Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống HIV
Các Website khác - 17/06/2005

Được khám chữa bệnh miễn phí, có thuốc đề chữa bệnh, được tạo việc làm để có thu nhập - đó là kiến nghị của chị Đinh Thị Ngọc Anh, một bệnh nhân nhiễm HIV ở thành phố Hạ Long tại Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống AIDS" .

Hội thảo do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình phòng chống AIDS của Liên hợp quốc, Hội đồng các tổ chức hoạt động phòng chống HIV/AIDS khu vực châu Á và dự án Policy ở Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/6, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm xem xét vai trò và tiếng nói của cộng đồng, bao gồm cả nhóm người có HIV/AIDS, thảo luận vai trò của các cơ quan chính phủ, lãnh đạo địa phương, tổ chức quần chúng trong việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống AIDS; xem xét các cam kết quốc tế và khu vực và việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Quang Hải, trưởng phòng giám sát HIV/AIDS Bộ Y tế cho biết, tính tới 3/6/2005, cả nước có trên 95.000 nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 15000 người chuyển sang AIDS. Có khoảng 9000 người đã chết. Theo ông Hải, người nhiễm HIV ở độ tuổi 20-29 chiếm 55%, theo thời gian những người ở độ tuổi này nhiễm HIV ngày một tăng. Tỷ lệ gái mãi dâm nghiện chích, nhiễm HIV. Đa phần người nhiễm thuộc diện tiêm chích ma tuý và quan hệ với gái mãi dâm. Tỷ lệ phụ nữ có thai nhiễm HIV cũng ngày một tăng, hiện chiếm 0,35% trong tổng số phụ nữ có thai có xét nghiệm HIV.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, kinh phí, nhân lực và sự kỳ thị, phân biệt đối xử là những vấn đề cần phải giải quyết ngay trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Nguồn kinh phí hiện nay dành cho HIV/AIDS mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu đầu tư ở mức thấp và nhân lực phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, Việt Nam chưa ngăn chặn kịp với sự lây lan của dịch HIV và sự gia tăng của số lượng bệnh nhân AIDS. Sự phân biệt và kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vô hình tạo ra một rào cản cho sự tiếp cận của các chương trình can thiệp, các dịch vụ đối với người nhiễm HIV/AIDS và ngược lại.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục truyền thông phòng chống HIV/AIDS vẫn còn mang tính bề nổi và thời vụ, chưa tiếp cận được hết các vùng miền, chưa tiếp cận được nhiều với nhóm có nguy cơ cao là một trong những khó khăn chưa thực hiện được trong nhiều năm qua.

Để công tác phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả hơn, ngoài đề nghị Chính phủ xem xét tăng cường đầu tư ngân sách cho việc thực hiện 9 chương trình hành động của phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Uỷ Ban nhân dân các cấp đưa chương trình mục tiêu phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho việc thực hiện mục tiêu này và thực hiện chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Năm nay, chương trình cũng đưa ra chỉ tiêu phấn đấu ít nhất có 80% số dân ở thành thị, 60% số dân ở nông thôn hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, 80% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 90% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV, 90% trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc đặc hiệu.

Ngành y tế cũng kiến nghị Nhà nước cho phép thành lập Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tại các tỉnh thành, củng cố tổ chức phòng chống HIV/AIDS ở quận, huyện, xã phường; mở rộng cơ sở để thu nhận và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS và tăng cường đầu tư trang thiết bị và đào tạo cán bộ cho lĩnh vực này.

Năm qua, số người nhiễm HIV/AIDS được quản lý chiếm 60% số người nhiễm HIV/AIDS phát hiện được trong cả nước. Tại các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội, tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS đều được hỗ trợ tiền ăn, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội. 100% phụ nữ mang thai ở các cơ sở phụ sản lớn đã được xét nghiệm HIV và tất cả những phụ nữ có thai nhiễm HIV ở các cơ sở này đã được điều trị bằng thuốc chống HIV./.