Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp song song trong phòng, chống HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 30/05/2017
Thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua Lạng Sơn chú trọng công tác truyền thông, tiếp cận, thực hiện song song với can thiệp, giảm hại và điều trị, nên đã duy trì được đà “3 giảm”.

 

Bệnh nhân điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thùy Chi

 

Phóng viên Trang tin Tiếng Chuông – Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm có buổi trao đổi với ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lạng Sơn về kết quả và những giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Đào Đình Cường: Tính đến ngày 28/2/2017 tổng cộng các trường hợp nhiễm HIV/AIDS  trong toàn tỉnh là 2.925 người, trong đó có 2.759 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 2066 trường hợp tử vong do AIDS và liên quan. Tổng cộng số trẻ em dưới 15 tuổi là 75 trẻ.

Tổng số xã, phư­ờng, thị trấn có ng­ười nhiễm HIV/AIDS là 156/226 xã, phường (Phát hiện thêm 2 xã mới có người nhiễm: xã Thanh Lòa huyện Cao Lộc; xã Nam Quan, huyện Lộc Bình).

Riêng quý I năm 2017 phát hiện 08 trường hợp nhiễm HIV, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 05 người; tử vong do AIDS và liên quan có 05 trường hợp. Trong số 9 người nhiễm mới phát hiện có: Nam 06 (chiếm 62,5%); nữ 03 (chiếm 37,5%).

So với cùng kỳ năm 2016 số người nhiễm HIV mới được phát hiện giảm 11%, bệnh nhân AIDS giảm 50%, tử vong giảm 16,7%. Trong số 8 trường hợp phát hiện trong quí I năm 2017 có: 04 trường hợp lây truyền qua đường tình dục (chiếm 50%); 03 trường hợp lây truyền qua đường máu (chiếm 37,5%), 01 trường hợp lây truyền từ mẹ sang con (chiếm 12,5%).

Thời gian qua, địa phương đã thực hiện công tác truyền thông, tiếp cận song song với can thiệp, giảm hại và điều trị, nên đã duy trì được đà “3 giảm”. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này?

Ông Đào Đình Cường: Do hoạt động tích cực và đồng bộ giữa các khâu từ tuyên truyền, tư vấn đến giám sát; từ điều trị bằng thuốc thay thế Methadone đến điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị phơi nhiễm…nên 3 tháng đầu năm 2017, Lạng Sơn  vẫn duy trì đà “3 giảm”so với cùng kỳ năm 2016. Đó là, giảm 11% số người nhiễm mới, giảm 50% số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm gần 17% số người tử vong do AIDS.

Trong số trường hợp phát hiện nhiễm HIV quí I/2017 có 50% trường hợp lây qua đường tình dục, 37,5% lây qua đường máu (tiêm chích ma túy) và 12,5% trẻ em <15 tuổi.  So sánh với những năm trước về đường lây truyền, có thể thấy xu hướng tình dục không an toàn dẫn đến lây nhiễm HIV ở Lạng Sơn đang có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề cần quan tâm trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong thời gian tới.

Xác định công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là quan trọng, nhằm khắc phục những khó khăn về nhân lực và kinh phí, xin ông cho biết hiệu quả và kế hoạch thời gian tới?

Ông Đào Đình Cường: Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã chỉ đạo toàn mạng lưới và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác truyền thông giáo dục, tư vấn đến cộng đồng. Trong đó, có hoạt động truyền thông gián tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp được tổ chức tại tuyến huyện, xã lồng ghép thực hiện các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, đã thực hiện 1.038 lượt truyền thông tới trên 70.300 người, chủ yếu ở tuyến xã, nhất là những xã trọng điểm. Trên 100 tin bài, phóng sự, thông tin về HIV/AIDS được đăng trên Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, phát trên loa phóng thanh xã, phường… trên 45.000 tờ rơi, gần 300 băng rôn khẩu hiệu có tác dụng, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư trong việc nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống HIV.

Trên cơ sở tuyên truyền sâu, hoạt động can thiệp giảm hại của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và cộng tác viên tuyến xã trong tư vấn và phát bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng có nguy cơ cao đã được thực hiện thuận lợi. Toàn mạng lưới đã tiếp cận được 1.125 đối tượng nghiện chích ma túy, 24 người là vợ chồng, bạn tình của người nhiễm HIV/AIDS và 163 người thuộc nhóm nguy cơ cao đã được tư vấn xét nghiệm HIV. Các cơ sở y tế đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 2.372 phụ nữ có thai, đạt 100% số phụ nữ có thai đến khám tại trạm y tế xã. Kết quả 100% phụ nữ có thai được tư vấn  đã chấp nhận xét nghiệm sàng lọc HIV.

Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS, tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thông qua các hoạt động như viết tin, bài, truyền thông tại cộng đồng. Bên cạnh đó, phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với phòng chống ma túy, mại dâm.

Xin ông cho biết kết quả chăm sóc, điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV/AIDS và công tác triển khai,vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế?

Ông Đào Đình Cường: Công tác điều trị HIV/AIDS bằng ARV đã có những bước phát triển mới. Trong 3 tháng đầu năm đã có thêm bệnh nhân được tiếp cận điều trị, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị ổn định bằng ARV tại 6 trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số cơ sở ngoài tỉnh là 639 người, trong đó có 607 người lớn và 32 trẻ em dưới 15 tuổi.

Công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng được tăng cường. Hiện đã có 806/859 người được quản lý, chăm sóc, tư vấn, chiếm tỷ lệ 93,8%; số đang điều trị dự phòng Cotrimoxazol là 32 người. Trong quý I, ngành y tế tỉnh đã điều trị dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp cho 3 cán bộ trước 12 giờ và 1 trẻ em.

Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các huyện, thành phố tính đến ngày 31/10/2016 có thẻ bảo hiểm y tế là 597/623 bệnh nhân (chiếm 95,8%), trong đó số bệnh nhân đã có thẻ bảo hiểm y tế là 505/623 bệnh nhân (chiếm 81,0%), số bệnh nhân đã đăng ký mua thẻ dự kiến sẽ có thẻ trong tháng 12/2016 là 92/623 bệnh nhân (14,7%); số bệnh nhân không có thẻ là 26/623 bệnh nhâ (4,17%).

Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiến hành thẩm định 6/6 cở sở điều trị điều trị theo quy định của Bộ Y tế để ký hợp đồng bảo hiểm y tế vào năm 2017, nhằm bảo đảm 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia sử dụng bảo hiểm y tế.

Trong năm 2017, Lạng Sơn phấn đấu giảm 10% số người nhiễm HIV phát hiện mới qua tiêm chích ma túy so với năm 2015. Trong khi vẫn là điểm “nóng” về ma túy, xin ông cho biết, địa phương sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

Ông Đào Đình Cường: Để giảm thiểu số người nhiễm mới trong nhóm nghiện chích ma túy, địa phương chú trọng mở rộng mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nâng cao hiệu quả điều trị. Với sự hoạt động ổn định của 6 cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình và Hữu Lũng), đến cuối quý I năm 2017, toàn tỉnh hiện có 1.176 bệnh nhân đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định, không có tai biến về chuyên môn; bệnh nhân đang điều trị ổn định về thể chất, tinh thần; gia đình, người nhà bệnh nhân yên tâm, tin tưởng.

Tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị thay thế đạt 138% (1.104/800) so với chỉ tiêu của Chính phủ giao và đạt 110,4% (1.104/1000) so chỉ tiêu của tỉnh giao năm 2016.

Trong thời gian tới, địa phương tập trung giám sát các huyện, thành phố việc tổ chức điều trị và điểm cấp phát thuốc. Tham mưu tổ chức tập huấn cho cán bộ các ngành và cán bộ tại các Trung tâm Y tế về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Xin trân trọng cảm ơn ông!