Làng Việt trên Biển Hồ (Kỳ 1): Chạy nhà mùa nước lên
Các Website khác - 30/07/2008

 

Những chiếc thuyền cũng là nhà nổi của người Việt trên Biển Hồ -Ảnh: VŨ BÌNH

Trải dài khoảng 100km dọc đôi bờ Biển Hồ thuộc địa phận năm tỉnh Kampong Chhnang, Pousat, Bat Dambang, Siem Reap và Kampong Thum (Campuchia), có ít nhất chín làng nổi với hàng ngàn người VN sinh sống.

Đã bao đời trôi qua, cư dân Biển Hồ lấy mặt nước làm mặt đất, lấy xuồng ghe làm nhà ở. Cuộc mưu sinh với biết bao nhọc nhằn, từ ăn ở, học hành đến trị bệnh, tang chay, cưới hỏi...

Mời bạn đọc cùng phóng viên Tuổi Trẻ hành trình xuyên Biển Hồ ngày và đêm, qua những làng người Việt đã sinh sống nhiều đời ở đó.

-------------------------

Bây giờ là cuối tháng bảy, Biển Hồ đang nhận nước lũ từ sông Mekong tràn vào qua một nhánh sông Tonle Sap chia tách ngay trước mặt thành vua ở thủ đô Phnom Penh. Người ta ví Biển Hồ như con cá tham ăn, đến giữa tháng mười một là lúc nó "no nước" nhất. Khi ấy chỗ bụng "cá” có chiều dài hơn 100km này có thể phình ra tới 75km. Người dân lúc này phải xê dịch theo con nước trong sáu tháng lũ về (từ tháng năm đến tháng mười một).

Chạy đua với con nước

Con đường đất gồ ghề từ quốc lộ 5 rẽ vào khu chợ Bến Lơ, thuộc huyện Ponley, tỉnh Kampong Chhnang mùa khô dài hơn 15km, bây giờ đã rút ngắn hơn 1/3. Đây là "cửa ngõ giao tiếp" giữa cư dân Biển Hồ ở Ponley với cư dân trên bờ nên cứ cách vài ba ngày người ta lại dời chợ ra phía quốc lộ 5 khoảng trăm mét. Chợ có khoảng 1.000 hộ, chủ yếu mua bán rau quả, thực phẩm, tạp hóa và nhà ở của những người dân Campuchia làm nghề biển. Do phải thường xuyên di chuyển chẳng khác gì dân du mục nên người ta thiết kế những căn nhà trên bờ rất gọn nhẹ, có thể để nguyên căn mà di dời. Họ gọi đây là những căn "nhà khiên".

Trên đoạn đường vài trăm mét tiếp giáp bờ Biển Hồ, từng đoàn người khênh vác đồ đạc, có người còn chất cả căn nhà lên chiếc xe đẩy di chuyển vào bên trong. Thường thì người dân làm vần công cho nhau vì mùa lũ nhà nào cũng phải di dời. Nhưng lắm lúc nước lên dọn nhà không kịp họ phải thuê phương tiện chuyên chở đến giúp, mỗi chuyến di dời trong khoảng cách 200-300m tốn 60.000-80.000 riel (240.000-320.000 đồng) tùy nhà lớn hay nhà nhỏ, đồ đạc nhiều hay ít.  

Những căn nhà nổi được di dời khi con nước Biển Hồ lên -Ảnh: VŨ BÌNH

Tiếp giáp với khu chợ Bến Lơ trên bờ là chợ nổi ở một nhánh sông ăn thông ra Biển Hồ. Khu nhà nổi với hàng trăm nhà bè, ghe lớn đậu san sát, đa số của người Việt. Cả khu chợ sầm uất này cũng vừa được di dời từ ngoài khơi Biển Hồ vào. "Nước lên tới đâu thuyền mình phải di chuyển vào ngay tới đó, nhường chỗ cho người ở phía ngoài, nếu không rất dễ bị "chùm nô” (sóng lớn) đập vào nhau, nguy lắm.

Hồi đầu tháng bảy tới giờ tôi đã dời tám lần rồi và cho tới khi lũ phân đồng (lũ đứng không lên nữa) chắc sẽ còn di chuyển 30 quận nữa, bởi mực nước sẽ còn tiến sâu vào bờ cả chục cây số lận" - Thum Đưng, một chủ hàng tạp hóa ở đầu chợ, nói.

Đời nổi trôi

Buông chèo giữa mênh mông biển nước, ông Nguyễn Văn Mỹ - ngư dân ở làng chài xã Pung Luông, huyện Ka Kô, tỉnh Pursat - trầm ngâm nói cuộc đời của ngư dân người Việt sống trên Biển Hồ cũng nổi trôi, lênh đênh như con nước khi vơi, khi đầy nơi đây. Nhà ở tạm bợ, miếng ăn thì có được bữa nào hay bữa đó. Cả chuyện sống, chết cũng rất đỗi mong manh với bao nhiêu hiểm họa đang chực chờ giữa bao la sông nước. "Cả mấy thế hệ, cả bao nhiêu phận người cứ loay hoay không đi đâu ra khỏi cái biển nước mênh mông nước này. Sống ở biển, chết cũng về với biển, mang theo những giấc mơ chở về cố xứ luôn đau đáu trong lòng" - ông Mỹ tư lự.

Hồ Tonle Sap - mà người ta hay gọi là Biển Hồ - có diện tích 2.590km2  vào mùa khô và lên tới 24.605km2 vào mùa lũ. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997, hằng năm cung cấp hơn 230.000 tấn cá, chiếm 50% tổng sản lượng cá nước ngọt hằng năm của xứ sở chùa tháp. 

Những xóm chài sống ven Biển Hồ thuộc xã Pung Luông này có hơn 1.200 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu phần lớn đều là người Việt. Đây là một trong những nơi tập trung người Việt đông nhất trong số các làng người Việt ở Biển Hồ. Ở những làng chài này, hầu như người ta sử dụng hoàn toàn tiếng Việt trong sinh hoạt, giao tiếp, đến độ khá nhiều gia đình cả mấy thế hệ sống trên đất Campuchia nhưng lại không biết tiếng nước này dù chỉ vài câu thông dụng.

Những căn nhà nổi được cất tạm bợ bằng tre, nứa, gỗ tạp xen lẫn những ngôi nhà thuyền nhỏ, lúp xúp, mục nát nằm dọc ngang trên mặt nước là những khu "ổ chuột" cư ngụ của những gia đình phu chài người Việt.

Những căn nhà được gọi là nhà "plastic", có nghĩa là phần dưới đã bị mục rỗng nhưng không có tiền sửa, chủ nhà phải dùng nilông bọc lại. Có những ngôi nhà nổi, nhà thuyền được buộc kỹ càng, cố định, nhưng cũng có những ngôi nhà được buộc rất sơ sài để dễ dàng di chuyển. Chỉ cần một cơn gió mạnh hay sóng lớn, những ngôi nhà thuyền được cất tạm bợ ấy có thể vỡ toang hay đổ sụp xuống bất kỳ lúc nào.

Ông Lê Văn Hải, từ Cà Mau theo cha mẹ qua làng chài này lập nghiệp khi mới 13-14 tuổi, nói ngày trước Biển Hồ tôm cá nhiều lắm, đi chài lưới cũng tạm đủ nuôi sống cả gia đình 12 miệng ăn. Nhưng sau chiến tranh, lượng người Campuchia lẫn người Việt quay lại Biển Hồ làm nghề cá ngày càng nhiều nên cá cũng cạn kiệt dần. Lưới ngày không có cá phải đi lưới đêm. Có những chuyến đi lưới cá của các gia đình ngư dân dọc khắp Biển Hồ một vài tuần lễ đến cả tháng cũng chưa quay về nhà nổi. Có khi về đến nơi thì nhà nổi đã bị nước nhận chìm. Mỗi chuyến đi làm công họ kiếm được 20.000-30.000 đồng tiền VN cho công sức cả một ngày và đêm dài.

Anh Trần Văn Bình, một người chài thuê ở làng chài Pung Luông, thổ lộ qua 25 năm đi chài thuê, anh cắc củm mãi cũng không đủ mua một cái ghe để tự đi chài lưới cho riêng mình. Bởi tiền kiếm được không đủ lo cho bữa ăn hằng ngày. Bạn bè rủ Bình lên Phnom Penh hoặc quay về VN kiếm sống, chứ cứ sống ở Biển Hồ mãi cực quá, nhưng anh không nỡ ra đi vì mang theo cả gia đình thì lấy gì mà sống, còn đi một mình ai sẽ nuôi vợ, nuôi con…

TẤN ĐỨC - VŨ BÌNH

__________________________________

Trải dài khắp các làng chài trên Biển Hồ có khá nhiều đứa trẻ ngồi trên các ngôi nhà thuyền cặm cụi vô từng lưỡi câu thuê cho chủ. Có nhiều em không biết chữ Việt lẫn chữ Campuchia.

Kỳ tới: Những chú bé "rái cá”