Họ trẻ, nhanh nhạy và có vẻ hơi xấc xược. Họ có thể đi dép xỏ ngón đến công sở hay nghe nhạc qua iPod ngay tại bàn làm việc. Họ muốn làm việc nhưng công việc không phải mục đích cuộc đời họ.
Đó là những miêu tả sơ qua về thế hệ Y, một lực lượng trẻ đang lớn mạnh gần 70 triệu người. Họ là làn sóng mới đang làm tươi trẻ các công sở Mỹ, khẳng định vị trí không thể thay thế tại những nơi làm việc đa thế hệ.
| ||
Theo học giả Bruce Tulgan, người sáng lập học thuyết New Haven Conn, chuyên nghiên cứu về đời sống giới trẻ thì những thành viên thuộc thế hệ Y có tuổi đời không quá 30. Họ xuất hiện đúng lúc các công ty trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt với sự già nua của lực lượng lao động.
Bởi vậy, cảnh tượng những nhân viên 60 tuổi làm việc cạnh những kẻ mới đôi mươi hay chịu sự giám sát của những người vừa tốt nghiệp đại học không còn xa lạ với công chúng. Và việc những người mới đi làm thay đổi công việc còn nhanh hơn sinh viên thay đổi môn học khiến các ông chủ phải lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài về phía mình.
Jordan Kaplan, giảng viên môn khoa học quản lí, ĐH Long Island (Brooklyn, New York) cho biết : "Không giống những người đi trước, thế hệ Y dường như không muốn thích ứng với kiểu quản lí "kiểm soát-ra lệnh" truyền thống đang thông dụng tại các công sở ngày nay. Họ lớn lên bằng cách luôn đặt câu hỏi cho cha mẹ và giờ đây là đặt câu hỏi cho các ông chủ. Họ không biết cách "giữ im lặng", và điều này làm những người quản lí 50 tuổi thấy bực mình, khó chịu."
Triết lí "Nói lên suy nghĩ của bạn" quả thật có ý nghĩa với Katie Patterson, trợ lí điều hành kế toán Văn phòng Quan hệ cộng đồng Edelman tại Atlanta. Cô gái 23 tuổi này đến từ Iowa và hiện đang sống cùng hai bạn đồng nghiệp trong một căn hộ thuê ở thành phố.
Cô cho biết rất nhiều bạn bè cô đã mở công ty kinh doanh riêng vì không muốn phải phục tùng người khác : "Chúng tôi sẵn sàng và không ngại đương đầu với thử thách. Một môi trường làm việc mà sự sáng tạo và những ý tưởng độc lập được coi trọng rất hấp dẫn những người thuộc độ tuổi chúng tôi. Chúng tôi luôn biết rõ giá trị của mình, linh hoạt và nắm vững khoa học kĩ thuật".
Những đặc điểm chung của thế hệ Y
Luôn linh hoạt về thu chi tài chính : Chứng kiến sự bất ổn về tài chính của những người đi trước do mất việc hay những rủi ro của thị trường chứng khoán, những người lao động mới luôn biết phải làm gì với tiền lương và các khoản tiết kiệm.
Theo kết quả điều tra hồi tháng 9 của Ban cố vấn đầu tư thương mại, trụ sở tại New York, 46% số người trẻ tuổi được hỏi cho biết sẽ bắt đầu tiết kiệm cho tương lai trước tuổi 25, 49% nói các khoản phúc lợi sau khi nghỉ hưu là một trong những điều kiện quan trọng giúp họ lựa chọn nơi làm việc.
Cân bằng giữa công việc-cuộc sống : Thế hệ Y không coi công việc là mối quan tâm hàng đầu mà luôn kết hợp nó với cuộc sống riêng và gia đình. Họ tìm kiếm những công việc linh hoạt, sử dụng công nghệ viễn thông, giờ làm việc không gò bó và có thể tạm thời nghỉ việc khi sinh con cái. Diana San Diego, 24 tuổi, cố vấn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp của trường Cao Đẳng Parachute, San Francisco khẳng định : "Đó là ước nguyện của giới trẻ chúng tôi. Từ sau vụ khủng bố 11/9, người ta nhận ra rằng cuộc sống thật ngắn ngủi và ta phải trân trọng nó hơn."
Thay đổi, thay đổi và thay đổi : Họ không muốn làm một công việc, thậm chí một nghề quá lâu. Họ tự tin vào khả năng của mình đến nỗi không bao giờ e ngại thay đổi công ty làm việc khi nhận được lời mời hấp dẫn hơn. Họ luôn hồ nghi về sự trung thành của các nhân viên với ông chủ.
Điều này khiến người ta phần nào liên tưởng đến thế hệ X (sinh ra và trưởng thành từ giữa những năm 60 đến cuối những năm 70), những người luôn độc lập về suy nghĩ, yêu thích sự thay đổi và đề cao gia đình. Tuy nhiên theo học giả Tulgan, so với thế hệ X, thế hệ Y có những kì vọng cao hơn đối với bản thân, ông chủ và bạn đồng nghiệp.
Xung đột nảy sinh
Ở chốn công sở, mâu thuẫn và tranh cãi có thể bùng nổ bất kì lúc nào vì bất cứ chủ đề tưởng như vô thưởng vô phạt nhất như việc đi dép xỏ ngón và mặc những chiếc quần đồng bóng trái với quy cách ăn mặc giản dị, nghiêm túc truyền thống nơi công sở.
![]() |
Đa phần các nhân viên trẻ không vừa lòng với cung cách làm việc và ăn mặc truyền thống |
Angie Ping, 23 tuổi, làm việc cho Hiệp hội quản lí trang thiết bị quốc tế tại Alvin, Texas phàn nàn việc cô bị cấm đi dép xỏ ngón tới nơi làm việc : "Theo tôi, một số quy định về cách ăn mặc tại công ty là quá lạc hậu. Xu hướng thời trang công sở năm nay là những chiếc quần sặc sỡ, loe rộng như váy hấp dẫn cánh đàn ông. Đáng tiếc là nó lại bị cấm ở cơ quan chúng tôi."
Đặc biệt xung đột có thể nảy sinh từ chính cung cách làm việc và phân công nhiệm vụ giữa các nhân viên. Theo cuộc điều tra mới đây của chính phủ, 60% các ông chủ thừa nhận sự căng thẳng giữa các nhân viên trong công ty. 70% số nhân viên lớn tuổi được hỏi không vừa lòng với cách làm việc của các cộng sự trẻ hơn, và ngược lại đa số các nhân viên thế hệ Y kêu ca về khả năng xử lí công việc của các bậc tiền bối.
Jennifer Lewis, 22 tuổi, trợ lí quản lí nhân sự công ty Lee Hecht Harrison kể rằng cô thường xuyên thấy khó xử khi hàng ngày phải nghe báo cáo chi tiết thu chi của các đồng nghiệp bằng tuổi bố mẹ cô. Thậm chí Lewis phải nói dối thêm gần 10 tuổi để các nhân viên khác tôn trọng hơn. Matt Berkley, cây bút trẻ 24 tuổi của tạp chí Doanh nghiệp nhỏ phố St. Louis lại kêu ca rằng các phóng viên lớn tuổi ở đây chỉ quen viết báo cáo theo quý trong khi anh lại thích nghe đánh giá, nhận xét công việc hàng ngày.
Sáng kiến thu hút nhân tài
Các ông chủ đang nghiên cứu những phương cách mới để tuyển lựa, thu hút nguồn lao động trẻ như đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn về môi trường làm việc hiện đại, năng động.
![]() |
Một môi trường làm việc trẻ trung, hiện đại với thời gian linh hoạt và có cơ hội thăng tiến luôn hấp dẫn thế hệ Y |
Các nhà tuyển dụng của các cơ sở nghiên cứu Abbott tại Chicago luôn hướng tới đối tượng sinh viên đã và sắp tốt nghiệp, cung cấp cho họ thông tin đầy đủ về các phúc lợi của công ty như lịch làm việc linh hoạt, trợ cấp toàn bộ học phí, được sử dụng các thiết bị quản lí trực tuyến, viễn thông đa kênh.
Còn đối với Aflac, một công ty bảo hiểm tại Chicago thì điểm thu hút các ứng viên tìm việc thế hệ Y lại là cơ hội được thăng tiến, được phô diễn khả năng, thậm chí được giảm giờ làm nếu hiệu quả công việc cao.
Chúng ta cũng phải kể đến những sáng kiến của các nhà tuyển dụng công ty Xerox. Khẩu hiệu "Hãy chứng tỏ bản thân bạn" là lời miêu tả ngắn gọn và chính xác nhất cho văn hoá tuyển dụng của Xerox. Đối tượng tuyển dụng của công ty là các sinh viên đã và đang học tại các trường chuyên đào tạo về cơ khí và kĩ thuật in ấn như Học viện Kĩ thuật Rochester, Học viện Kĩ thuật Massachusetts, ĐH Illinois và ĐH Cornell.
Và lời nhận xét sau của Joe Hammill, giám đốc phụ trách phát triển nhân tài của Xerox đã thay cho lời kết của tác giả về thế hệ Y ở công sở Mỹ : "Họ là lực lượng lao động vô cùng quan trọng. Với các kĩ năng xã hội và ngề nghiệp tích luỹ được họ sẽ trở thành tương lai không những của Xerox mà còn của các công ty trên khắp nước Mỹ."
Thanh Bình (Tổng hợp)
▪ Bên “khát” thợ, bên vắng trò (12/11/2005)
▪ Tuổi trung bình của các GS năm 2005 là 58 (12/11/2005)
▪ Việc không tên, nghề lạ lẫm (10/11/2005)
▪ Nhiều lao động VN chết tại Malaysia do tai nạn giao thông (09/11/2005)
▪ 50 câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn (10/11/2005)
▪ VN có thêm 353 giáo sư, phó giáo sư (08/11/2005)
▪ Kiểm tra lao động Việt Nam tại Malaysia bị ngược đãi (06/11/2005)
▪ Airserco tuyển 1.000 lao động làm việc tại Dubai (UEA) (07/11/2005)
▪ Nghề nào dễ cô đơn nhất (07/11/2005)
▪ 7.000 lao động đi Hàn Quốc theo chương trình mới (29/10/2005)