Lan tỏa thông điệp phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Báo Tiếng Chuông - 25/12/2017
Sáng 22/12, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm đánh giá, tổng kết cũng như chia sẻ rộng rãi kinh nghiệm triển khai chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tháng Hành động vì bình đẳng giới. Ảnh Nhật Thy

 

Năm 2017 là năm thứ hai Bộ LĐTB&XH chủ trì triển khai Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng Hành động) trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH cho biết, Tháng Hành động năm nay đã được triển khai bài bản ngay từ đầu năm, từ khâu hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, tập huấn cho cán bộ tham mưu trực tiếp công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của các Bộ, ngành; tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên…

Có thể thấy, thông qua chiến dịch truyền thông Tháng Hành động năm nay, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân. Đó chính là sự thành công của chiến dịch.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, làm nên những thành công này là sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương, trong đó phải kể đến sự đóng góp quý báu của nhiều các nhân ở mỗi góc độ, công việc của mình luôn tích cực ủng hộ, tham gia và tạo sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, sự ủng hộ tích cực của các phóng viên thông qua các bài biêt, phóng sự đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần thúc đẩy sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân nhằm lên án và tố cáo các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự chung tay vào cuộc này sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, hơn 1 nghìn hoạt động lớn, nhỏ đã được triển khai trong Tháng Hành động năm 2017 đã thu hút 400 nghìn người tham gia. Hơn thế nữa, những thông điệp truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được các cơ quan truyền thông chia sẻ đến hàng triệu người.

“Chúng ta đã nhận thức được nhiều hơn về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Nạn nhân, gia đình và cộng đồng đã phá vỡ sự im lặng và có những ứng phó với nạn bạo lực. Những thành công của chiến dịch truyền thông Tháng Hành động là điểm khởi đầu, là xúc tác để cùng chung tay với vấn nạn này. Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ có lợi cho phụ nữ và trẻ em gái mà còn mang lại lợi ích chung, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm an toàn xã hội”, Trưởng Đại diện UNFPA đánh giá.

Bà Astrid Bant cho biết thêm, sắp tới, với sự tài trợ của DFAT, UNFPA sẽ phối hợp cùng Bộ LĐTB&XH cập nhật thống kê, số liệu quốc gia về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.

Có thể thấy, Tháng Hành động năm 2017 được triển khai khá đồng bộ và chất lượng, tạo hiệu ứng tốt về truyền thông trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, để đạt tới đích thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người về hình thức bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cần phải tiếp tục dành sự quan tâm thường xuyên, đặc biệt là sự cam kết đầu tư về ngân sách và trí tuệ cho công việc này.

Nhật Thy