Thanh Hóa: Nhiều khó khăn, thách thức trong điều trị, dự phòng HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 12/05/2017
Kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng trên thực tế thì nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với các dự án.

 

Thăm khám sức khỏe cho người điều trị cai nghiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: Trà My

 

Trong khi nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế thì nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cắt giảm mạnh, càng làm cho công tác này gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn do các hoạt động điều trị và dự phòng từ trước tới nay phần lớn kinh phí đều từ nguồn tài trợ quốc tế. Thanh Hóa hiện đang được sự hỗ trợ của các dự án như Quỹ toàn cầu, VAAC, NIHE, CDC, ADB...

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dù vậy, nguồn kinh phí này khó bảo đảm vì chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với các dự án đang hỗ trợ.

Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã huy động bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.483/3.298 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế, tỉnh đã có một số văn bản chỉ đạo liên ngành dự thảo và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời phối hợp với Bảo hiểm xã hội ký bổ sung phụ lục hợp đồng để khám chữa bệnh cho người bị nhiễm HIV/AIDS tại bệnh viện đa khoa các huyện, thị, thành phố; ghi vốn số tiền 1,5 tỷ đồng mua thẻ BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV.

Đại diện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết, tham gia bảo hiểm y tế là một cơ hội rất tốt khi mà các nguồn tài trợ bị cắt giảm hoặc dừng vì bảo hiểm y tế sẽ chính là nguồn lực giúp cho người bệnh yên tâm điều trị. Điều trị bằng ARV có thể giúp chặn đứng hoặc chấm dứt dịch HIV. Nếu không có kinh phí thì việc điều trị ARV sẽ bị gián đoạn, bị kháng thuốc dẫn đến người bệnh sẽ tử vong. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần tích cực tạo điều kiện cho các bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế. UBND tỉnh cũng cần phê duyệt kịp thời nguồn kinh phí hàng năm mới chủ động được phòng, chống HIV/AIDS...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên thời gian qua Thanh Hóa đã góp phần vào mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hướng đến mục tiêu 90- 90- 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền).

Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, với mục tiêu 90 thứ nhất thì toàn tỉnh đã có 4.823 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình (chiếm 52%) và với mục tiêu thứ 2 đã có 3.256 người được điều trị ARV (chiếm 39%). Có thể khẳng định, những tác động của mục tiêu 90-90-90 đang hỗ trợ Thanh Hóa trong việc khám phá tảng băng chìm của dịch HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, góp phần tăng cường số người đã nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với điều trị ARV.