Theo số liệu của Bộ Y tế, các trường hợp nhiễm mới HIV đã giảm qua các năm, từ 13.815 trường hợp năm 2010 xuống còn 10.570 tính đến tháng 11/2014. Trong năm 2015, con số này tiếp tục giảm, còn 10.195 trường hợp nhiễm mới HIV số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 6.130, tử vong do AIDS là 2.130 trường hợp. Tính đến cuối năm 2015 cả nước phát hiện 227.154 trường hợp nhiễm HIV còn sống và ước tính hiện có 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng.
![]() |
Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi |
Số liệu báo cáo các trường hợp nhiễm mới HIV/AIDS và các trường hợp tử vong liên quan cho thấy xu hướng giảm trong những năm qua. Tỷ lệ nhiễm HIV trong dân số nói chung ở mức khoảng 0,26% trong năm 2014. Mặc dù số lượng các ca nhiễm mới đã giảm, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu giảm số trường hợp nhiễm mới HIV. Các chỉ số theo khu vực địa lý cho thấy các trường hợp nhiễm HIV tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nữ giới đã tăng từ 13,7% năm 2000 lên 32,5% năm 2013. Về độ tuổi, phần lớn các đối tượng đang sống với HIV được báo cáo năm 2013 nằm trong độ tuổi 20-39 và số lượng người trong độ tuổi 30-39 đang tăng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp nhiễm mới.
Trong số ba nhóm dân số với hành vi có nguy cơ gây lây nhiễm HIV cao, tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm người tiêm chích ma túy (IDU) có xu hướng giảm đều từ năm 2004, của nhóm phụ nữ mại dâm (FSW) dao động theo xu hướng giảm từ năm 2002 và của nhóm người đồng tính nam (MSM) gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Các nghiên cứu cho thấy đang xuất hiện nguy cơ lây nhiễm HIV mới giữa những người sử dụng ma túy đá (ATS) là thanh niên, người đồng tính nam và phụ nữ mại dâmbởi họ thực hiện các hành vi tình dục rủi ro cao sau khi sử dụng ma túy. Lây nhiễm qua đường tình dục đã vượt qua lây nhiễm qua đường máu để trở thành đường lây nhiễm dịch bệnh phổ biến nhất, tăng từ 12% ca nhiễm mới HIV năm 2000 lên 45% vào năm 2013.
Một trong những tiến bộ đáng khích lệ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua nữa là, đã mở rộng các chương trình giảm thiểu hậu quả toàn diện, bao gồm Chương trình Bơm kim tiêm sạch (NSP), Chương trình Bao cao su (100% CUP) và liệu pháp duy trì bằng methadone (MMT) nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV giữa các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Chương trình toàn diện về bao cao su Quốc gia giai đoạn 2011-2020 yêu cầu tất cả các địa phương phân phối bao cao su miễn phí, đã giải quyết vần đề sụt giảm nguồn tài trợ bao cao su tại Việt Nam, đẩy mạnh tiếp thị xã hội về bao cao su và cải thiện các cơ chế đảm bảo chất lượng. Theo số liệu năm 2013, chỉ có 66,4% nam giới sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất với bạn tình là nam và 41,2% người tiêm chích ma túy cho biết có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần nhất.
Nhằm mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông (IEC) đã được các cơ quan có liên quan thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đã tổ chức truyền thông cho 5 triệu người, 13% trong số đó là nhóm có nguy cơ cao. Các hoạt động như triển lãm về sức khỏe sinh sản diễn ra trong sáu tháng đã thúc đẩy sự tham gia và nâng cao năng lực cho nhóm đối tượng thanh niên và vị thành niên. Kết quả từ nhiều khảo sát cho thấy giới trẻ trong độ tuổi 15-24 đang ngày càng có nhận thức đúng đắn về phương thức lây nhiễm HIV và nhận ra được các sai lầm phổ biến về lây nhiễm HIV.
Dịch vụ điều trị ARV tiếp tục được nhân rộng tại Việt Nam và được cung cấp ở 364 phòng khám ngoại trú, trong đó 56 phòng khám cung cấp dịch vụ trong điều kiện cách ly tính đến cuối năm 2013. Tỷ lệ duy trì ARV trong vòng 12 tháng sau điều trị đạt 84,6% (năm 2013). Tỷ lệ này ở mức ổn định trong những năm gần đây và đạt mục tiêu của WHO đề ra (trên 80%). Từ tháng 7/2012, Việt Nam đã thử nghiệm Phương pháp Điều trị 2.0 - đây là một sáng kiến phối hợp giữa WHO và UNAIDS nhằm thúc đẩy việc tiếp cận ARV sớm hơn, đồng thời tăng cường tính bền vững của việc điều trị HIV thông qua việc lồng ghép các dịch vụ liên quan vào hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ thông.
Nhờ triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong 5 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS đã được khống chế và từng bước được đẩy lùi, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 12.000 trường hợp dương tính HIV mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.
Thùy Chi
▪ Ký ức kinh hoàng nơi 'động quỷ' của cô gái Mông (31/03/2016)
▪ Hội nghị song phương Việt Nam - Thái Lan về Hợp tác phòng, chống ma túy lần thứ 10 (31/03/2016)
▪ Ngân hàng tinh trùng “đói” con giống, “chợ đen” nhộn nhịp (30/03/2016)
▪ AIDS LÀ GÌ? (30/03/2016)
▪ Bệnh viện kỷ luật, cắt thi đua điều dưỡng “nghịch điện thoại” trong giờ làm việc (30/03/2016)
▪ 9.920 trẻ em bị xâm hại: Phần lớn do bị dụ dỗ qua mạng xã hội (30/03/2016)
▪ Dự án VUSTA: Giúp những người dễ bị tổn thương “được sống là chính mình” (30/03/2016)
▪ Ứng dụng hẹn hò làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV (29/03/2016)
▪ Nơi khởi nguồn của đại dịch thế kỷ HIV - AIDS (29/03/2016)
▪ Yếu tố làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM (29/03/2016)