Bệnh nhân AIDS đang chờ chết |
Bùng binh HIV của Châu Á
Buổi tối, bác sĩ Mong quấn sarông tản bộ vào trong chợ. Cạnh một cửa hàng mỹ phẩm, một nhóm con nghiện đang chung nhau một món heroin, và một cái kim tiêm máu me. Xuôi xuống phía dưới là một bầy các cô điếm người Myanmar đang mặc cả với 3 người buôn ngọc từ Ấn Độ. Các cô gái nom còn trẻ, sợ sệt và tuyệt vọng. Các cô đang đòi 125 tệ (khoảng 20 USD) nhưng chắc sẽ phải bằng lòng với nửa số đó. "Tất cả đàn ông ở đây đều không thích dùng bao caosu, và các cô gái muốn bán được mình thì phải chấp nhận" - bác sĩ Mong than vãn. Cũng sáng hôm đó, một cô gái Myanmar mập mạp đã đến gõ cửa phòng khám một giường của ông. Thế là ông phải đuổi một cậu trai bị thương vì đấu dao ra ngoài để khám cho cô. Và ông thấy những dấu hiệu của bệnh AIDS trên lưỡi, xung quanh bộ phận sinh dục của cô gái. Vị bác sĩ đã mở ví, đưa tiền xe về Myanmar cho cô: "Đi luôn đi!" ông giục cô gái. "Đừng về lấy quần áo nữa, tên ma cô sẽ không buông cô ra đâu!" Ông nói thế vì ông biết ma cô ở Ruili như thế nào. Đó thường là một kẻ vạm vỡ, mắt vàng khè, xăm hình rắn, và bắt các cô gái tiếp khách cho đến khi những vết lở loét hiện rõ trên mặt khiến khách hàng khiếp sợ mới thôi. "Nếu cô ta về ngay - bác sĩ nói - thì còn có thể được chết ở nhà."
Hiện tại, mỗi ngày ở Châu Á có 1192 người chết vì AIDS và 2658 người khác lại bị nhiễm HIV. Cuối năm ngoái, có hơn 7 triệu người Châu Á nhiễm HIV/AIDS, riêng số nhiễm mới là hơn 1 triệu người, tăng 17% so với năm 2000. Và dù tỉ lệ tử vong vì AIDS còn kém xa Châu Phi song các nhà nghiên cứu lo ngại rằng AIDS ở Châu Á có khả năng trở thành một đại dịch khủng khiếp. Bởi phương thức lây nhiễm ở Châu Á đa dạng hơn; nơi đây đông dân hơn, người di cư nhiều hơn; và trong khi ở Châu Phi, căn bệnh chỉ lây truyền qua đường tình dục thì ở đây nhà thổ và ma tuý đều là những đại lộ của AIDS. Hai nước đông dân nhất thế giới là TQ và Ấn Độ đều đang là mồi ngon của AIDS. 4 triệu dân ấn đã bị nhiễm HIV, và những người di cư ra thành phố đang đem virus trở về làng. Bác sĩ Sunithi Solomon - người điều trị AIDS ở Madras - nói: "Tỉ lệ lây nhiễm ở Ấn Độ có thể không tới 30% như ở Châu Phi song chỉ cần tăng 1% thôi cũng có nghĩa là thêm 1 triệu người Ấn mắc bệnh". Còn ở TQ, nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2010 sẽ có 20 triệu dân nhiễm AIDS. Theo UNAIDS, lây nhiễm bệnh ở TQ đã chuyển từ các nhóm nguy cơ cao như nghiện ma tuý, mại dâm sang cộng đồng.
Virus mới đã hình thành
Con đường của AIDS vào TQ bắt đầu từ thị trấn Ruili. Cũng chính nơi này đã hình thành nên một chủng virus HIV mới: B/C. HIV là một loại virus thích ứng nhanh, và riêng ở Châu Á cũng đã có đến 10 loại. Theo các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và TQ, dòng virus loại B mà các cô gái Myanmar mang có nguồn gốc từ Thái Lan, là dòng virus do những kẻ đồng tính luyến ái và sinh viên mang về từ Mỹ và Châu Âu khoảng những năm 80. Trong khi đó, dòng virus loại C rất phổ biến ở Ấn Độ, do các thuỷ thủ mang từ Nam Phi đến cho gái điếm ở Bombay, và hiện giờ những lái ngọc lại đem đến Ruili. Thế là virus Thái đã kết hợp với virus Ấn thành một chủng mới ở Ruili: B/C. Hiện tại B/C đang hành hạ tộc người Dai dọc biên giới Myanmar, người Hui ở Cam Túc rồi người Uighurs ở Tân Cương. Người ta đang sợ rằng B/C có thể sẽ là một loại siêu virus, ghê gớm và tinh quái hơn.
Những thói quen độc ác
Cùng với 100 triệu dân di cư tự do tìm việc làm, công nghiệp tình dục của TQ đang bùng nổ dữ dội. Tại Tân Cương, nơi cuối cùng của đại lộ AIDS, trong một quán càphê đèn hồng, Yufa đang tựa vào cửa ra vào. Cô là một nông dân, mới làm cái nghề khốn nạn này được 2 tuần. Chồng chết, 2 con nhỏ, cô đã phải lặn lội từ Tứ Xuyên lên Urumqi để kiếm việc làm. Urumqi không có việc. Thế là một tên dắt gái đưa cô đến nhà thổ, nơi cô đồng ý bán thân với giá 3 USD. Cô có biết gì về bệnh này không? "Tôi biết chứ," cô nói. "Nhưng tôi chẳng xinh đẹp gì, và cũng chỉ có khoảng 3 khách một tuần. Nếu họ không thích bao caosu thì tôi biết làm thế nào? Tôi không thể mặc các con tôi chết đói." Tại nhiều tỉnh lị ở TQ, nhiều người còn chưa hề được nghe về AIDS! Ở Vân Nam, một cuộc điều tra về AIDS đã thu được kết quả làm một quan chức địa phương kinh hoàng. Và vì sợ mất mặt trước thượng cấp nên ông ta thôi không thống kê nữa. Tại Côn Minh, một quan chức khác tuyên bố AIDS cơ bản là "một căn bệnh ngoại quốc" và đề nghị đốt khăn trải giường và dép lê của các khách ngoại quốc!
Người ta có nhiều lý do để lo lắng cho Châu Á. Nhất là tập quán của họ. Chung To - cố vấn tài chính người Hồng Kông, thường xuyên đến Bắc Kinh công cán - đã kể rằng lần gần đây nhất, khi anh đi tắm hơi, người đàn ông ở cạnh anh khoe rằng anh ta vừa làm tình với 7 nam giới khác, không cần bao caosu. Và tệ hơn cả là truyền thống kỳ thị. Xiao Su, bị bệnh ở Bắc Kinh, giờ đây không dám về làng ở Vân Nam nữa, vì sợ xóm làng khinh bỉ. ở Myanmar, người chết vì AIDS được đốt cháy để diệt virus! "Từ bỏ người bị AIDS là một thói quen độc ác" - Alongkot Tikapanyo, một nhà sư ở Bangkok, nói. Từ năm 1992, sư đã săn sóc hơn 10 nghìn bệnh nhân AIDS ở chùa Wat Prabat Nam Poo của mình. Giờ đây, ngoài đàn ông và gái điếm, trong trại tế bần của nhà chùa còn có thêm trẻ con và những bà vợ. N.Q.D (Theo Time)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)
▪ Nguy hiểm như khủng bố (09/07/2002)
▪ AIDS vẫn lây lan mạnh ở thế giới thứ ba (25/06/2002)
▪ "Sóng ngầm" trong làng đồng tính (25/05/2002)
▪ Nha Trang - chơi ở bar (29/04/2002)
▪ Mới dừng ở việc thu gom (24/12/2001)
▪ "Dịch" ma tuý ở Tương Dương (03/12/2001)