Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Trang tin Tiếng Chuông) có buổi trao đổi với TS. Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án VUSTA - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS về vai trò, kết quả của dự án trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án VUSTA - Ảnh: Thùy Chi |
PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua Dự án VUSTA đã có những hoạt động gì hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS?
Ông Phạm Nguyên Hà: Trong những năm gần đây, chúng tôi thấy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự (CSO) đã được minh chứng là một trong những kênh hiệu quả hỗ trợ Ban quản lý dự án (BQLDA) trong triển khai các hoạt động dự án, nhằm đóng góp tích cực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Trước đây, BQLDA VUSTA giai đoạn 2011-2014 đã hỗ trợ thành lập, nâng cao năng lực cho các tổ chức CSO và các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2015-2017. Dự án VUSTA đã thực hiện những hoạt động hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: Mở rộng, cải thiện các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ HIV/AIDS; tối đa hóa các lợi ích về dự phòng và điều trị ARV; Đánh giá, tiếp tục tăng cường năng lực chuyên môn cho các CSO để thực hiện các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ toàn diện; Tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội (TCXH).
Cụ thể, các hoạt động tập trung: Tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của TCXH; Nâng cao nhận thức về vai trò của TCXH trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quốc gia; Hỗ trợ thành lập và đăng ký thành lập các TCXH/CBO; Tìm kiếm cơ chế tài chính hỗ trợ cho sự tham gia của CSO trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường các kênh thông tin truyền thông để khuyến khích đối thoại giữa các CSO và giữa CSO với chính phủ về cải thiện sự phối kết hợp và tạo sự đồng thuận; Giải quyết các vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; Tăng cường năng lực của các TCXH và tăng cường năng lực thể chế để tối đa hóa sự đóng góp của họ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
PV: Ông có thể cho biết, một số kết quả nổi bật dự án đã đạt được trong năm qua?
Ông Phạm Nguyên Hà: Trong năm 2015, phần lớn các hoạt động của dự án nhằm thực hiện mục tiêu “Cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những người tiêm chích ma túy (PWID), phụ nữ mại dâm (FSW), người quan hệ đồng tính nam (MSM) có nguy cơ lây nhiễm cao”. Các hoạt động đều đã được dự án thực hiện theo đúng kế hoạch và vượt mức với chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ.
Báo cáo tiến độ thực hiện dự án năm 2015 cho thấy, tại 15 tỉnh/thành phố triển khai dự án, 03 đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ (SR) đã làm việc tích cực với các CBO, cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho 16.963 MSM, 20.766 PWID và 7.645 FSW. Số lượng khách hàng được chăm sóc, tiếp cận ở từng nhóm đối tượng đã vượt chỉ tiêu cam kết lần lượt là 111%; 105% và 102%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khách hàng MSM và PWID và FSW được chuyển gửi thành công đến dịch vụ xét nghiệm HIV tăng cao so với mức chỉ tiêu cam kết. Cụ thể, năm 2015, dự án cam kết với nhà tài trợ chuyển gửi 55% số lượng khách hàng được chăm sóc tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Thực tế, trong tổng số 16.963 MSM được tiếp cận, chăm sóc, tỷ lệ được chuyển gửi sang dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thành công là 71%. Tương tự, nhóm MSM, tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng đến dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV ở nhóm PWID và nhóm FSW lần lượt là 75% và 70%. Ngoài ra khách hàng cũng được chuyển gửi tới các dịch vụ khám và điều trị STIs, Methadone, khám và điều trị Lao cũng như các dịch vụ khác theo nhu cầu.
Về công tác truyền thông thay đổi hành vi, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã truyền thông tư vấn trực tiếp cho 12.223 KP, trong đó có 6.427 là PWID, 3350 MSM, 2446 FSW. Bên cạnh đó, số KP được LIFE và ISDS truyền thông tư vấn trực tiếp lần lượt là 16.048 và 16.743.
Trong năm 2015, các CBO trong toàn dự án đã phát 1.963.891 chiếc bơm kim tiêm chiếm 15% chỉ tiêu cam kết, 1.850.786 chiếc bao cao su chiếm 38% chỉ tiêu cam kết, 507.911 gói chất bôi trơn chiếm 55% chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ cho 04 mạng lưới gồm: Mạng lưới người sử dụng ma túy (VNPUD), Mạng lưới nam quan hệ tình dục đồng giới - người chuyển giới (VNMSM/TG), Mạng lưới người bán dâm Việt Nam (VNSW), và mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+).
Dự án cũng tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực phát triển tổ chức, vận động chính sách, khuyến khích các mạng lưới tự viết đề xuất thực hiện các hoạt động hữu ích cho cộng đồng của họ…
Nhằm tạo môi trường thuận lợi về pháp lý cho các nhóm chính tiếp cận dịch vụ, năm 2015, dự án đã: Tổ chức các hội thảo về vận động chính sách về tư cách pháp nhân cho các CBO; PC ma túy; cơ chế tài chính cho các TCXH; nghiên cứu về thực trạng, vai trò của các TCXH trong phòng chống HIV/AIDS; nghiên cứu về công tác Dự phòng và điều trị nghiện ma túy ở Việt Nam… Đồng thời, xây dựng đường dây nóng 18001029 đáp ứng tất cả những yêu cầu tư vấn, trợ giúp để giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật nói chung cũng như pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Năm 2015, đã hỗ trợ pháp lý cho 2.550 trường hợp qua đường dây nóng.
PV: Hiện nay, công tác phòng chống HIV/AIDS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, xin ông cho biết Dự án VUSTA hiện đang gặp khó khăn gì? Chúng ta sẽ phải làm gì để vượt qua những khó khăn này?
Ông Phạm Nguyên Hà: Thách thức lớn nhất là đối mặt với nguồn tài trợ của nước ngoài giảm và có thể kết thúc sau 2017. Khi đó các TCXH sẽ tiếp tục làm gì sau khi dự án kết thúc đang là câu hỏi cần lời giải đáp.
Sự hỗ trợ của Qũy Toàn cầu trong giai đoạn tới rất hạn chế. Các định mức chi tiêu đều giảm nhưng phải bảo đảm để các hoạt động thực hiện được một cách hiệu quả nhất. Trong giai đoạn 2015- 2017 sẽ còn khó khăn hơn giai đoạn trước nhưng đây cũng chính là giai đoạn chuyển tiếp để tiến tới sự tự lực của các tổ chức xã hội.
Đối với các CBO, thách thức vẫn là những rào cản về luật pháp, là sự kỳ thị phân biệt đối xử và rào cản trong vấn đề lập hội, tư cách pháp nhân...
Giai đoạn 2015- 2017, số tỉnh tham gia dự án là 15 nhưng có 8 tỉnh là hoàn toàn mới. Sẽ có nhiều tổ chức cộng đồng mới tham gia dự án nên chắc chắn có sự xáo trộn, khó khăn trong việc nâng cao năng lực, trong khi nguồn lực từ dự án để nâng cao năng lực giai đọan này lại rất hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp huấn luyện và cầm tay chỉ việc trực tiếp.
PV: Trong giai đoạn 2015-2017, VUSTA đảm nhiệm là đơn vị nhận viện trợ chính. Các địa bàn triển khai mở rộng hơn, từ 10 lên đến 15 tỉnh/thành trong cả nước. Vậy vai trò mới này sẽ đặt ra cho VUSTA những yêu cầu gì? Và để khẳng định hơn nữa vai trò của mình trong thời gian tới VUSTA sẽ tập trung những hoạt động gì?
Ông Phạm Nguyên Hà: Dự án VUSTA là Dự án của Quỹ Toàn cầu, trong đó có Quỹ phòng, chống Lao, sốt rét và HIV do rất nhiều các nhà tài trợ song phương và đa phương tài trợ, vì vậy họ yêu cầu, đánh giá, giám sát rất khắt khe dựa trên hiệu quả của dự án. Bản thân dự án đã đạt được những kết quả là những con số rất cụ thể, không phải là chung chung. Ví dụ như bao nhiêu người nhận được dịch vụ từ dự án, bao nhiêu người được xét nghiệm, bao nhiêu người có kết quả, trong số đó có bao nhiêu người nhiễm HIV và có bao nhiêu người được điều trị… Vì vậy, VUSTA và các tổ chức tham gia, nếu muốn có được những dự án tiếp theo sẽ phải nỗ lực hết mình để dự án này đạt được kết quả tốt nhất.
Để khẳng định hơn nữa vai trò của mình trong thời gian tới VUSTA sẽ tập trung nhiều hoạt động. Đó là cung cấp dịch vụ dự phòng, củng cố hệ thống cộng đồng, vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi và hạt nhân của dự án chính là các CBO. Dựa trên những thành công, thế mạnh hoạt động của giai đoạn 1 và mặc dù tình hình tài trợ giảm, dự án vẫn tiếp tục tham gia một cách rất tích cực vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dự án sẽ tập trung vào 3 đối tượng chính là: PWID, MSM và FSW.
Trong quá trình triển khai, các rào cản vẫn còn khá nhiều nên dự án vẫn kiên trì thực hiện các hoạt động xoá bỏ rào cản để các nhóm đối tượng dễ dàng tiếp cận và tham gia vào cung cấp dịch vụ đồng thời nâng cao vị thế của các tổ chức xã hội. Trong giai đoạn này, dự án sẽ tập trung vào việc huy động sự hợp lực để xây dựng và phát triển một hệ thống các tổ chức xã hội bền vững nhằm đáp ứng và thích ứng dần với tình hình tài trợ quốc tế giảm dần.
Bên cạnh đó, sự kết nối với các cấp, chính quyền của địa phương là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kết hợp, kết nối với chính quyền ở các địa phương một cách tốt nhất.
Dự án cũng tập trung đẩy mạnh vai trò của các mạng lưới, vì vai trò của mạng lưới rất quan trọng. Trong các mạng lưới của các CBO có hai vấn đề cần quan tâm đó là vấn đề về tư cách pháp nhân và cơ chế tài chính: “Phải làm thế nào để có thể gây được quỹ. Làm thế nào để chúng ta có thể vận động, tiếp cận được dịch vụ và nhận được dịch vụ công. Đó là một bài toán tuy không phải ngày một ngày hai nhưng chúng ta phải có những mục tiêu trong thời gian tới để có thể làm được.
PV: Ông có đề xuất gì để giúp cho các tổ chức xã hội hoạt động ngày càng vững mạnh hơn trong thời gian tới?
Ông Phạm Nguyên Hà: Theo tôi, trong thời gian tới, cần phát huy vai trò của các tổ chức TCXH, tổ chức cộng đồng trong việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của xã hội về HIV/AIDS. Đồng thời, phát huy vai trò của các TCXH trong việc huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cho đến nay 80% nguồn tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức cộng đồng đến từ các nhà tài trợ nước ngoài. Vì vậy, khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, trong cơ chế nhà nước, kinh phí công hay huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng đẻ bảo đảm cơ chế tài chính là một thách thức lớn. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm những kết quả dự án đã đạt được và đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện nay, phân biệt đối xử, kỳ thị đang là vấn đề lớn đối với những người nhiễm HIV/AIDS và những người nguy cơ cao nhiễm HIV. Đây chính là yếu tố làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm người này. Vì vậy, cần tuyên truyền để chống phân biệt đối xử, kỳ thị vì những những người nhiễm HIV và những người nguy cơ cao nhiễm HIV, họ rất mong xã hội nhìn nhận họ, ghi nhận những đóng góp của họ để họ có thể được “sống là chính mình” và hòa nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, hiện nay dự án cũng đang hỗ trợ việc thành lập Hội những người dễ bị tổn thương để bảo vệ quyền và lợi ích của những người nhiễm và/hoặc có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các TCXH trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển phương pháp quản lý, tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng.
▪ Ứng dụng hẹn hò làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV (29/03/2016)
▪ Nơi khởi nguồn của đại dịch thế kỷ HIV - AIDS (29/03/2016)
▪ Yếu tố làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM (29/03/2016)
▪ Thanh Hóa: Phấn đấu 90% người nhiễm HIV tham gia BHYT (28/03/2016)
▪ Áp lực của cảnh sát dẫn giải gã giang hồ nhiễm HIV (28/03/2016)
▪ Đà Nẵng: Xử lý triệt để mại dâm đường phố (28/03/2016)
▪ Quảng Nam: Gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm ít nguy cơ (26/03/2016)
▪ Kỳ thị làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm chuyển giới (26/03/2016)
▪ Liệu pháp kháng thể mới chống virus HIV trong 2 tuần (25/03/2016)
▪ Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (25/03/2016)