Tái hiện không gian gia đình đầu thế kỷ 20
Tại 87 Mã Mây, không gian một gia đình trung lưu Hà Nội đầu thế kỷ 20 được tái hiện đã thu hút rất nhiều du khách tới thăm. Hơn 10 diễn viên Nhà hát cải lương Hà Nội nhập vai trong ngôi nhà tam đại đồng đường.
Phòng chính bày sập gụ, tủ chè, điếu bát, ấm chén Bát Tràng.. nơi ông bà đón tiếp khách tới thăm, mời trà, bình thơ, đánh cờ, nghe ca trù. Con cháu khoanh tay chào khách, giúp ông bà châm trà. Tầng trên, bố mẹ thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Gian bếp, người giúp việc đang làm cơm cho cả nhà và khách khứa.
Ngoài cổng, trên vỉa hè, một thầy đồ đang viết chữ Nho và bày bán câu đối Tết. Trong góc nhà cũng dành một phòng riêng cho các cô thợ thêu trình diễn đường kim điêu luyện...
Ít nhất, Hà Nội đã ba lần tái dựng cảnh sinh hoạt gia đình thi thư trong những dịp kỷ niệm lớn, và lần nào cũng đông khách tham quan.
Ông Nguyễn Văn Trực-Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Đoàn chúng tôi từng diễn màn này ở Tràng Tiền, đông khách lắm nhưng ngôi nhà 87 Mã Mây mới thực sự là không gian cổ xưa phù hợp cho gia đình thi thư”.
Ngoài chương trình tại đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội có buổi diễn tại sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng những màn thời trang dân tộc, ca nhạc truyền thống và trống hội Thăng Long.
Và sống lại những trò chơi cũ, những hình ảnh xa xưa
Không gian ngõ phố điểm xuyết những mái ngói rêu phong thi thoảng còn sót lại chợt sáng bừng lộng lẫy với những trò chơi xưa cũ như huyền thoại: Chỗ này chơi ô ăn quan, đám kia tụ tập nhảy ngựa, bịt mắt bắt dê. Lũ bé gái thi rải ranh, đánh chuyền đánh chắt, bọn con trai cùng lứa chơi trò mèo đuổi chuột vv...Tiếng trống ếch hoà cùng tiếng đàn bầu, đàn nhị réo rắt, giục giã cả người chơi lẫn người xem. Phục trang giả cổ, gái mặc áo mớ bảy mớ ba, áo tứ thân tha thướt bay bướm, cổ đeo kiềng, tay mền như vũ công.
Nếu ai đã yêu Hà Nội đến mức thương nhớ từng nét riêng, chỉ Hà Nội mới có thì sẽ rất sung sướng khi được thấy lại những gánh hàng hoa bán dạo: hoa tươi giản dị mộc mạc được các thiếu nữ, các chị gánh đi bán rong khắp phố phường.
Mạch văn hoá gánh hàng hoa tươi thắm ấy cho đến bây giờ vẫn còn tuy đã bị dạt về ngoại biên phố cổ và đã bị biến tướng đôi chút: xe đạp chở hoa bán rong lúc trời xâm xẩm tối dọc đường Quán Thánh, Hoàng Văn Thụ, Đặng Dung, Đặng Tất…
Hôm qua, 30-11 cũng được chọn là ngày tôn vinh áo dài Hà Nội qua các thời kỳ. Áo dài xuất hiện từ thế kỷ 17, điều này được khẳng định nhờ phát hiện về trang phục trên bức tượng Ngọc nữ (chùa Dâu-Bắc Ninh).
Từ chiếc áo phức tạp với nhiều dải hình cánh sen phụ nữ thường mặc kèm với khăn quấn đầu, tới tà áo vừa mong manh vừa nền nã như ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi cách tân, trong đó phải kể đến thiết kế của một nhà tạo mẫu nổi tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Theo Ban tổ chức, “ở khu 36 phố phường Hà Nội xưa, mỗi khi ra phố đi làm, đi chợ, hay bán hàng hoặc đi chơi, tham gia văn nghệ, đến rạp thưởng thức nghệ thuật..., người phụ nữ thường mặc áo dài.
Tùy theo từng mùa, từng lứa tuổi để chọn kiểu mẫu, chất liệu vải và màu sắc thích hợp, nhưng đa phần chị em đều chọn màu sáng trang nhã với kiểu dáng ôm sát lưng eo và rộng rãi hơn một chút đối với người lớn tuổi. Mặc áo dài trong sinh hoạt thường nhật trở thành nếp quen của người phụ nữ Hà Nội xưa”.
Hình ảnh những thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài và gánh hàng hoa một thuở. Hàng ngàn người dân thủ đô và du khách quốc tế đã trầm trồ ngạc nhiên trước những nét văn hoá độc đáo, xưa cũ của đất Hà thành ngàn năm văn hiến. Có thể nói chưa có lễ hội dân gian nào hội tụ được nhiều nét văn hóa cổ xưa như lần này.
Cụ Nguyễn Thị Hồng dù đã 84 tuổi nhưng vẫn hòa mình vào đoàn người đang diễu hành từ Đồng Xuân đến Hàng Đào xúc động:
“Phố cổ như sống lại nét sinh hoạt ngày xưa. Ngày hội đã khiến tôi nhớ lại cái thuở 36 phố phường còn mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất sầm uất, nhộn nhịp. Những trò chơi dân gian mà ngày nay các cháu thiếu nhi không mấy biết đến được tái hiện rất rõ ràng, sống động qua những câu đồng dao, những trò bịt mắt bắt dê... Càng thấy Hà Nội đẹp lắm, thơ mộng, hào hoa lắm!”.
Lang thang gần hết ngày trên tuyến phố cổ Đồng Xuân, Hàng Đào, chị Marrigan đến từ Mỹ đã chụp hàng trăm bức ảnh. Từ ảnh cô hàng hoa duyên dáng quẩy theo mình cả một gánh màu sắc sống động rực rỡ, đến bà cụ bên thềm cửa vừa têm trầu vừa hát những câu ca trù tinh tế và mượt mà.
Chị bày tỏ: “Tôi cứ ngỡ như có cả một làng quê yên bình, cổ kính và giàu truyền thống giữa lòng Hà Nội. Nếu không được chứng kiến chắc khó có thể tin Hà Nội lại có thể đã và đang có khung cảnh thanh bình và giàu có đến thế. Tôi đã có được những bức ảnh thật quý giá”.
Trong số những vị khách mời danh dự đến xem “Ngày hội văn hóa phố cổ”, ngài thị trưởng thành phố Toulouse bày tỏ sự ngạc nhiên: “Không gian sinh hoạt, văn hóa của người Hà Nội được tái hiện trong chương trình đã cho chúng tôi thấy đất nước các bạn thật tuyệt vời. Những giá trị văn hóa đó chính là những tài sản quí báu cần phải được bảo tồn cẩn thận. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp các bạn thực hiện điều này”.
Tổng hợp
|