Hơn một tháng tìm đến các trường ĐH, ký túc xá SV tại TP.HCM, những ngày hội "Kaila chắp cánh tương lai" vừa khép lại đã thật sự đem đến những bài học kinh nghiệm, hành trang cần thiết cho hàng chục ngàn SV trước ngưỡng cửa vào đời...
Từ những ngày hội, các chuyên gia, nhà tuyển dụng cho rằng phần lớn SV thiếu kỹ năng "mềm" (nói chuyện trước đám đông, lắng nghe, thuyết phục, đàm phán, kỹ năng tự nghiêm túc với bản thân mình...).
Tạo ấn tượng tốt
Anh Trần Hữu Đức, giám đốc điều hành Công ty CP dược phẩm Phano, cho rằng phần lớn doanh nghiệp cần ở một ứng viên bốn yếu tố: kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và thái độ. "Khi các bạn trải nghiệm trong cuộc sống sẽ có được những kỹ năng cần thiết. Và lấy khả năng và kiến thức "quăng" vào thực tế sẽ có kinh nghiệm".
Ông Stefanus Irwan Utama (giám đốc điều hành nhãn hàng Kaila): Chương trình "Kaila cùng sức trẻ 2007" năm ngoái rất thành công. Vì vậy năm nay chúng tôi đã quyết định tiếp tục tài trợ chương trình này với mong muốn góp phần trách nhiệm cùng xã hội và các bạn SV trong việc định hướng nghề nghiệp và được thư giãn sau những giờ học tập... Hi vọng nhãn hàng Kaila sẽ trở thành người bạn thân thiết, gần gũi và đồng hành cùng các bạn trẻ trong cuộc sống. |
Hầu hết các buổi tư vấn, trang bị kỹ năng cho SV, câu hỏi luôn được SV đặt ra: Làm sao để trở thành một ứng viên chuyên nghiệp? Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, giám đốc truyền thông và thương hiệu Navigos Group & Vietnamworks.com, cho rằng sự chuyên nghiệp của ứng viên thể hiện qua những điều nhỏ nhất và cần có sự chuẩn bị nghiêm túc.
Việc đầu tiên trước khi xin việc phải tìm hiểu thật kỹ về công ty muốn xin vào làm. Việc này giúp ứng viên hiểu thêm công việc mình sẽ làm, môi trường làm việc... Chị Tâm cho biết thêm: "Chúng tôi nhận được nhiều đơn xin việc viết hơn nửa trang giấy với những thông tin của ứng viên: thích nghe nhạc, coi phim… nhưng phần quan trọng như khả năng, kinh nghiệm thì không đề cập".
SV mới ra trường làm sao có kinh nghiệm? Các chuyên viên cho rằng những SV năng động, dễ dàng tự tích lũy được nhiều kinh nghiệm lúc còn trên ghế giảng đường khi từng tham gia hoạt động ở trường, bán hàng siêu thị, phát tờ rơi... Qua đây nhà tuyển dụng sẽ biết được năng lực của ứng viên, có các kỹ năng: giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo... Trong hồ sơ xin việc nếu SV cho biết trong thời gian làm thêm ngoài giờ học, học được điều gì, rút ra được kinh nghiệm gì, những bộ hồ sơ xin việc như vậy tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Đừng để mất cơ hội vì "chuyện nhỏ”
Ngoài ra, còn có những điều rất nhỏ nhưng nhiều bạn trẻ mất điểm trước nhà tuyển dụng và vuột mất cơ hội làm việc..., đó là địa chỉ email của ứng viên. Các nhà tuyển dụng cho biết họ nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc với các địa chỉ email: beyeuanh@..., thatnghieproi@..., handoidenbac@..., hankebactinh@... Chị Tâm khuyên: "Khi xin việc cần tạo địa chỉ email nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn".
Trong khi làm hồ sơ xin việc cần chuẩn bị tâm lý đi phỏng vấn. Khi đi phỏng vấn chú ý nhà tuyển dụng nhìn ứng viên ngay từ lúc bước vào cửa công ty, chú ý tới phong cách ứng viên. Có nghiên cứu cho thấy nhà tuyển dụng tuyển ứng viên trong ba phút đầu. Ngay cái nhìn đầu tiên nhiều bạn trẻ bối rối (đi trễ vội vàng, hồi hộp, tóc tai xốc xếch…) rất dễ mất điểm.
Một số SV hỏi: "Có nên nói thật điểm yếu của mình?". Lời khuyên của các chuyên gia đều thống nhất: hãy chân thật! Vì đằng sau câu hỏi điểm yếu của bạn, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được rất nhiều điều về tính cách, thái độ và kiểm tra độ chân thật của ứng viên. Chị Minh Tâm cũng cho rằng thái độ là yếu tố quyết định sự thành công của ứng viên.
Một lời khuyên cuối của các chuyên gia dành cho các bạn trẻ: thất bại trong xin việc, nên viết email cảm ơn hoặc hỏi xem nhà tuyển dụng về những hạn chế của mình…
TRẦN HUỲNH
▪ Làm việc thứ bẩy được hưởng 200% lương làm thêm giờ (20/05/2008)
▪ Chợ osin Sài Gòn (19/05/2008)
▪ Nghề bây giờ nguy hiểm, phải sáng suốt và dũng cảm (19/05/2008)
▪ Bảo vệ quyền lợi thanh niên lao động (17/05/2008)
▪ Phát triển KHCN: Chúng tôi cần thay đổi cơ chế (17/05/2008)
▪ 4 lý do để làm việc trong ngành y tế (17/05/2008)
▪ Trồng rau trên… sóng (16/05/2008)
▪ Khuyến khích DN đầu tư cho người lao động, làm từ thiện (16/05/2008)
▪ Cách làm sáng tạo mang lại chuyển biến tích cực (15/05/2008)
▪ Dịch vụ chống khủng hoảng nhân sự (13/05/2008)