Thanh niên Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức
Báo Tiếng Chuông - 23/11/2017
Thanh thiếu niên được coi là tài sản cho sự thịnh vượng của đất nước, tuy nhiên, thanh thiếu niên Việt Nam đang gặp thách thức trên nhiều mặt: Việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…

Ngày 22/11, Bộ Nội vụ Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển OECD tổ chức Lễ công bố báo cáo của OECD về “Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam”.

 

Toàn cảnh Lễ Công bố. Ảnh Nhật Thy

 

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, thanh niên Việt Nam hiện nay được xác định độ tuổi là 16-30 tuổi, chiếm trên 25% dân số. Chăm lo và phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo sự ổn định phát triển của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm lo, bồi dưỡng phát huy thanh niên.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều thanh thiếu niên phải nghỉ học sớm khi còn ở độ tuổi đi học khiến họ bị thiếu hụt về trí thức, kiến thức, kỹ năng và không được chuẩn bị hành trang tốt cho công việc cuộc sống sau này. Nhiều thanh niên không có việc làm hoặc phải làm những công việc dễ bị tổn thương đang là vấn đề cấp thiết cho chúng ta hiện nay. Nguy cơ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Nhiều vấn đề như chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên, vị thành niên còn chưa được giải quyết một cách đầy đủ…

Báo cáo Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận đa ngành để xem xét sâu hơn về tình hình giới trẻ ở bốn lĩnh vực và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách phúc lợi trong thanh niên.

Báo cáo cho thấy, nhìn nhung thanh niên Việt Nam đang có điều kiện tốt hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, 9% thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-17 và 8% thanh thiếu niên tuổi từ 18-19 bị thiếu hụt ít nhất hai khía cạnh về phúc lợi cùng một lúc. Nhóm trẻ hơn gặp khó khăn trong việc làm, với sự thiết hụt chồng chéo trong giáo dục. Nhóm lớn tuổi hơn bị thiết hụt về giáo dục cũng như trong công việc, nhưng không nhất thiết cùng một lúc. Lao động trong khu vực phi chính thức vẫn là hiện tượng xảy ra với hầu hết lao động làm công ăn lương trẻ, trong đó 75% không được tham gia bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào và gần một nửa trong số họ không được kết giao hợp đồng bằng văn bản.

Mặc dù việc làm đóng một vai trò trung tâm trong đời sống thanh thiếu niên, nhưng sức khỏe là một khía cạnh quan trọng của phúc lợi. Thanh niên Việt Nam ngày nay khỏe mạnh hơn 10 năm trước. Tỷ lệ phơi nhiễm HIV trong thanh thiếu niên giảm, mặc dù nó vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 2, sau chấn thương đường bộ. Tỷ lệ sinh vị thành niên tăng nhẹ, nhưng nó ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm dân tộc thiểu số, trẻ em gái có trình độ học vấn thấp, trẻ em gái ở những gia đình nghèo và những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Vẫn còn khá nhiều định kiến xã hội phân biệt giới tính, ngăn cản thế hệ trẻ tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và cản trở họ tìm cách điều trị các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục. Căng thẳng và các chứng bệnh thần kinh cũng là mối quan tâm mới với sống lượng tử vong do tự gây thương tích và bạo lực cá nhân theo xu hướng tăng lên.

Lạm dụng ma túy trong thanh thiếu niên đang gia tăng và trở thành mối lo ngại của các cơ quan có thẩm quyền ở một số nơi. Các nghiên cứu ước tính, lạm dụng ma túy có thể tăng gấp 3 lần kể từ đầu những năm 1990, mặc dù thật sự rất khó để có được con số thực tế về số lượng người sử dụng ma túy.

Cuối cùng, một khía cạnh quan trọng của phúc lợi thanh niên là quyền công dân và sự tham gia. Thanh niên Việt Nam hiện ít quan tâm tới chính trị, chưa tới một nửa từng xem hoặc nghe tin tức về các vấn đề quốc gia và chưa đến 15% tham gia vào một số quá trình xây dựng chính sách.

Báo cáo khuyến nghị, thanh thiếu niên nhận được nhiều sự quan tâm trong chính sách, tuy vậy, cải cách chính sách phúc lợi cho thanh niên cần được thực hiện trên nhiều mặt. Trong y tế, các dịch vụ thân thiện với thanh thiếu niên và các phòng khám đa khoa nhạy cảm giới nên được tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ sống ở nông thôn và cho thanh niên có trình độ thấp. Trong giáo dục, vấn đề bỏ học từ cấp phổ thông trung học cần được giải quyết. Thanh thiếu niên trong nhóm yếu thế, thiệt thời và chưa tiếp cận được với các chính sách an sinh cần một hệ thống trợ giúp, trong đó bao gồm cả việc giáo dục cha mẹ về giá trị của học vấn. Việc tăng cường chất lượng giáo dục phải nhận được quan tâm và ưu tiên đặc biệt. Trong việc làm, cần có nhiều nỗ lực để mở rộng cơ hội đào tạo cho tất cả thanh thiếu niên và thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động…

Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên trong các hoạt động chính trị và công dân thông qua nâng cao năng lực, hiểu biết về thể chế và các cơ chế mới hỗ trợ sự tham gia của thanh thiếu niên.

Nhật Thy