Doanh nghiệp, điện ảnh tìm tiếng nói chung
Các Website khác - 25/11/2005

Hàng loạt bộ phim đã ra đời trong mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và điện ảnh. Nhưng đằng sau quan hệ này vẫn còn nhiều vấn đề “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng”. VnExpress có cuộc trao đổi với đạo diễn Đào Duy Phúc và ông Nguyễn Thanh Thảo - đại diện Công ty Thời trang Việt.

- Nino Maxx đã tài trợ toàn bộ trang phục cho bộ phim "Chiến dịch trái tim bên phải" của đạo diễn Đào Duy Phúc, mối “lương duyên” này đã được bắt đầu như thế nào?

Đạo diễn Đào Duy Phúc.
Đạo diễn Đào Duy Phúc.

- Đạo diễn Đào Duy Phúc: Ngay trong quá trình hoàn tất kịch bản, tôi và biên kịch Hoàng Anh Tú đã muốn Chiến dịch trái tim bên phải có được phần phục trang đẹp, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi “teen”. Khi vào Sài Gòn tuyển diễn viên, tôi đã “tự thân vận động” cầm đề cương kịch bản đi gặp các hãng thời trang thuyết phục họ tài trợ trang phục cho phim. Ở các nước trên thế giới, người ta thường có những công ty đứng ra phụ trách riêng về vấn đề quảng cáo trên phim, hoặc ở mỗi hãng phim đều có bộ phận chuyên trách kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác làm phim rất chuyên nghiệp. Ở ta, các đạo diễn thường phải tự đi mời, hoặc là nhờ các mối quan hệ…

- Ông Nguyễn Thanh Thảo: Chúng tôi cộng tác do có mối quan hệ, sự hợp tác tốt từ trước với đơn vị sản xuất phim. Ở trong Nam, chúng tôi tài trợ cho phim truyền hình Dốc tình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, và ngoài Bắc là Chiến dịch trái tim bên phải. Sự hợp tác dựa trên sự tin cậy chứ không có bất kỳ hợp đồng nào cả.

- Các anh - những người trong cuộc - nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ này?

- Đào Duy Phúc: Cộng tác với doanh nghiệp làm phim là một xu hướng tất yếu. Thế giới người ta đã làm từ rất lâu rồi. Có các doanh nghiệp tài trợ, chúng tôi có thêm kinh phí làm phim. Phần sản xuất phim được đầu tư hơn, kỹ hơn, ví dụ như khi được Nino Maxx tài trợ trang phục cho Chiến dịch trái tim bên phải, tôi đỡ một mối lo về phục trang và tập trung vào làm phim. Trong bộ phim mới tôi đang làm cho Hãng phim Thiên Ngân là 2 trong 1 cũng có một nhà thiết kế đứng ra lo trang phục riêng cho các nhân vật chính.

Ông Nguyễn Thanh Thảo.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - đại diện Công ty Thời trang Việt khu vực phía Bắc.

- Nguyễn Thanh Thảo: Đó là một chiến dịch quảng cáo của chúng tôi. Điều hấp dẫn chúng tôi nhất khi quyết định tài trợ trang phục cho phim là các đài truyền hình đang dành “giờ vàng” cho phim Việt Nam phát sóng. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, quảng cáo trên thông tin đại chúng đã quá nhiều. Người tiêu dùng dường như đang bị rối thông tin trong quảng cáo. Chúng tôi thấy quảng cáo trên phim là một cách mới, một con đường mới trong quá trình phát triển thương hiệu của mình. Hình thức này ở Việt Nam còn mới mẻ nhưng trên thế giới đã trở nên phổ biến. Chúng tôi làm hoàn toàn với mong muốn đưa sản phẩm và thương hiệu Nino Maxx ngày càng gần gũi hơn với người tiêu dùng.

- Sau khi bộ phim Hàn Quốc "Ngôi nhà hạnh phúc" lên sóng, khán giả đổ xô mặc thời trang theo nhân vật chính, dùng điện thoại đời mới của Samsung, thậm chí kiểu tóc, màu son của nhân vật cũng được “đời sống hoá”. Với "Chiến dịch trái tim bên phải", hiệu ứng quảng cáo với sản phẩm Nino Maxx như thế nào?

- Đào Duy Phúc: Có thông tin rằng thời gian làm phim lâu nên khi phim ra mắt thì sản phẩm đã… cũ. Thực ra ngay từ khi được nhận tài trợ, suốt quá trình quay phim, làm hậu kỳ đến lúc tung chiến dịch quảng cáo cho phim khi ra rạp chúng tôi đều có nhắc đến tên của Nino Maxx. Còn về thời gian làm phim thì quả thực ở thời điểm đó là… bất khả kháng. Đoàn làm phim cộng tác với các em học sinh đúng vào thời điểm các em thi học kỳ. Đoàn không thể đứng ra xin nghỉ học cho tám em ở tám trường khác nhau được! Cộng với điều kiện thời tiết mưa rét khắc nghiệt… Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau. Sẽ phải có sự điều chỉnh, tính toán về thời gian.

- Nguyễn Thanh Thảo: Nói khách hàng đến đông hơn cũng không phải, mà không đến cũng không đúng. Nino Maxx đã có thương hiệu riêng, nên việc sau khi phim phát sóng và công chiếu, khách hàng có đến đông hơn hay ít đi với Nino Maxx thì… chưa rõ rệt. Nhưng đúng là có chuyện khi quay phim, chúng tôi sắp xếp đưa ra bộ sưu tập mới nhất - không ngờ thời gian quay diễn ra quá lâu, cho đến khi bộ phim hoàn tất và phát sóng (Dốc tình), công chiếu (Chiến dịch trái tim bên phải) thì tất cả các mẫu đã qua vòng đời sản phẩm. Do vậy, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau!

- Có nhiều ý kiến cho rằng phần quảng cáo trên phim của chúng ta còn… thô, còn lộ, ý tưởng chưa được nhuyễn - sản phẩm đưa vào phim là biết ngay... quảng cáo. Các anh nghĩ sao?

- Đào Duy Phúc: Tôi nghĩ có phim lộ, có phim không. Như Nino Maxx trong Chiến dịch trái tim bên phải chẳng hạn, có gì là lộ đâu? Một nhóm học sinh ăn mặc rất trẻ trung, hiện đại, hợp với nội dung phim! Đưa một sản phẩm quảng cáo vào phim cho thật “nhuyễn”, cho thật “ngọt” là chuyện không đơn giản. (Các phim quảng cáo bây giờ làm còn chưa “ngọt” huống hồ phim truyện chúng tôi!). Sản phẩm quảng cáo ấy phải tham gia vào kịch bản, phải có ý nghĩa với cuộc sống của nhân vật. Bản thân tôi nếu làm phim có sự xuất hiện của một sản phẩm quảng cáo, tôi nghĩ hoàn toàn có thể xử lý được.

- Nguyễn Thanh Thảo: Như chúng ta đã nói hình thức tài trợ, quảng cáo trên phim ở Việt Nam vẫn còn là một điều mới mẻ nên không thể tránh khỏi những sơ suất trong quá trình cộng tác giữa doanh nghiệp và người làm phim. Do vậy chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và hết sức khắc phục cho những lần sau. Tôi nghĩ chúng ta chỉ mới bắt đầu, đây là lần đầu tiên Nino Maxx tham gia tài trợ trang phục cho các bộ phim. Cái gì cũng phải dần dần đi lên, từ khó khăn nhiều đến khó khăn ít, từ không chuyên nghiệp tới chuyên nghiệp hơn.

Poster phim
Poster phim "Chiến dịch trái tim bên phải".

- Vậy theo các anh, với điều kiện như thế nào thì doanh nghiệp kết hợp điện ảnh sẽ tạo ra lợi nhuận?

- Đào Duy Phúc: Các doanh nghiệp và các nhà làm phim ngồi lại với nhau, tính toán thật kỹ lưỡng về tất cả các điều kiện sản xuất phim, kịch bản, diễn viên, thời gian... Hiện nay, theo tôi được biết chỉ có các hãng phim tư nhân mới có bộ phận PR liên hệ với các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho phim. Tôi nghĩ, các hãng phim nhà nước cũng nên phát triển bộ phận này. Nhất là khi các phim làm theo chỉ tiêu tài trợ của nhà nước chỉ có 70% vốn. Kêu gọi doanh nghiệp tài trợ sẽ có thêm điều kiện để làm phim tốt hơn, vậy tại sao không? Điều quan trọng với điện ảnh bây giờ là sản xuất ra những bộ phim hay, hấp dẫn để kéo khán giả tới rạp, thế hệ các đạo diễn trẻ chúng tôi như Vũ Ngọc Đãng, Bùi Tuấn Dũng, Bảo Trung… đang cố gắng phấn đấu cho điều quan trọng ấy bằng tâm huyết của mình.

- Nguyễn Thanh Thảo: Chúng tôi không phải là những doanh nghiệp góp vốn làm phim nên mục đích chúng tôi không phải là lợi nhuận. Điều mà chúng tôi mong muốn, quan tâm nhất là mọi người biết đến thương hiệu của chúng tôi nhiều hơn. Nếu có một phim mới mà kịch bản tốt, dành cho giới trẻ, có tính thời trang cộng thêm dàn diễn viên trẻ đẹp nữa thì Nino Maxx sẵn sàng tham gia tài trợ. Nhưng, sẽ phải có điều kiện và sự tính toán rất kỹ về thời gian, từ khi quay phim đến khi công chiếu phù hợp với thời gian chúng tôi quảng bá sản phẩm mới. Tức là phải nhanh, chứ không thể xảy ra tình trạng như các phim vừa rồi.

Hiền Hương thực hiện