![]() |
Việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS là giải pháp rất quan trọng để người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời, bảo đảm sức khỏe - Ảnh minh họa |
Theo ước tính của các chuyên gia, với việc mở rộng điều trị ARV, gần 150.000 người đã tránh được tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015. Ngoài ra, còn giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người nhiễm HIV còn sống. Khoảng 40% trong số đó đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV, nhưng trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm mạnh, thuốc này sẽ không còn được phát miễn phí vào năm 2017.
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, để người nhiễm HIV được tiếp cận với nguồn thuốc ARV, Chính phủ đã định hướng chi trả thuốc ARV thông qua Quỹ BHYT thay thế cho nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT không nhiều. Số người có thẻ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT còn thấp hơn.
Một số khảo sát quy mô nhỏ gần đây cho thấy, tỷ lệ người đang điều trị ARV có thẻ BHYT chỉ dao động từ 30% đến 60%, tùy từng địa phương. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tiến hành thống kê số người đang điều trị ARV có thẻ BHYT để có một đánh giá khái quát về vấn đề này, từ đó tìm giải pháp phù hợp để giải quyết.
Tìm hiểu về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc tiếp cận với chính sách BHYT của người nhiễm gần đây tại một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Hải Dương…cho thấy đa số người nhiễm đều rất “hoang mang” khi biết các nguồn viện trợ thuốc ARV sẽ không còn nữa trong tương lai gần. Nhiều người cho biết, nếu phải bỏ tiền túi để chi trả cho việc mua thuốc ARV, họ sẽ ngừng điều trị vì không có điều kiện…
Cùng với việc nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của thẻ BHYT, khảo sát của phóng viên tại các địa phương cho thấy, một trong những lý do khiến người nhiễm chưa mấy “mặn mà” với BHYT là do chính sách BHYT mới quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, bởi vậy họ không thể… kham nổi. Mặt khác, kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm đã hằn sâu vào tiềm thức của người nhiễm, vì thế họ vẫn chưa sẵn sàng bộc lộ danh tính để được hưởng chính sách này. Thế nên, thực tế mới có tình trạng không ít người nhiễm tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh…
Để đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đồng Tháp cho biết, trong quá trình tư vấn, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân, các cán bộ trung tâm đều tuyên truyền, tư vấn, vận động họ mua thẻ BHYT. Nhưng hiện tại số người tiếp cận với thẻ BHYT cũng chỉ đạt khoảng 35%. Hiện lãnh đạo trung tâm đã bàn với Sở Y tế tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại các trường hợp chưa có thẻ BHYT để bàn hướng giải quyết.
▪ Cả nước có hơn 18 nghìn tình nguyên viên phòng, chống tệ nạn xã hội (03/11/2016)
▪ 83 triệu lượt người được thông tin, giáo dục về phòng, chống ma túy, mại dâm (02/11/2016)
▪ 440/480 xã, phường ở Nghệ An có người nhiễm HIV (01/11/2016)
▪ Công bố số điện thoại đường dây nóng xét nghiệm HIV miễn phí (31/10/2016)
▪ Dự án USAID SHIFT ‘nỗ lực’ hỗ trợ các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS (29/10/2016)
▪ Nhiều hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới (28/10/2016)
▪ Bắc Ninh: Hiệu quả tích cực từ nguồn hỗ trợ phòng chống, HIV/AIDS (28/10/2016)
▪ Phác đồ mới điều trị bệnh lậu (28/10/2016)
▪ 'Rối ruột' vì trường học nằm sát cơ sở điều trị cho người nghiện (28/10/2016)
▪ Đà Nẵng: Tích cực truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong sinh viên (26/10/2016)