![]() |
Chúng ta không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS |
Đó là thông điệp của ông Michel Sidibé, Tổng Giám đốc của Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS), Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).
Ông Michel Sidibé nhấn mạnh, kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay, chúng ta hãy cùng nhau nêu bật tầm quan trọng của quyền về sức khỏe và những thách thức mà những người sống với HIV và người nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn đang phải đối mặt trong việc thực hiện quyền về sức khỏe.
Quyền về sức khỏe là quyền cơ bản của mọi người dân, nghĩa là tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. Quyền này đã được công nhận tại Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1996.
Ông Michel Sidibé cho rằng: “Chúng ta sẽ không thể hoàn thành được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030, nếu người dân không thực hiện được quyền của họ về sức khỏe. Quyền về sức khỏe có mối liên hệ khăng khít với một loạt các quyền con người khác, bao gồm quyền về vệ sinh sạch, thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở an toàn, các điều kiện lao động tốt và một môi trường tự nhiên trong sạch”.
Quyền về sức khỏe mang hàm ý rộng, được hiểu là mọi người dân đều có quyền như nhau về chăm sóc sức khỏe. Có đủ hạ tầng cơ sở y tế bảo đảm chất lượng. Việc cung cấp các dịch vụ y tế không phân biệt đối xử và tôn trọng phẩm giá của con người. Là dịch vụ y tế phù hợp với người bệnh và bảo đảm chất lượng.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi, ngày hôm nay, chúng ta hãy tưởng nhớ những người thân, người bạn và đồng bào đã mất vì AIDS. Và một lần nữa khẳng định cam kết của chúng ta sẽ đoàn kết với những đồng bào của chúng ta đang sống với HIV, hay những người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Ngay từ những ngày đầu phòng, chống AIDS, đáp ứng của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng quyền của mọi người dân về sức khỏe và quyền được sống tốt. Chúng ta luôn luôn vận động cho việc xây dựng các hệ thống y tế tôn trọng và bảo đảm quyền về sức khỏe của mọi người dân, từ đó thúc đẩy các nỗ lực giúp tất cả các quốc gia và mọi người dân trên toàn thế giới hiểu về HIV: Làm thế nào để dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị HIV.
Trong năm 2017 vừa qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Gần 21 triệu người sống với HIV đang được điều trị kháng virus, số ca nhiễm HIV mới và số người tử vong do AIDS đã giảm xuống ở nhiều khu vực.
Mặc dù vậy, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, chúng ta không được chủ quan, lơ là. Ở khu vực Đông Âu và Trung Á, số nhiễm HIV mới đã tăng 60% kể từ năm 2010 và số người tử vong do AIDS đã tăng 27%. Khu vực Trung và Tây Phi còn đang bị tụt lại phía sau trong đáp ứng với HIV. Ở đó, cứ 3 người dân thì mới có 2 người tiếp cận được điều trị kháng virus. Chúng ta không thể để tình trạng đáp ứng không đồng đều với HIV tiếp diễn nếu muốn kết thúc được dịch AIDS.
Trà My
▪ Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực (25/11/2017)
▪ Thanh niên Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức (23/11/2017)
▪ Phối hợp với nhân dân trong đấu tranh chống tội phạm ma túy (21/11/2017)
▪ Góp phần cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm HIV/AIDS (18/11/2017)
▪ Cơ sở y tế nào được phép chuyển đổi giới tính? (17/11/2017)
▪ Liệu pháp tâm lý là quan trọng nhất trong điều trị nghiện (16/11/2017)
▪ BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS (14/11/2017)
▪ Toàn quốc phát hiện trên 208.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS (11/11/2017)
▪ Methadone vẫn mang lại hiệu quả lớn trong điều trị cai nghiện ma túy (10/11/2017)
▪ Xét nghiệm HIV sớm: Tiền đề để đạt mục tiêu 90-90-90 (08/11/2017)