Hiện đại và truyền thống
Các Website khác - 28/11/2005
Ngày nay, thời trang của các nước châu Á ngày càng được quan tâm bởi sự đột phá hiện đại về phong cách và chất liệu, trên nền tảng giữ được những nét truyền thống mang tính văn hóa rất Á Đông riêng biệt của mình (các thiết kế chú ý đến tiểu tiết như hoa văn, chất liệu hay thực hiện bằng phương pháp thủ công).

Và không ít nhà kinh doanh hàng thời trang thiết kế cao cấp của châu Á đã thành công khi tiếp cận các thị trường ngoài khu vực. Một trong những tiêu điểm của thời trang thế giới năm nay là Tuần lễ thời trang châu Á – Asia Fashion Week 2006 (AFW) - được tổ chức từ ngày 8 đến 10-11-2005 tại Hall 2B, Trung tâm Triển lãm quốc tế Singapore (Singapore EXPO).

Được tham dự tuần lễ thời trang này, chúng tôi thấy Asia Fashion Week thực sự là một diễn đàn dành cho các nhà thiết kế thời trang trong khu vực, đặc biệt là các nhà thiết kế trẻ trình làng những bộ sưu tập mới nhất của mình, là cầu nối thắt chặt hơn mối quan hệ giữa hai cộng đồng thời trang phương Đông và phương Tây.

Ảnh 1, 2: Thời trang Singapore khá hiện đại nhưng vẫn trên nền tảng văn hóa Á Đông

Hơn 90 nhãn hiệu tham gia AFW 2006 đến từ các nước được coi là trung tâm thời trang mới của châu Á như: Thái Lan, Hồng Kông và Hàn Quốc, bên cạnh đó là các nhãn hiệu đến từ Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Úc, các nước châu Âu và cả châu Phi. Tại triển lãm, người tham quan còn được thưởng thức 40 bộ sưu tập xuân – hè 2006 rất đa dạng trong phong cách và chất liệu của các nhà thiết kế đến từ 18 nước.

Ảnh 3, 4, 5: Thời trang Malaysia, trên nền vải batik và hoa văn dân tộc

Quan sát các mẫu hàng, chúng tôi thấy bên cạnh các chất liệu mới cao cấp (nhờ những đột phá trong ngành dệt, nhuộm, xử lý vải, hoa văn thiết kế, các phụ liệu đính kèm,... ), các nhà thiết kế tỏ ra rất ưu ái với chất liệu truyền thống như vải batik (một dạng thổ cẩm của Malaysia) nhìn rất hiện đại, đầy màu sắc; sự ứng dụng khéo léo những hoa văn truyền thống trên nền vải lụa của Hàn Quốc, những thiết kế đặc sắc dành cho kỹ thuật thêu đốt trên vải chiffon thật mỏng, các mẫu kết cườm bằng tay tinh xảo và độc đáo.

Các nhà thiết kế cũng rất lưu ý đến tính ứng dụng rộng rãi của sản phẩm, kỹ thuật cắt may và kiểu dáng sản phẩm nên đã tạo ra những trang phục thực sự cao cấp, đáp ứng được nhu cầu cho những khách hàng sành điệu nhất.

Ảnh 6, 7: Thời trang của Hàn Quốc, đơn giản và hiện đại, trên nền hoa văn của dân tộc Hàn
Ảnh 6, 7: Thời trang của Hàn Quốc, đơn giản và hiện đại, trên nền hoa văn của dân tộc Hàn

Không chỉ về chất liệu, các mẫu thiết kế này cũng thể hiện những nét đặc biệt trong trang phục truyền thống như khăn choàng đầu của phụ nữ Hồi giáo Malaysia, sari của Ấn Độ. Xem những show này, đoàn Việt Nam chúng tôi tin rằng những bộ sưu tập áo dài và trang phục hiện đại trên nền lụa lãnh Mỹ A của nhà thiết kế Võ Việt Chung, hay những mẫu với họa tiết đặc sắc của nhà thiết kế Minh Hạnh hoàn toàn có thể chinh phục thị trường thời trang khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp trong hoạt động marketing, thiếu cơ hội cọ xát, chia sẻ kinh nghiệm tham gia những cuộc chơi lớn trong khu vực hay thế giới về lĩnh vực kinh doanh hàng thời trang. Hy vọng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có một chiến dịch tổng thể cho việc tiếp thị hàng thời trang cao cấp, để có thể chia phần trong “miếng bánh” 300 tỉ USD hằng năm của thế giới về lĩnh vực này.

TRẦN HOÀNG PHÚ XUÂN