Bước đột phá trong quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tại cộng đồng
Báo Tiếng chuông - 03/05/2017
Mô hình “Mạng lưới Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” thực hiện thí điểm trên địa bàn 11 phường ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang là một mô hình có tính đột phá trong công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tại cộng đồng. Tuy kết quả còn hạn chế nhưng đã tạo được sự kết nối giữa các địa phương với địa phương, giữa địa phương với Trung tâm trong việc cai nghiện gắn với hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2008, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) thực hiện Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cai nghiện và phục hồi tại trung tâm và cộng đồng - Dự án AD/VIE/H68” và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng thông qua nâng cao năng lực - Dự án STEP”, các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang lồng ghép thực hiện công tác cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng theo mô hình “Mạng lưới Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”.

 

 

Hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

 

 

Mô hình “Mạng lưới Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” gồm 3 hoạt động chính: Nâng cao năng lực cho người đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, trong đó chú trọng các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và các hoạt động điều phối.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn tín dụng nhỏ Dự án STEP do tổ chức CARE tài trợ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Long Xuyên, các câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tổ chức xét cho các hội viên là người sau cai vay vốn làm ăn, trong những dịp lễ, tết, các địa phương cũng kết hợp với câu lạc bộ thắp sáng niềm tin vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tổ chức họp mặt tặng quà cho người sau cai hoàn lương, tổ chức vui chơi giải trí cho con em hội viên người sau cai.

Giảm đáng kể tình trạng người nghiện ma túy tiêm chích công khai nơi công cộng

Những năm qua, các câu lạc bộ tham gia 18 buổi tiếp cận, vẽ sơ đồ người ảnh hưởng của 216 học viên đang cai nghiện tại trung tâm chuẩn bị hồi gia và tiếp nhận 168 học viên hoàn thành cai nghiện, chữa trị từ trung tâm trở về hòa nhập cộng đồng; 216 cuộc tiếp cận và tư vấn 317 lượt người sau cai nghiện tại cộng đồng về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan siêu vi B, C; tác hại của các chất gây nghiện, dự phòng tái nghiện; phòng tránh bạo hành và sinh kế.

Mạng lưới đã hỗ trợ các câu lạc bộ đã tổ chức 6 cuộc truyền thông nhóm lớn hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống ma túy 26/6, ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS có trên 2.000 lượt người tham gia; 42 cuộc truyền thông với các chủ đề: dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh viêm gan siêu vi B, C; kỹ năng thương lượng sử dụng bao cao su; khỏe thể chất - đẹp tâm hồn; quản lý cảm xúc với 1.056 lượt người tham dự.

Các câu lạc bộ phối hợp với các đoàn thể địa phương giới thiệu và chuyển gởi 122 lượt hội viên câu lạc bộ đi xét nghiệm HIV và điều trị ARV; giới thiệu 126 lượt hội viên học nghề, giới thiệu việc làm cho 102 lượt hội viên, trong đó 59 người có việc làm ổn định (chiếm 57,84%), ngành nghề chủ yếu là làm phụ hồ 36 người, nghiệp đoàn bốc vác 14 người, công nhân xí nghiệp may 2 người, chế biến thủy sản 2 người và 5 người phụ giao hàng…

Từ nguồn vốn với 130 triệu đồng Quỹ tín dụng nhỏ Dự án “Tăng cường hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng thông qua nâng cao năng lực - STEP” tổ chức CARE tài trợ, từ năm 2010, Chi cục phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Long Xuyên, các câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tổ chức thẩm định, xét cho 28 người vay 112 triệu đồng (số lượt người đáo hạn là 36 người, với số tiền vay là 166 triệu đồng).

Bên cạnh đó, bằng các nguồn quỹ xã hội từ thiện, các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội địa phương trong tỉnh đã lồng ghép xét cho 64 người sau cai vay không tính lãi với số tiền 252,8 triệu đồng để làm ăn, cất 6 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, sửa chữa 8 căn nhà cho người sau cai nghiện gặp khó khăn ổn định cuộc sống, thăm hỏi tặng quà trị giá 36 triệu đồng cho 120 người nhân dịp lễ tết; hỗ trợ gạo, tiền cho người sau nghiện ma túy gia đình nghèo đi điều trị cai nghiện số tiền 12,8 triệu đồng; giới thiệu 59 lượt người tìm được việc làm.

Theo đánh giá của các đơn vị liên quan, Mô hình đã làm giảm đáng kể tình trạng người nghiện ma túy tiêm chích công khai nơi công cộng; hạn chế tệ nạn trộm cắp, cướp giật, gây rối an ninh trật tự do người nghiện ma túy gây ra, góp phần kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được ổn định, nhất là trong những ngày lễ, tết. Làm giảm đáng kể tỷ lệ gia tăng người nghiện mới, nhất là trong nhóm người trẻ (từ 18 - 30 tuổi).

 

Đồng thời giúp các địa phương thiết lập cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy, làm cơ sở xây dựng các biện pháp quản lý, giáo dục và kịp thời ngăn chặn, triệt phá các vụ án cướp giật, tàng trữ, mua bán ma túy do người nghiện ma túy gây ra.