Trung tâm giáo dục lao động số 1 (sở LDDTBXH Hà Nội): Hơn 30% số thanh niên nghiện ma tuý nhiễm HIV Quang Hiệu Trung tâm Giáo dục lao động số 1 (GDLĐXH) thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội đóng tại xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây. Đây là trung tâm điều trị, phục hồi, giáo dục dạy nghề cho số đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn TP, trong đó, bao gồm cả cai nghiện bắt buộc lẫn tự nguyện. Hiện trung tâm quản lý 1.133 học viên (204 học viên tự nguyện) nhưng trong số này có tới hơn 30% số người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV...
Đó là khẳng định của ông Lê Duy Luận - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH số 1. Theo ông Luận, hiện trung tâm đang quản lý 1.133 học viên (tăng gần 400 học viên), số giảm trong kỳ là 302 học viên (89 học viên tự nguyện). Trong đó, tử vong do AIDS 3 trường hợp. Đặc điểm học viên tại đây khá phức tạp (70% số học viên có tiền án, tiền sự, 30 - 35% nhiễm HIV). Toàn bộ số học viên tại đây đều là người Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Tuyên - cán bộ của trung tâm cho biết: "Đối tượng quản lý chữa trị tại đây, đa số có thâm niên nghiện, đã qua giáo dục nhiều lần tại cộng đồng chưa tiến bộ. Hơn nữa là những thanh niên lười lao động, do đó gây rất nhiều khó khăn cho việc chống trốn, chống đánh nhau, chống thẩm lậu. Tại đây, học viên cao tuổi nhất là 58 tuổi, học viên ít tuổi nhất là 16 tuổi". Trao đổi với chúng tôi, ông Luận cho biết: "Lượng học viên lên trung tâm cai nghiện ngày một tăng, chủ yếu là số học viên vào trung tâm cắt cơn nghiện. Trong đó, có thời điểm đã vượt quá 41% công suất của trung tâm. Đặc biệt có những phòng ở 20m2 nhưng phải chứa đến 16 học viên. Chính số lượng học viên quá đông dẫn tới khu phục vụ ăn uống cũng quá tải, khiến các đội phải khắc phục bằng việc ăn theo ca". Theo ghi nhận của chúng tôi tại đây, diện tích khu học nghề và làm nghề của trung tâm hiện quá hẹp. Mặt bằng nhà xưởng thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 200 học viên thì hiện phải chứa tới 800 học viên. Tái nghiện: Nguy cơ cao Tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn các học viên đều có chung tâm trạng không muốn trở về cộng đồng. Bởi lẽ, ở đó môi trường tái nghiện trở lại là rất cao. Các đối tượng đều thú nhận hút do đua đòi với bạn bè, thử một lần cho biết. Dương Minh C (sinh 1980) ở Hàm Tử Quan, học viên đã nhiễm HIV tâm sự: "Em mắc nghiện từ năm 1993. Nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm HIV là do sử dụng kim tiêm chung. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là em hết thời gian cai nghiện tại đây. Em ước sẽ được ở lại trung tâm phụ giúp một việc gì đó. Còn ra ngoài, em biết chắc mình sẽ khó tránh khỏi con đường cũ". Còn Nguyễn Quang H (sinh 1974) ở Mai Dịch, Cầu Giấy tâm sự: "Em mắc nghiện từ năm 1998. Em ở trung tâm này đã gần 2 năm. Thật sự em hoàn toàn không nhớ tới thuốc nữa. Tuy nhiên, khi trở lại cộng đồng em cũng không biết mình sẽ thế nào". Còn hàng chục trường hợp khác tôi gặp cũng lo lắng khi trở lại cộng đồng. Ngoài ra, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Luận - Giám đốc Trung tâm GDLĐXH số 1 cho biết thêm: Đối tượng nhiễm HIV chuyển sang AIDS chiếm tỉ lệ cao, khi chuyển điều trị tại tuyến trên gia đình thường bỏ mặc nên càng khiến những đối tượng này chán nản". Qua quan sát của chúng tôi, các học viên qua thời gian giáo dục, lao động sản xuất tại đây đã có những thay đổi rõ rệt, có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma tuý. Tuy nhiên, ông Luận cũng phải khẳng định: "Việc tái nghiện ngay tại trung tâm là rất khó, bởi lẽ chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm bất ngờ, nhưng sợ nhất khi học viên trở lại cộng đồng. Nếu gia đình, xã hội không thực sự quan tâm thì việc tái nghiện sẽ chắc chắn xảy ra". |
▪ Các biện pháp phòng nhiễm HIV (06/05/2004)
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Trang web cung cấp kiến thức về HIV/AIDS (25/05/2004)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Thêm một địa chỉ tin cậy cho người nhiễm HIV (22/05/2004)
▪ Tu sĩ chăm sóc bệnh nhân AIDS (11/05/2004)
▪ 4 năm, giảm gần 50% người chết vì HIV/AIDS (17/05/2004)
▪ Chết sau cơn lốc vàng... (15/05/2004)
▪ Đừng vội tự sát khi bác sĩ bảo bạn nhiễm HIV (16/05/2004)
▪ Ngày Thế giới Phòng chống AIDS: Các tổ chức sức khoẻ thế giới đặt mục tiêu chống AIDS (01/12/2003)