giữa cô ta và tôi có quá nhiều điểm khác biệt", ông nói.
Cecelia Lai phải chuyển chỗ làm nhưng viên giám đốc quản lý nhân sự cũng khuyên người sếp cũ của cô tập làm quen với việc quản lý "các Cecelia". Các nhà xã hội học Singapore gọi những người thuộc thế hệ cô là thế hệ Y và tặng cho một định nghĩa đẹp: "Những người thông minh, tự tin, năng động, hiểu biết công nghệ, vào đời với cái đầu và tấm bằng còn tươi mới, sinh ra trong khoảng năm 1977-1999".
Trong khoảng 4,5 triệu dân của Singapore có hơn 1 triệu người thuộc thế hệ Y và trong số đó gần 400.000 người đang ở trong thị trường lao động. Vấn đề cách biệt thế hệ có thể làm ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung được các công ty Singapore ngày càng chú ý.
Kinh nghiệm Razer Chi nhánh của Công ty Razer phát triển các phần mềm phục vụ game thủ ở Singapore là một môi trường làm việc lý tưởng cho thế hệ Y. "Vì chúng tôi là một công ty về trò chơi, chơi là một phần trong công việc. Nếu cứ chiếu theo qui tắc sẽ làm tê liệt sáng tạo", giám đốc điều hành Tan Min Liang giải thích. Nhân viên ở đây di chuyển trong văn phòng bằng xe hẩy, ăn uống miễn phí, cười nói tự do, và tất nhiên chơi game thoải mái, miễn là công việc hoàn thành. "Sự hạnh phúc khiến người ta có năng suất cao", Tan đoan chắc như vậy. Năm ngoái, doanh số bán ra của Razer tại Singapore là 350 triệu USD và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Tuy vậy, một người thuộc thế hệ Y, trưởng phòng nhân sự Tammy Tang 23 tuổi của Razer, tâm sự cô không dự định ở lại lâu trong công ty hoặc trong ngành này: "Những năm tháng vui vẻ khiến bạn không nhận rõ thời gian đang trôi qua. Tôi nghĩ mình sẽ đi học trở lại để trở thành nhà phân tích tài chính". |
"Nhân dạng" thế hệ Y
Đặc điểm hiển hiện rõ nhất là thế hệ Y yêu thích công nghệ nên họ còn được gọi bằng những cái tên như "thế hệ net", "thế hệ MySpace", "thế hệ iPod". Một tân cử nhân hay kỹ sư điển hình hầu như đều sở hữu một máy nghe nhạc kỹ thuật số, một điện thoại di động có thể chụp hình quay phim, biết "còmmen", chép hình và tải video clip lên diễn đàn mạng, blog và YouTube. Họ cũng biết tạo thông tin cá nhân trên một địa chỉ mạng xã hội như MySpace. Họ lớn lên trong một môi trường chìm ngập công nghệ.
Tuy nhiên, khuyết điểm của thế hệ Y nằm ở mặt sau ưu điểm của họ. "Bất hạnh là họ chấp nhận ngay những kết quả đầu tiên truy cập được trên Google hoặc Wikipedia mà không xác minh lại chúng. Họ khá hấp tấp", Daryl Han, 48 tuổi, một giám đốc về đầu tư, nhận xét. Công ty tư vấn của ông Han phải mở nhiều hội thảo để chỉ dẫn thế hệ Y cách đánh giá thông tin.
Đặc điểm thứ hai là họ không ngại nhảy việc. Tính cách thiếu trung thành bắt nguồn từ việc thế hệ Y nhìn thấy cha mẹ mình làm việc nhiều năm tháng và cật lực cho một công ty nào đó mà vẫn bị dễ dàng vứt bỏ khi công ty đi vào giai đoạn kinh tế khó khăn. Theo ông David Leong, 38 tuổi, lãnh đạo Công ty nguồn nhân lực PeopleWorldwide Consulting, hiếm có người trẻ nào mà công ty ông chiêu dụ được ở lại quá ba năm với một doanh nghiệp.
Thêm một nguyên nhân là họ thấy chán khi làm mãi một việc. Chuyên viên Liew khuyên những ông chủ muốn giữ chân thế hệ Y nên thay đổi môi trường làm việc cho họ thường xuyên, thí dụ như chuyển họ sang bộ phận khác, gửi họ đi nước ngoài... Về điểm này, Công ty đấu thầu KPMG rất lưu ý làm theo vì thế hệ Y chiếm đến 70% trong số 1.900 nhân viên ở đây.
Giới chủ Singapore cho biết họ thường bị sự tự tin của các nhân viên thế hệ Y gây sốc. Ngay ngày đầu tiên, thế hệ này đã không ngại cho thấy mình giỏi như thế nào. Chủ nhà hàng Wild Rocket, ông Willin Low, kể rằng các nhân viên mới vào của ông đề xuất nhiều công thức chế biến nước xốt mới và quả là có một số ít đề xuất giá trị. Tuy vậy, ông cũng đành để một vài người có tiềm năng ra đi vì những nhân viên này đòi phải được thăng chức trong vòng vài tháng. "Họ hăng hái nhưng thiếu kinh nghiệm. Trong nghề làm nhà hàng cần phải biết lột hành trước khi quản lý một bếp ăn", ông Low nhận xét.
Thế hệ Y còn thêm một điểm khác biệt so với thế hệ "Baby Boom" và thế hệ X là họ muốn việc làm của mình giúp gia đình và đời sống cá nhân được tốt hơn, chứ không phải chiều ngược lại. Do đó, họ đòi hỏi những công việc uyển chuyển, được kết nối mạng để có thể ngồi nhà làm việc, hoặc là việc bán thời gian để có thể đi học nâng cao, có nhiều ngày nghỉ để "sạc" năng lượng và làm những việc yêu thích. Chẳng hạn như hai nhân viên trẻ nhất của chuyên viên Liew vừa xin nghỉ ba tháng để sang Anh học nghề gốm!
"Muốn giữ chân thế hệ Y, các anh nên xem xét yêu cầu có nhiều thời gian riêng tư của họ. Nếu không, họ cũng bỏ việc để đi ra nước ngoài một chuyến rồi trở về làm việc cho đối thủ của bạn", Leong khuyên.
THUỶ TÙNG
▪ Mới chỉ dừng ở mức… “gửi tạm” (23/05/2008)
▪ Doanh nghiệp “đói” CEO (22/05/2008)
▪ Hà Nội: Đào tạo nghề cho nông dân mất đất (21/05/2008)
▪ Khởi động chương trình sinh viên khởi nghiệp (21/05/2008)
▪ Thêm cơ hội vào đời (20/05/2008)
▪ Làm việc thứ bẩy được hưởng 200% lương làm thêm giờ (20/05/2008)
▪ Chợ osin Sài Gòn (19/05/2008)
▪ Nghề bây giờ nguy hiểm, phải sáng suốt và dũng cảm (19/05/2008)
▪ Bảo vệ quyền lợi thanh niên lao động (17/05/2008)
▪ Phát triển KHCN: Chúng tôi cần thay đổi cơ chế (17/05/2008)