Hơn nửa thập kỉ qua, làn sóng Hàn Quốc gần như độc chiếm thị hiếu giới trẻ Trung Quốc cũng như rất nhiều quốc gia Châu Á khác từ kiểu tóc, âm nhạc đến phim ảnh.
Khách hàng tấp nập tại các cửa hàng tầng thượng Trung tâm mua sắm Tây Đan |
Khu vực hàng hiệu trên tầng thượng Trung tâm mua sắm Tây Đan tập trung hàng loạt các cửa hàng nhỏ bày bán quần áo hip-hop, phim ảnh, băng đĩa nhạc, mỹ phẩm, đồ trang sức và các sản phẩm khác mang phong cách Hàn Quốc.
Những khách hàng Trung Quốc trẻ tuổi đang tấp nập mua sắm tại các cửa hàng dường như không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ thật sự của các mặt hàng này.
Vương Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty Mỹ chi nhánh Bắc Kinh khẳng định : "Chúng tôi biết phần lớn các sản phẩm được bày bán ở đây do các nhà máy của Trung Quốc sản xuất. Nhưng đối với đa số các bạn trẻ, cái mác Hàn Quốc là nhãn hiệu của thời trang và sành điệu. Vì vậy không thể trách tại sao lại có lắm cơ sở sản xuất hàng nhái Hàn Quốc."
Sự xâm lấn của làn sóng Hàn Quốc
Hơn nửa thập kỉ qua, làn sóng Hàn Quốc gần như độc chiếm thị hiếu giới trẻ Trung Hoa đại lục cũng như rất nhiều quốc gia Châu Á khác từ kiểu tóc, âm nhạc đến phim ảnh.
Trong trào lưu tấn công ào ạt của văn hoá Pop Hàn Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi bộ phim truyền hình "Báu vật hoàng cung" (kể về một đầu bếp hoàng gia) lại có mức khán giả theo dõi cao kỉ lục khắp Châu Á và Bi Rain, nam ca sĩ 23 tuổi đến từ Seoul lại thu hút đến 40.000 fan hâm mộ đến xem liveshow của mình tại sân vận động đã chật cứng chỗ.
Một buổi biểu diễn của Bi Rain tại sân vận động thu hút đến 40.000 fan hâm mộ |
Tuy nhiên sức mạnh Hàn Quốc không chỉ dừng ở đó mà còn với cánh tay tham lam tới cả những lĩnh vực vật chất, tinh thần mang tính xã hội rộng lớn. Điện thoại di động và ti vi màn hình phẳng Samsung đã trở thành những mặt hàng ưa chuộng của người Trung Quốc. Thiên chúa giáo, dưới dạng kinh Phúc âm được các giáo sĩ gốc Hàn truyền bá vào Trung Quốc đã khiến rất nhiều người dân đại lục cải đạo mặc chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế sự lan rộng của tôn giáo này.
Và ngay trên mảnh đất đại lục, hằng đêm tại một trung tâm điện tử, giới trẻ Trung Quốc bị cuốn hút vào những trò chơi trực tuyến của Hàn Quốc. Cyworld, công ty cung cấp dịch vụ cộng đồng mạng lớn thứ hai tại Hàn Quốc đã chính thức nhảy vào thị trường đại lục và người ta có thể dễ dàng nhận ra điều này thông qua các áp phích quảng cáo giăng đầy trên xe buýt.
Xu thế này khiến các nhà quản lí văn hoá tại Trung Quốc phải lên tiếng kêu cứu về một cuộc xâm lấn như vũ bão của văn hoá Hàn.
Nhiều học giả thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc chính là "bộ lọc" các giá trị Phương Tây, khiến chúng trở nên dễ chấp nhận và gần gũi hơn với dân Châu Á nói chung và dân Trung Quốc nói riêng.
Pha trộn và bản sắc
Ngày nay, tại Trung Quốc, các nhóm truyền giáo của Hàn Quốc đã truyền bá Công giáo với sắc diện đậm chất Châu Á. Phim ảnh Hàn Quốc về giới trí thức thành thị Seoul mặc dù không mang chủ ý chính trị nhưng vẫn giới thiệu về hình mẫu của những mảnh đời hiện đại xoay quanh hạnh phúc cá nhân và chủ nghĩa tiêu xài phức tạp.
Điện thoại di động Samsung đã trở thành những mặt hàng ưa chuộng của người Trung Quốc |
"3 chàng trai và 3 cô gái" và "Ba người bạn" là những phiên bản Hàn Quốc của loạt phim truyền hình Mỹ "Những người bạn" (đã từng được trình chiếu ở Việt Nam). Chị em sinh đôi với "Thành phố và tình dục" của điện ảnh Mỹ, "Cưới xin kiểu mẫu"- loạt phim sitcom về 3 phụ nữ Seoul, trí thức, độc thân tuổi 30 đang tìm kiếm người trong mộng - được hâm mộ ở đại lục đến mức người dân nơi đây luôn săn tìm mua bằng được băng đĩa in sao lậu bộ phim.
Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lí do tạo nên sức hấp dẫn cho các ấn phẩm này là chúng vẫn phản ánh được những giá trị Khổng giáo bám rễ lâu đời, tồn tại trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Chúng đem đến cho người dân Trung Quốc một sự gợi nhớ về những gì đã mất trong cuộc cách mạng văn hoá và là ví dụ về một quốc gia Châu Á đã hiện đại hoá nhưng vẫn bảo tồn được truyền thống văn hoá.
"Chúng tôi cảm nhận được phong cách sống hiện đại từ các bộ phim kiểu này," cô Qu Yuan, 23 tuổi, sinh viên ĐH Thanh Hoa nói, "Điện ảnh Mỹ cũng giới thiệu đến khán giả những lối sống gần như vậy bởi quốc gia này và Hàn Quốc có hệ thống chính trị và nền kinh tế tương tự nhau. Họ đều có nhiều bạn bè và thường đi quán bar. Họ cũng sở hữu những chiếc điện thoại di động cao cấp, ô tô đắt tiền và sống một cuộc sống vô cùng thoải mái, sung túc. Nhưng nói chung, phong cách sống Hàn Quốc dễ chấp nhận hơn vì nền văn hoá của họ gần gũi chúng tôi hơn. Chúng tôi cảm thấy mình có thể giống họ trong một vài năm nữa".
Huo Kan, 23 tuổi, bạn của Qu khẳng định : "Lối sống Mỹ quá hiện đại và hơi xa lạ với truyền thống Phương Đông."
Jin Yaxi, 25 tuổi, cử nhân ĐH Bắc Kinh, thông thạo hai ngoại ngữ Hàn - Nhật cho biết : "Chúng tôi thích văn hoá Mỹ nhưng không thể tiếp nhận một cách trực tiếp. Không giống văn hoá Nhật, việc tiếp cận văn hoá Hàn không gặp bất cứ trở ngại nào bởi không hề có xung đột lớn nào trong lịch sử mối quan hệ Trung - Hàn. Nếu chúng tôi tỏ ra yêu thích văn hoá Nhật thì bố mẹ sẽ nổi giận."
Các thông điệp về sự nổi loạn, băn khoăn, lo lắng của trẻ vị thành niên và tự do theo phong cách hip-hop kiểu Mỹ trở nên dễ chấp nhận hơn dưới hình ảnh đã được Hàn hoá.
Giới trẻ đại lục luôn mơ ước một cuộc sống kiểu Mỹ đã Hàn hoá như trong các bộ phim "made in Korea" |
Kwon Ki Joon, 22 tuổi, công dân Hàn Quốc đã tốt nghiệp cấp 3 ở đại lục và đang học ĐH Bắc Kinh cho biết đa số các bạn học đồng giới của cậu đều thần tượng ban nhạc hip-hop H.O.T của Hàn Quốc. Lời bài hát rất được ưa chuộng "Chúng ta là tương lai" của H.O.T có đoạn "Chúng ta vẫn bị che khuất bởi cái bóng của người lớn/Vẫn không được tự do/Sống qua ngày với đủ mọi phiền toái thật là đáng chán."
Đối với Kwon, sự lôi cuốn của ban nhạc trên chẳng có gì là khó giải thích : "Âm nhạc của H.O.T thể hiện sự nổi loạn và ước muốn về một thế giới cởi mở hơn."
Câu chuyện về sự vươn lên ngoạn mục
Đối với một đất nước đã từng phải chịu ảnh hưởng của các nền văn hoá ngoại lai đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kì thì Hàn Quốc là một ví dụ tiêu biểu của sự thành công khi lật ngược tình thế, đóng vai trò của người xuất khẩu ảnh hưởng.
Sự chuyển đổi này bắt đầu từ quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20, nới lỏng hạn chế cải cách trong nước. Cùng với sự chín muồi về cải cách dân chủ và nền kinh tế khoảng gần một thập kỉ trở lại đây, ảnh hưởng của quốc gia này lên phần còn lại của Châu Á cũng không ngừng tăng lên.
Trong lịch sử, Thiên Chúa giáo chẳng có mấy cơ hội được du nhập vào Đông Á trừ Hàn Quốc, đất nước chỉ có tổng số dân bằng 1/3 Trung Hoa đại lục và có hoạt động của các nhóm truyền đạo ở nước ngoài đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Có khoảng 1.500 người Hàn Quốc đang truyền bá kinh Phúc âm (thường là một cách bí mật) ở Trung Quốc |
Cũng như rất nhiều người đồng bào khác, Oh Dong Suk - nhà đầu tư phát triển các trò chơi trực tuyến qua mạng 40 tuổi tin tưởng rằng nền văn hoá Hàn Quốc ngày nay là sản phẩm của quá trình dân chủ hoá đất nước.
Ông Oh nói : "Nếu bạn xem phim ảnh Hàn Quốc thập kỉ 70, 80 bạn có thể cảm nhận xã hội ở đó rất bó buộc."
Hwang In Choul, 35 tuổi, một người truyền giáo tại Bắc Kinh cũng thừa nhận mối liên hệ trực tiếp giữa quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc với ảnh hưởng của đất nước này ở Trung Quốc.
Sau khi lệnh cấm giao lưu với bên ngoài của Hàn Quốc được dỡ bỏ cuối thập kỉ 80, số người Hàn Quốc tham gia truyền giáo đã tăng từ vài trăm người lên 14.000 người.
Ông Hwang là một trong số 1.500 giáo sĩ đang truyền bá kinh Phúc âm (thường là một cách bí mật) ở Trung Quốc. Tính từ năm 2000, ông đã đào tạo được 50 mục sư Trung Quốc mới nhập đạo.
"Trước kia, theo luật giới nghiêm, chúng tôi không được rời khỏi Hàn Quốc và thậm chí hoạt động trong nước cũng bị kiểm soát. Chúng tôi có khát vọng nhưng không được thể hiện nó." ông Hwang ngậm ngùi nhớ lại.
Cho đến tận khi Hàn Quốc-Trung Quốc, 2 kẻ thù trong chiến tranh Triều Tiên bình thường hoá quan hệ năm 1992, CHDCNH Triều Tiên vẫn còn có ảnh hưởng lớn đến đại lục với sự có mặt của đại sứ quán, nhiều nhà hàng và cửa hiệu. Tại thời điểm đó, nhiều người vẫn còn ít biết hay thậm chí mù tịt về Hàn Quốc.
Ohn Dae Sung - quản lí nhà hàng Suboksung, người đã lập nghiệp ở Bắc Kinh từ năm 1993 kể lại : "Nếu một cái ti vi Nhật ngừng hoạt động, người Trung Quốc sẽ cho rằng đó là trục trặc đường dây điện. Còn nếu một cái ti vi mác Hàn Quốc ngừng hoạt động họ sẽ nói đó là lỗi của nhà sản xuất."
Dấu ấn Hàn Quốc thảng hoặc xuất hiện trong tâm trí người Trung Quốc nhờ một số sự kiện như Olympic Seoul năm 1988.
Một góc phố Seoul ngày nay khiến người ta lầm tưởng là đang ở Châu Âu |
Vị tổng thống dân sự đầu tiên của Hàn Quốc thắng cử năm 1992, chấm dứt gần 32 năm các thế lực quân đội cầm quyền, tạo nên những chuyển biến to lớn trên toàn lãnh thổ.
Một nước Đại Hàn dân quốc mới đầy tự tin đã thực thi những chính sách ngoại giao ngày càng độc lập, hạn chế áp lực từ phía Washington, xích lại gần Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Những chuyển biến xã hội mà một số quốc gia khác phải tiến hành trong vài thập kỉ thì Hàn Quốc chỉ mất có vài năm.
Thương hiệu của thành công
Diện mạo mới và làn sóng văn hóa đã góp phần thúc đẩy việc kinh doanh thương hiệu Hàn.
Trả lời phỏng vấn báo giới tại trụ sở mới khánh thành trị giá 400 triệu đô la Mỹ, Jim Sohn, giám đốc điều hành chi nhánh LG Electronics tại Trung Quốc khẳng định : "Tôi chắc chắn là có một sự liên hệ giữa cái tên Hàn Quốc và sự thành công của chúng tôi."
Các xe Hyundai Elantra đã được chọn làm xe taxi phục vụ thế vận hội Bắc Kinh 2008 |
Một công ty khác cũng hưởng lợi từ ảnh hưởng tích cực của làn sóng Hàn Quốc là Hyundai. Um Kwang Heum, trưởng đại diện chi nhánh công ty tại đại lục thừa nhận mặc dù là kẻ đến sau nhưng Hyundai đã kí kết một hợp đồng liên doanh với Hiệp hội sản xuất ô tô Bắc Kinh năm 2002. Cho đến nay, công ty đã trở thành nhà sản xuất ô tô có doanh thu đứng thứ hai tại thị trường đại lục.
Với sự giúp đỡ của đối tác địa phương, chính quyền Bắc Kinh đã chọn Hyundai là hãng cung cấp ô tô thay thế hệ thống xe taxi đã quá cũ kĩ trước thềm thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.
Tuy nhiên thực sự người Trung Quốc không bao giờ mong muốn những cải cách dân chủ cũng như làn sóng văn hóa Hàn Quốc mới sẽ lũng đoạn đời sống xã hội nước này như ở Seoul.
Năm 2004, một công ty sản xuất truyền hình Bắc Kinh đã từng đề xuất 10 lần phát sóng một chương trình tiếng Hàn dành cho người lớn nhưng đều bị các cơ quan chức năng Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ với những lí do không được công bố rộng rãi. Dẫu vậy, cuối cùng công ty này cũng được cho phép dựng loạt phim hoạt hình mang tựa đề "Sự bắt chước vui nhộn các mẫu câu Hàn Quốc.
Giám đốc sản xuất nội dung Sun Hogan cho biết : "Chương trình sẽ được phát sóng chừng nào nó còn dành riêng cho trẻ em. Chắc chắn chính phủ Trung Quốc đang khá lo ngại trước sự xâm lấn mạnh mẽ của làn sóng Hàn Quốc."
Thanh Bình (Tổng hợp)
▪ Quỳnh Thy luôn làm mới bản thân (08/01/2006)
▪ Chương trình "Ánh trăng tân cổ nhạc" (09/01/2006)
▪ Làn sóng Hàn quét qua Trung Quốc (06/01/2006)
▪ VTV với game show và phim truyện Việt (05/01/2006)
▪ Lindsay Lohan từng hít ma túy (06/01/2006)
▪ Khi ca sĩ nhảy vào điện ảnh (01/01/2006)
▪ Nỗi niềm người mẫu chuyển 'sân' (30/12/2005)
▪ Eva Herzigova muốn làm đạo diễn (30/12/2005)
▪ Dương Yến Ngọc sẽ tự rút lui nếu hát không thành công (29/12/2005)
▪ Mốt chơi hàng điệu biết nói (26/12/2005)