Khi dự án thí điểm đưa 24 lao động có tay nghề sang làm việc tạivùng Nam Osstrobothnia (phía Tây Phần Lan) được giao trực tiếp cho trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội là nơi tạo nguồn và đào tạo nghề, đã mở ra một hướng mới trong việc liên kết giữa các trường đào tạo nghề và hoạt động XKLĐ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng, hiệu phó trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết về việc tuyển chọn lao động để đưa đi làm việc tại Phần Lan trong tháng 9 tới?
Lượng lao động tuyển đi làm việc tại Phần Lan lần đầu tiên này không nhiều, nhưng mở ra một hướng lao động Hà Nội tiếp cận các thị trường XKLĐ thu nhập cao. Việc chuẩn bị nguồn lao động tốt sẽ có uy tín lớn, mở rộng nguồn về sau. Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội rất mừng vì được tin tưởng giao phó.
Dựa trên những yêu cầu của phía bạn, trường đã có thông báo tới học sinh vừa tốt nghiệp và cả những học sinh đã ra trường. Theo đó, hơn 30 người đăng ký tham gia tuyển. Việc tuyển dụng do các chuyên gia của Phần Lan trực tiếp thực hiện. Họ kiểm tra rất kỹ về chuyên môn, tác phong làm việc, đạo đức. 17 người trong số này đã được tuyển chọn bao gồm các nghề như hàn, điện, chế biến gỗ. Tuy lượng lao động được tuyển không lớn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng đào tạo của nhà trường tương đối tốt. 17 lao động này tiếp tục được nhà trường đào tạo thêm về ngoại ngữ, nâng cao tay nghề và đặc biệt là thái độ làm việc, phong tục tập quán của Phần Lan. Hy vọng, đây là tín hiệu mừng để phát triển mối quan hệ lâu dài, bởi trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đợt tuyển dụng tiếp theo.
- Có thể nói, đây là lần đầu tiên trường được giao trực tiếp việc tạo nguồn cho XKLĐ. Vậy việc đào tạo nghề phục vụ cho XKLĐ đã bao giờ được nhà trường tính tới?
Thực sự nhà trường không có một định hướng riêng cho việc đào tạo nghề phục vụ cho XKLĐ. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có hai dạng liên kết giữa trường và các công ty chuyên XKLĐ trong lĩnh vực đào tạo. Một là các công ty vào trực tiếp tuyển chọn học viên năm cuối của trường có nhu cầu đi XKLĐ. Tuy nhiên, đối tượng này không nhiều, không thường xuyên. Một cách thường xuyên hơn là các công ty sau khi tuyển dụng, gửi lao động vào đây nhờ bồi dưỡng nghề. Mỗi khóa khoảng 20 học viên. Hiện nay, nhà trường mới chỉ đào tạo số lao động này về chuyên môn, nhưng chúng tôi đang xây dựng chương trình để tiến tới đào tạo toàn diện về cả ngoại ngữ, giáo dục định hướng… Nhưng số đối tượng này cũng không được coi là lao động có trình độ cao, bởi các khóa đào tạo chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Trong số này cũng phần lớn là lao động ngoại tỉnh.
- Theo ông, có cần sự liên kết chặt hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp XKLĐ, để học viên của các trường trở thành một nguồn lao động chất lượng cao?
Đúng là sự liên kết giữa các trường và doanh nghiệp XKLĐ lâu nay phần lớn mới chỉ dừng ở mức doanh nghiệp “gửi tạm” lao động vào trường. Trong khi các công ty XKLĐ luôn kêu thiếu nguồn lao động chất lượng cao, thì các trường gần như đứng ngoài cuộc. Trước đây, Trường CĐ Công nghiệp (hiện là ĐH Công nghiệp) đã làm rất tốt việc đào tạo nguồn cho XKLĐ, mỗi năm có khoảng hơn 1000 lao động có tay nghề được các công ty XKLĐ lựa chọn. Nhưng mô hình này vẫn không được nhân rộng.
Bản thân nhà trường hiện mới chỉ làm tốt việc liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp trong nước để “đào tạo đáp ứng nhu cầu”. Trường có ba hệ đào tạo là CĐ nghề, Trung cấp nghề và TCCN với các nghề như cắt gọt kim loại, hàn, nguội, sửa chữa máy công cụ, công nghệ ô tô, điện dân dụng… Mỗi năm có khoảng 2000 học viên ra trường. Nhà trường cũng thường xuyên có sự liên hệ với các công ty để tiếp nhận các yêu cầu phản hồi về chất lượng. Bởi vậy, 80% học viên của trường có việc làm và đáp ứng được nhu cầu.
Một thực tế cho thấy, rất nhiều học viên có nhu cầu đi XKLĐ nhưng không tiếp cận được thông tin. Nên việc liên kết giữa trường và doanh nghiệp cần chặt chẽ và khoa học hơn nữa. Bản thân trường CĐ nghề Công nghiệp HN, sau dự án đưa lao động thí điểm đi Phần Lan, chúng tôi cũng sẽ tính tới hướng đào tạo nghề phục vụ cho XKLĐ.
- Xin cảm ơn ông!