Chưa có tiêu chuẩn chuyên môn đối với cán bộ cai nghiện
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, trong tổng số hơn 6.000 cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi tại các cơ sở cai nghiện, về trình độ đào tạo thì số có trình độ đại học và trên đại học chiếm 29%, cán bộ có trình độ cao đẳng chiếm 11%, cán bộ có trình độ trung cấp chiếm 47,8%.
Tại cộng đồng, mỗi phòng LĐTB&XH cấp huyện thường bố trí một cán bộ để chỉ đạo, theo dõi công tác cai nghiện ở xã phường, thị trấn và tham mưu cho Hội đồng tư vấn xem xét hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đưa người vào cơ sở cai bắt buộc (trước đây) hoặc hoàn thiện hồ sơ gửi Tòa án cấp huyện xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (từ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính). Cán bộ này thường xuyên cập nhật các chính sách về cai nghiện.
Tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình do một Phó chủ tịch UBND cấp xã làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ Công an xã, cán bộ trạm Y tế, cán bộ LĐTB&XH, cán bộ các đoàn thể. Hầu hết các cán bộ này, được tập huấn ngắn ngày nhưng không có chuyên môn sâu về cai nghiện, ngoại trừ cán bộ y tế xã được qua các lợp tập huấn về cắn cơn, giải độc.
Ông Lê Đức Hiền cho biết, đội ngũ cán bộ được tăng cường và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề nghiệp. Tại hầu hết các cơ sở cai nghiện việc thực hiện quy trình cai nghiện được đảm bảo. Tại cộng đồng, nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác quản lý người cai nghiện, hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm...nên có hàng trăm người sau cai đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có trường hoặc cơ sở chuyên đào tạo về lĩnh vực cai nghiện phục hồi, do vậy, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ chủ yếu thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày, theo chuyên đề, không cơ bản. Chưa có tiêu chuẩn chuyên môn đối với cán bộ cai nghiện. Do vậy, không tránh khỏi việc chắp vá về kiến thức đối với nhiều cán bộ, chưa kể việc phân công làm việc cho tại các cơ sở cai nghiện nhiều khi không đúng với chuyên môn.
Bên cạnh đó, công tác tâm lý giáo dục cai nghiện hết sức quan trọng nhưng số cán bộ này tại cơ sở cai nghiện chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 10-15% tổng số cán bộ. Nhiều người trong số này có khi lại không phải chuyên ngành đào tạo khi vào làm việc (Khoa công tác xã hội, tâm lý, xã hội học...), chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nào nên có tình trạng non yếu về nghiệp vụ, không làm hết công việc được giao.
Cán bộ cai nghiện tại cộng đồng, gia đình (cán bộ Phòng LĐTB&XH cấp huyện, cán bộ Tổ công tác cai nghiện cấp xã) nhìn chung non yếu về chuyên môn nghiệp vụ cai nghiện vì chủ yếu không qua đào tạo, bỗi dưỡng. Trong khi công tác cai nghiện là hết sức khó khăn, phức tạp, không thể làm theo phong trào hoặc mệnh lệnh hành chính. Do vậy, cộng với các khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí cai nghiện nên các địa phương phản ánh cai nghiện tại cộng đồng và gia đình không hiệu quả. Hiện chỉ còn dưới 10 tỉnh có tổ chức cai nghiện tại cộng đồng. Điều này cũng gây khó khăn cho cả cai nghiện bắt buộc (cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu trước đó phải giáo dục tại xã phường, thị trấn. Mà giáo dục tại xã, phường thị trấn đối với người nghiện là cai nghiện tại cộng đồng).
Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cai nghiện phục hồi
Theo ông Lê Đức Hiền, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ là đổi mới hình thức, nội dung, là đào tạo toàn diện, cơ bản cho mọi loại cán bộ làm việc thực hiện theo quy trình cai nghiện, trong đó tập trung vào một số khâu then chốt.
Các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cần được quán triệt việc xây dựng đội ngũ cán bộ cai nghiện có chuyên môn nghiệp vụ là hết sức quan trọng, quyết định đến thành công hay thất bại của nhiệm vụ này
Tại các cơ sơ cai nghiện cần rà soát, bố trí lại cán bộ đội ngũ cán bộ. Những cơ sở còn thiếu cán bộ theo quy định cần bổ sung kịp thời để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Cần chú trọng bổ sung cán bộ có chuyên môn về tâm lý, xã hội học, y tế-vốn đang yếu và thiếu ở các cơ sở hiện nay. Đối với các cơ sở cai nghiện khác, cần sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tăng cường cho công tác tư vấn quản lý giáo dục, giảm cán bộ ở các bộ phận khác mang tính hành chính
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, đối với nhiều nước trên thế giới, can thiệp dự phòng là một chương trình lớn và được thực hiện từ rất lâu. Chương trình này áp dụng xã hội nói chung và đặc biệt cho những người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy, người mới sử dụng, người lạm dụng mà chưa phụ thuộc vào chất ma túy. Với Việt Nam, lâu nay thực hiện chương trình phòng ngừa, chủ yếu là truyền thông và chưa có chương trình can thiệp dự phòng.
“Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải tiến hành ngay việc xây dựng và đào tạo cán bộ về chương trình can thiệp dự phòng. Khi người ta đã mắc nghiện ma túy thì điều trị, cai nghiện là hết sức khó khăn, tốn kém, phức tạp và đầy sự rủi ro về thành công thì chương trình can thiệp dự phòng là hết sức quan trọng và ý nghĩa cần phải thực hiện”, ông Lê Đức Hiền nói.
▪ Biến chủ trương 'xã hội hóa' thành hành động thiết thực (09/05/2017)
▪ Ngang nhiên buôn bán hạt giống và dạy cách trồng cần sa trên mạng (08/05/2017)
▪ Hợp lực cùng ASEAN ngăn chặn ma túy (05/05/2017)
▪ Bản vùng biên không có ma túy (04/05/2017)
▪ Bước đột phá trong quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tại cộng đồng (03/05/2017)
▪ Thay đổi thành viên UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm (03/05/2017)
▪ Quản lý người nghiện: Câu chuyện về '2 trong 1' (28/04/2017)
▪ Trẻ khuyết tật cần được bảo vệ đặc biệt khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạo hành (27/04/2017)
▪ Hướng dẫn quyết toán thuốc do Dự án Phòng, chống HIV/AIDS cấp bằng hiện vật (26/04/2017)
▪ Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp song song trong phòng, chống HIV/AIDS (26/04/2017)