Pakistan: Phòng chống HIV phải theo phong tục
Các Website khác - 07/06/2005

Tại khu vực các dân tộc thiểu số thuộc quản lý của liên bang đang diễn ra các cuộc hội thảo nhằm tìm kiếm một phương thức hữu hiệu trong phòng chống và điều trị HIV/AIDS. Một trong những vấn đề được quan tâm chính là yêu cầu, bác sĩ bên cạnh chuyên môn lại cần phải am hiểu cả phong tục và tập quán của các dân tộc mới mong hoàn thành tốt công việc được.

Trong ngày bế mạc của cuộc hội thảo ba ngày tại Peshawar, người ta đã yêu cầu các bác sĩ khi làm nhiệm vụ chẩn đoán bệnh nhân HIV/AIDS ở khu vực dân tộc thiểu số thuộc quản lý của liên bang (Federally Administered Tribal Areas - FATA) phải chú ý tuân thủ những lề lối trong phong tục, tập quán của các dân tộc cư trú tại nơi này.

Trong quá trình chỉnh đốn một số hoạt động kiểm soát HIV/AIDS tại FATA, hàng loạt các cuộc hội thảo đã diễn ra tại ban giám đốc y tế của vùng này. Mục đích của chúng là nhằm đưa ra một số phương thức huấn luyện cho các nhân viên y tế được gửi tới công tác tại bảy đơn vị thuộc các vùng hẻo lánh.

Bác sĩ Iftikhar Ali, giám đốc điều hành chương trình quản lý đại dịch HIV/AIDS cho biết: "Việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết về HIV cho người thiểu số là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi tính bảo thủ cố hữu của người dân tộc. Tuy nhiên, với chúng tôi, sẽ không có gì là không thể".

Ông đề nghị các bác sĩ tiến hành việc xét nghiệm máu người hiến và yêu cầu họ đưa ra những hiểu biết thêm về căn bệnh thế kỷ, ngoài ra có cả kiến thức về sự nguy hiểm khi tái sử dụng ống chích cũng như quan hệ tình dục thiếu an toàn.

Ông Ali cho biết, hiện trong tổng số 3,5 triệu dân của vùng, FATA đang có khoảng 200 nạn nhân của HIV/AIDS. Ông nói: "Rõ ràng đây chỉ là phần nổi của một tảng băng mà thôi khi chúng ta biết rằng, rất nhiều người vẫn còn tỏ ra ngần ngại không đi xét nghiệm". Thực tế cho thấy những vấn đề này ở FATA chưa được quan tâm nhiều khi trách nhiệm bị "đổ diệt" cho những nhân viên y tế trong việc phải nâng cao nhận thức người dân về căn bệnh.

Các cuộc hội thảo về HIV/AIDS ở FATA sẽ còn diễn ra trong vòng hai tuần nữa. Trong đó, hội thảo khuyến khích các bác sĩ, nhân viên y tế nữ, các hộ lý và các quan chức có thẩm quyền trong lĩnh vực này nên quan tâm tới các phương pháp phòng tránh và chẩn đoán HIV/AIDS nhiều hơn. Ông Ali nói: "Chúng ta nên tập trung vào các biện pháp phòng tránh hơn là cứu chữa. Vì rõ ràng là cho tới nay vẫn chưa có liệu pháp điều trị nào dứt điểm cho HIV, cách duy nhất để ngăn chặn vẫn chính là tuyên truyền tới mọi người các biện pháp phòng tránh nó".

Vai trò của phụ nữ trong công cuộc phòng chống HIV ở FATA và các vùng biên giới (Frontier Regions – FRs) là rất quan trọng bởi theo ông Ali, họ là đối tượng dễ lây nhiễm hơn cả. Ông cho biết: "Hầu hết những người bị nhiễm HIV ở FATA đều đã bị trục xuất khỏi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các quốc gia khác". Tuy nhiên, vợ và con của những người này cũng đã bị nhiễm và vòng quay của căn bệnh lại tái diễn.

Ông Ali hiểu rằng, theo phong tục và tập quán của các dân tộc thiểu số, người dân không muốn đi điều trị bởi họ rất xấu hổ với bà con làng xóm nếu chẳng may bị mắc căn bệnh này.

Ông cho biết, để tiện lợi hơn trong chăm sóc sức khoẻ của người dân, chương trình do ông điều hành sẽ thiết lập các uỷ ban chăm sóc sức khoẻ ở từng làng, mỗi uỷ ban bao gồm những người dân tộc có tuổi và một bác sĩ. Những cơ sở này có trách nhiệm tư vấn thông tin cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao hơn cả như: lái xe, những kẻ hành nghề mại dâm và các con nghiện.

Theo thông tin từ ông Ali thì tại các phòng thí nghiệm trong các bệnh viện cơ sở sẽ có cung cấp dịch vụ chẩn đoán miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm HIV, viêm gan và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. Ông nói thêm: "Nếu bệnh nhân nào có kết quả xét nghiệm dương tính tại trạm y tế cơ sở sẽ được chuyển lên kiểm tra lại tại phòng xét nghiệm của bệnh viện trung ương Lady Reading để có thể kiểm tra thêm một lần nữa".

Sau khi hoàn tất quá trình chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được phép lựa chọn điều trị triệu chứng tại khu liên hợp y tế Hayatabad, ông Ali lưu ý rằng trong bất cứ trường hợp nào thì tên người bệnh cũng sẽ được giấu kín. Ông cũng kêu gọi những người dân tộc thiểu số hãy đến các trung tâm y tế để xét nghiệm và cũng bắt buộc các bác sĩ ở các trung tâm đó phải được huấn luyện tốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Dương Thị Kim Thoa dịch từ

http://www.dailytimes.com.pk/default.asp?page=story_6-6-2005_pg7_29