Để bạn trẻ nông thôn kiếm được việc làm ngay trên chính quê hương mình, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc đã xuống tận làng xã mời gọi…
39 lao động trẻ từ các làng quê trong buổi làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc - Ảnh: V.T.B. |
39 bạn lao động trẻ vừa được trung tâm đưa sang Hàn Quốc trong chương trình tìm việc làm cho thanh niên (TN) nông thôn của mình. Nhóm này được đưa sang Hàn Quốc đào tạo một thời gian, sau đó sẽ về làm “đầu tàu” cho công nhân ở các phân xưởng của một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc. “Đây là một phần trong mục tiêu đưa việc làm về giới thiệu tận các làng xã để tạo điều kiện dễ dàng cho TN nông thôn tiếp cận” - giám đốc trung tâm Đỗ Ngọc Quang cho biết.
Theo trung tâm, khó khăn lớn nhất của chương trình là hệ thống Đoàn cơ sở nhiều nơi chưa thật sự đến được với TN. Một nhân viên của trung tâm nói: “Bệnh cố hữu của cán bộ Đoàn là thường hay “kiến nghị, đề xuất” chứ không nêu rõ “nguyên nhân, giải pháp” nên gặp nhiều lúng túng trong công việc”. Chính vì vậy biện pháp căn cơ là làm sao tập huấn cho cán bộ Đoàn xã nắm vững cách thức làm việc. |
Tháng 6-2007, trung tâm đã làm thí điểm tại 42 xã, bây giờ tại 137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có điểm tư vấn giới thiệu việc làm. Trung tâm đã làm hợp đồng ủy nhiệm cho xã làm tư vấn giới thiệu việc làm, phối hợp truyền thanh xã phát thông tin.
Cán bộ Đoàn ở xã được tập huấn công tác hướng nghiệp, tìm hiểu số lượng, nhu cầu của TN trong xã. Hồ sơ tuyển dụng được phân loại theo trình độ học vấn, nhu cầu công việc rồi chuyển về trung tâm. Việc làm được giới thiệu miễn phí. Dự báo đến năm 2010 Vĩnh Phúc sẽ cần khoảng 61.000 lao động, việc xây dựng nguồn nhân lực ngay tại địa phương là hết sức cấp bách.
Vĩnh Phúc hiện có hơn 300.000 TN, chiếm 30% dân số và 40% lực lượng lao động. Từ các xã tới các khu công nghiệp xa nhất trong tỉnh khoảng 30km, có thể đi về trong ngày. Thu nhập của công nhân từ 1-1,5 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà hết chừng 200.000 đồng/tháng/người, so với thu nhập của nghề nông thì khá hơn. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc cũng là một tỉnh có nhiều TN đi làm xa tận các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM.
“Ở xã chúng tôi thường một người đi làm trong Nam, sau đó sẽ dắt díu anh em, bạn bè vào cùng làm - Lập, một bạn trẻ ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, cho biết - Thành ra thông tin việc làm ở tận Bình Dương, Đồng Nai nhiều khi về đến đây còn nhanh hơn là từ các khu công nghiệp trong tỉnh. Vì vậy việc tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm ngay tại xã rất có lợi cho bạn trẻ tại làng xã”.
Qua các kênh từ cơ sở và trực tiếp tại trung tâm, từ đầu năm đến nay trung tâm đã giới thiệu hơn 1.000 lao động cho các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc. Và đây cũng là nơi đầu tiên trong cả nước đã đưa việc làm về giới thiệu cho TN tại tất cả các xã, phường trong tỉnh, đồng thời là kênh để tư vấn đào tạo nghề.
Tuy nhiên, đưa việc làm về tận làng xã cho TN tưởng đơn giản nhưng lại không dễ dàng. Anh Dương Tiến Thành, cán bộ của trung tâm, cho biết: “Nhiều bạn trẻ không tin vì lâu nay quen nghĩ đi tìm việc phải qua “cò” dịch vụ. Một số bạn khác lại nghĩ rằng tổ chức đoàn thường chỉ quen lo “ăn chơi, nhảy múa”, sao giới thiệu việc làm được”.
Có lẽ vì vậy những bạn trẻ được trung tâm báo việc vẫn hờ hững không tin. Trung tâm phải gọi điện về tận nhà báo ngày giờ phải có mặt ở công ty mà nhận việc.
Một vấn đề nữa mà theo chủ tịch xã Lê Thanh Hải là: “Xin việc làm ở Bình Dương đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần chứng minh nhân dân là xong, trong khi để làm ngay tại tỉnh cần có hồ sơ lý lịch, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe... Ngoài ra, nhiều công ty ở Vĩnh Phúc đòi hỏi công nhân phải tốt nghiệp THPT trở lên. Với TN nông thôn yêu cầu này cũng là một vấn đề”.
TheoTHÀNH VINH Tuoi Tre Online
▪ Tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động (20/12/2008)
▪ Trao 58 suất hỗ trợ cho CN huyện Củ Chi (20/12/2008)
▪ “Chợ” lao động ế ẩm! (20/12/2008)
▪ Gian nan mùa không tăng ca (19/12/2008)
▪ 'Hot boy' nơi công sở (19/12/2008)
▪ Bỏ thói “rảnh tay, bận miệng” (19/12/2008)
▪ Sàn giao dịch việc làm Bình Dương: cần 2.000 lao động (18/12/2008)
▪ Để được chú ý trong công việc mới (18/12/2008)
▪ Sếp “quấy” (18/12/2008)
▪ Để được chú ý trong công việc mới (18/12/2008)