Cai nghiện ma túy: Cần những giải pháp căn cơ
Báo Tiếng chuông - 22/03/2017
Cắt cơn là một trong những trình tự đầu tiên và bắt buộc đối với những người nghiện ma túy (bệnh nhân) khi được đưa vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Câu chuyện ghi nhận ở Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre).

 

Cắt cơn là một trong những trình tự đầu tiên và bắt buộc đối với những người nghiện ma túy 

 

Bắt đầu bằng việc cắt cơn

Cắt cơn là một trong những trình tự đầu tiên và bắt buộc đối với những người nghiện ma túy (bệnh nhân) khi được đưa vào cai nghiện tại Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội. Đây cũng là thời gian thử thách gay go và mang tính quyết định đối với bệnh nhân (thời gian cắt cơn, giải độc khoảng 10 ngày).

Tính đến ngày 13/3/2017, cơ sở quản lý 80 người tới đây để chữa bệnh (có 2 nữ); trong đó có 56 người cai nghiện bắt buộc, 10 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định và Tòa án chưa xét xử, 14 người cai nghiện tự nguyện. Hàng tháng, cơ sở tiếp nhận từ 10-20 bệnh nhân tới điều trị bệnh, với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi và địa phương khác nhau.

Tại khu vực dành cho bệnh nhân trong giai đoạn cắt cơn, có một người đang ngồi đờ đẫn, nước mắt nước mũi chảy dài, thỉnh thoảng lại kêu ú ớ. Bệnh nhân N.T.L. (27 tuổi) được cơ quan công an đưa vào đây cai nghiện theo thủ tục đối với người không có nơi cư trú ổn định. Anh là người “chơi” heroin 3 năm và đã 1 lần đi cai nghiện nhưng sau đó lại vướng vào ma túy. Đây là lần thứ hai L. được cắt cơn, cũng là cơ hội để L. làm lại cuộc đời, nếu anh đoạn tuyệt với ma túy.

Ở một phòng khác, chị Th. (36 tuổi) đang ngồi nói lảm nhảm, đầu tóc rũ rượi. Bệnh nhân này sử dụng ma túy nhiều năm, đã từng cai nghiện 2 lần nhưng do thiếu quyết tâm nên tái nghiện lại chuyển sang sử dụng ma túy “đá”, nay được gia đình đưa đi trị bệnh theo dạng tự nguyện.

Y sĩ Lê Văn Minh Quân-Phòng Y tế phục hồi sức khỏe Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội cho biết: “Trong quá trình cắt cơn, bệnh nhân thường có các triệu chứng như ngáp, chảy nước mắt, nước mũi, toát mồ hôi. Một số người bị đau bụng, tiêu chảy hoặc mất ngủ, bồn chồn, lo lắng hoặc kích động, quậy phá. Đối với người sử dụng ma túy tổng hợp (hàng đá) thường bị rối loạn tâm thần; có người muốn tự sát, có người muốn bỏ trốn, có người không hợp tác với y, bác sĩ trong quá trình điều trị cắt cơn cho họ”. Mỗi tháng, phòng thực hiện cắt cơn từ 10-20 lần cho bệnh nhân. Quá trình cắt cơn, nhiều bệnh nhân đã không tự chủ được việc tiểu tiện, đại tiện; cán bộ và nhân viên của cơ sở phải khá vất vả đối với trường hợp này, nhất là những bệnh nhân không có người thân đi theo để chăm sóc.

Sau thời gian cắt cơn, giải độc, bệnh nhân được sinh hoạt theo nhóm, thực hiện các hoạt động bình thường (thể dục, giải trí, lao động) và được các y, bác sĩ ở cơ sở tiếp tục theo dõi sức khỏe, thực hiện điều trị bệnh. Nhiều bệnh nhân được điều trị đã quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lén lút leo tường, vượt rào hoặc trổ nóc nhà hay đục khoét tường để bỏ trốn.

“Đối với bệnh nhân có quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đã có nhiều bệnh nhân thiếu cương quyết từ bỏ ma túy, nhất là đối với những trường hợp cai nghiện tự nguyện, họ không chấp hành nội quy, đòi về nhà và gây rối trật tự, chống đối lại cán bộ, nhân viên điều trị bệnh”, ông Nguyễn Văn Đấu-Giám đốc Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Bến Tre cho biết.

Cần sự phối hợp của cộng đồng

Chính thức thực hiện chương trình cấp phát thuốc Methadone từ ngày 19/8/2014, đến nay, Phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất-Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (Sở Y tế Bến Tre) đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Hiện mỗi ngày phòng khám này điều trị, cấp thuốc Methadone cho 300 bệnh nhân thường xuyên.

Bác sĩ Huỳnh Như Ý-Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trong số 1,2 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì có khoảng 500 người sử dụng heroin đơn thuần và có 430 người được uống Methadone điều trị khởi liều”. Theo bác sĩ Ý, đối với những bệnh nhân có quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy cao, nếu được sự quan tâm động viên, giúp đỡ của gia đình và người thân thì họ sớm ổn định về thể chất, tinh thần; nếu người bệnh có việc làm ổn định thì họ sẽ sớm hòa nhập cộng đồng để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Quá trình điều trị cho bệnh nhân bằng cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1: tiếp nhận bệnh, khám đánh giá ban đầu, cấp phát thuốc khởi liều cho bệnh nhân; giai đoạn 2: thực hiện việc điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân; giai đoạn 3: duy trì và sử dụng thuốc hàng ngày; giai đoạn 4: giảm liều thuốc và tiến tới ngừng điều trị (bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục).

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải kiên trì uống thuốc đều đặn (không được gián đoạn) và phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của y, bác sĩ. Nếu bệnh nhân uống thuốc không liên tục hoặc ngừng uống trong một khoảng thời gian thì sẽ mất tác dụng điều trị; khi đó, người bệnh phải làm lại hồ sơ theo thủ tục điều trị ban đầu.

Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân là người nghiện ma túy nặng (sử dụng heroin mỗi ngày tiêu tốn từ 500 nghìn-1,5 triệu đồng); sau khi được cắt cơn và với quyết tâm đoạn tuyệt ma túy, họ đã kiên trì uống Methadone, đến nay những người này đã có việc làm ổn định, lập gia đình...

Điển hình như trường hợp của anh K. (36 tuổi, TP.Bến Tre), sử dụng heroin từ lúc mới 16 tuổi liên tục trong thời gian dài 13 năm, anh “nướng” ở thời điểm nhiều nhất là 1,5 triệu đồng/ngày để mua ma túy; anh đã đi cai nghiện 2 lần, sau đó tái nghiện; năm 2014, sau khi cắt cơn, anh K. đã kiên trì uống Methadone trong thời gian 2 tháng và anh đã từ bỏ hẳn ma túy. Hoặc trường hợp của anh A. (31 tuổi, Châu Thành), chị T. (34 tuổi, TP. Bến Tre), và còn rất nhiều người nữa cũng đã và đang làm lại cuộc đời…

Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre đang tập trung cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT) với nhiều chương trình, kế hoạch theo từng ngành chức năng, đơn vị, đoàn thể, địa phương. Lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác PCMT; đặc biệt là chương trình cấp phát Methadone đã được thực hiện tại 3 điểm trong tỉnh: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (xã Phú Hưng, TP.Bến Tre), Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc và Cơ sở Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội (xã Tân Xuân-Ba Tri).

Tin rằng, với sự nỗ lực của lực lượng đấu tranh PCMT tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, chính quyền địa phương, công tác đấu tranh PCMT trên địa bàn tỉnh sẽ đạt nhiều kết quả khả quan hơn.