Quảng Nam: Gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm ít nguy cơ
Báo Tiếng chuông - 26/03/2016
Trong những năm gần đây, số nhiễm mới HIV trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có xu hướng giảm, tuy nhiên đa số nhắm đến nhóm đối tượng ít nguy cơ. Chính vì vậy, cần có các biện pháp tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Quảng Nam, trong năm 2015, toàn tỉnh phát hiện 902 trường hợp nhiễm HIV, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,054% dân.

 

Quảng Nam tích cực tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh: Thùy Chi

 

Trong 5 năm trở lại đây, số lượng người nhiễm bệnh đã giảm dần (dưới 0,1% so với mức trung bình của cả nước là 0,3%). Đây là một dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên căn bệnh này vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng chú ý là sự gia tăng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 phòng khám hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS được đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 1 phòng khám dành cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Trong năm 2015, số người nhiễm HIV/AIDS được khám, chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội là 234 người, trong đó có 12 trẻ em. Tổng số bệnh nhận AIDS đang được quản lý, điều trị ARV là 255 người, trong đó có 10 trẻ em.

Hiện nay, thuốc đặc trị dùng cho người nhiễm HIV chính là ARV. Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS.

Đặc biệt là những trường hợp bà mẹ mang thai cần được điều trị bằng phương thuốc này để giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho con. Nếu không sử dụng thuốc thì khả năng trẻ bị dương tính với HIV là 50%, nhưng nếu dùng thuốc chỉ giảm xuống còn 2 - 3% nếu được điều trị đúng cách, đúng liều lượng.

Ngoài công tác chăm sóc, điều trị, Quảng Nam cũng chú trọng công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2014, đến nay đã tư vấn, điều trị cho trên 300 người. Hiện đã có 2 cơ sở ở Tam Kỳ và huyện Tiên Phước.

Bác sĩ Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, dù mới đưa vào hoạt động, nhưng hiệu quả của cách điều trị này rất cao, nhất là trong việc phòng chống bệnh HIV. Trong các đợt xét nghiệm định kỳ cho nhóm đối tượng đã tham gia điều trị, ngoại trừ người đã nhiễm HIV trước khi tham gia, không phát sinh thêm ca nhiễm mới HIV trong nhóm nguy cơ này.

Cùng với việc triển khai điều trị cai nghiện bằng Methadone, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS nói chung. Bác sĩ Trần Văn Kiệm khẳng định, công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời người nghiện ma túy cũng sẽ tự giác đến cơ sở cai nghiện. Để xóa tâm lý bị kỳ thị, việc tuyên truyền cho các đối tượng này được triển khai dưới nhiều hình thức riêng, phù hợp.

Dự kiến, trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng mô hình điều trị Methadone tại các huyện trọng điểm như: Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn và Điện Bàn. Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu 90-90-90 khi tiến hành điều trị bằng ARV cho các bệnh nhân. Nghĩa là phải phát hiện được 90% số người nhiễm HIV, 90% trong số đó phải được điều trị bằng ARV và 90% trong số được điều trị phải khống chế được virus, không lây lan trong cộng đồng.