(VietNamNet) - Hàng loạt nhà đầu tư trong KKT Dung Quất đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao, nhưng khả năng đáp ứng lại đang rất hạn chế!
Tin từ Ban quản lý khu kinh tế (KKT) Dung Quất cho hay: Tổ hợp nhà thầu Technip vừa đặt vấn đề với trường Đào tạo nghề Dung Quất đào tạo 2.000 thợ hàn bậc cao để phục vụ cho việc thi công lắp đặt nhà máy lọc dầu. Technip sẽ hỗ trợ thiết bị hàn trị giá trên 1 triệu USD cho trường để tăng giờ học thực hành cho công nhân.
Hiện nhà trường đang lập phương án liên kết với ACPA (Công ty tư vấn đào tạo công nghệ cao thuộc Văn phòng đại diện nhà thầu Technip tại TP.HCM) chuẩn bị công tác tuyển sinh và cấp chứng chỉ quốc tế cho công nhân khi hoàn tất khóa đào tạo.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, trường Đào tạo nghề Dung Quất mở rộng đối tượng tuyển sinh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm đáp ứng kịp số lượng thợ hàn bậc cao phục vụ thi công nhà máy lọc dầu.
Trong khi đó, ông Huang WenSung, Chủ tịch Tập đoàn thép Tycoons của Đài Loan cũng vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý KKT Dung Quất về việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho nhà máy luyện thép lò cao của tập đoàn này tại Dung Quất.
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Theo kế hoạch, tháng 10/2006, Tycoons sẽ khởi công xây dựng nhà máy (giai đoạn 1 với vốn đầu tư 539 triệu USD) để đến giữa năm 2009 đi vào hoạt động. Dự kiến, nhà máy luyện thép lò cao của Tycoons cần khoảng 8.000 lao động có tay nghề cao. Lãnh đạo tập đoàn Tycoons đang rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Ban quản lý KKT Dung Quất trong việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực đạt yêu cầu cho nhà máy, xây dựng nhà ở cho công nhân...
Đáng nói là trường Đào tạo nghề Dung Quất tuy đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho KKT Dung Quất nhưng trung bình mỗi năm chỉ có thể đào tạo được khoảng 1.000 công nhân dài hạn và 1.000 công nhân ngắn hạn. Vì vậy, việc đáp ứng kịp thời nguồn lao động có tay nghề cao trong các ngành kỹ thuật như luyện thép, hàn... xem ra không dễ thực hiện được.
Trên thực tế, tình trạng thiếu công nhân đang xảy ra khá nghiêm trọng tại nhiều doanh nghiệp may mặc xuất khẩu hoạt động ở KKT Dung Quất. Từ đầu năm, Xí nghiệp May Dung Quất liên tục thông báo tuyển thêm 500 công nhân nhưng đến nay chưa được 1/3. Xí nghiệp đã đầu tư 5 tỷ đồng mua 150 máy may và các trang thiết bị để mở rộng 4 dây chuyền may công nghiệp. Trang thiết bị đã đưa về nhưng phải “đắp mền” vì thiếu lao động.
Giám đốc Công ty May xuất khẩu Việt - Nhật Võ Văn Giác thì cho hay: “Trước khi khai trương, chúng tôi đã đặt hàng cụ thể về cung ứng nguồn lao động nhưng thực tế chỉ tiếp nhận được 164 công nhân của trường Đào tạo nghề Dung Quất và 20 - 30 công nhân từ Trung tâm dạy nghề Sở LĐ-TB-XH. Với số lượng như thế này sẽ không đủ công cung cấp cho Công ty may Việt - Nhật chứ chưa nói đến Công ty may Việt - Mỹ có quy mô, công suất còn lớn hơn mà chúng tôi sắp đưa vào hoạt động”.
Tình hình này hẳn sẽ càng trở nên "nóng bỏng", thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng trong thời gian tới nếu tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý KKT Dung Quất không có những giải pháp căn cơ hơn trong việc đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp hoạt động tại KKT Dung Quất. Và như thế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các dự án đầu tư vào đây.
▪ Tôi làm mẫu “nuy” (06/04/2006)
▪ Hai gợi ý cho bức thư xin việc hiệu quả (03/04/2006)
▪ Lao động đổ xô đi Hàn Quốc (29/03/2006)
▪ Xuất khẩu nhân lực phần mềm là động lực cho CNTT (24/03/2006)
▪ Ngày hội việc làm cho người lao động (22/03/2006)
▪ Khan hiếm nguồn nhân lực CFO (16/03/2006)
▪ Khoảng 1.000 lao động tìm kiếm việc làm phù hợp (15/03/2006)
▪ Khi cuộc phỏng vấn không như ý (14/03/2006)
▪ Năm nguyên tắc xin việc (13/03/2006)
▪ Hơn 5.000 người tìm kiếm thông tin việc làm (10/03/2006)