Sẽ có Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Báo Tiếng Chuông - 23/01/2018
Việc xây dựng mô hình Trung tâm can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh nằm trong Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” vừa được Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) khởi động.

Dự án với tổng ngân sách 2.560.000 USD, trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc sẽ được triển khai giai đoạn 2018 -2020.

 

Ảnh minh họa

 

Bên cạnh việc xây dựng Trung tâm, Dự án cũng hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bạo lực. Nâng cao nhận thức về ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng, nơi làm việc, tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế và xã hội thông qua các chiến dịch truyền thông.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2017, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân. Điều này khẳng định bình đẳng giới được quan tâm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiến pháp và các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình về bình đẳng giới đã được triển khai ngày càng có hiệu quả tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục.

Đặc biệt là việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Khoảng cách giới giữa nam và nữ ở Việt Nam ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận lớn của người dân. Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lưc đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp.

Việc khởi động dự án này là "điểm nhấn" trong quan hệ của Bộ LĐTB&XH, KOICA, UNFPA hướng đến mục tiêu chung: một xã hội không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nhật Thy