Xác định nhóm ưu tiên trong các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV
Báo Tiếng chuông - 08/03/2017
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là một trong các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Do vậy, nhóm này được xác định ưu tiên trong các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV.

Với sự hỗ trợ của Diễn đàn toàn cầu về HIV và Nam quan hệ tình dục đồng giới, Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng tổ chức hội thảo sử dụng bộ công cụ MSMIT (MSM Implementation Tools) nhằm thiết kế chương trình can thiệp toàn diện cho nhóm MSM.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu hết sức ấn tượng. Năm 2016 là năm thứ 9, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí. Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, kiểm soát thành công và giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% như Chiến lược quốc gia đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện.

Trong khi đó, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm xuống nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ vẫn còn thấp và các biện pháp can thiệp chưa được triển khai đủ mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến trong khi mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đặt ra là những mục tiêu hết sức tham vọng.

Hiện nay đã có nhiều hoạt động và mô hình can thiệp cho nhóm MSM từ truyền thông, tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm dựa vào cộng đồng, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn và thí điểm điều trị trước phơi nhiễm (PREP) cho nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, MSM vẫn là nhóm khó tiếp cận do đặc thù là nhóm quần thể ẩn, các tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa, kỳ thị và phân biệt đối xử... đang là các trở ngại cho người quản lý thiết kế các chương trình cũng như rào cản để MSM tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các đối tác liên quan bao gồm VUSTA xây dựng và trình Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét đề xuất của Việt Nam cho giai đoạn 2018-2020. Khi nguồn lực quốc tế cắt giảm mạnh thì cần thiết phải xác định can thiệp dành cho nhóm nào và làm sao để đạt hiệu quả cao trong công tấc này.

TS. Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo này và mong muốn qua hội thảo này sẽ đưa ra được các khuyến nghị và các đề xuất thật cụ thể những hoạt động cần phải được triển khai để can thiệp toàn diện cho nhóm MSM. Các khuyến nghị và hoạt động cần gửi sớm về cho Dự án VUSTA cũng như Cục Phòng, chống HIV/AIDS để kịp xem xét đưa vào đề xuất với Quỹ Toàn cầu cho tài trợ giai đoạn tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều khuyến nghị với Dự án VUSTA, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Cục Phòng, chống HIV/AIDS để các đơn vị xem xét đưa các can thiệp mang tính toàn diện cho nhóm MSM vào đề xuất với Quỹ Toàn cầu trong giai đoạn tới, đồng thời xây dựng một kế hoạch vận động sự ủng hộ của các cơ quan quản lý trong nước cũng như sự phê duyệt của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét cho các khuyến nghị đã đưa ra.