![]() |
Ba, bốn tuổi đã bắt đầu tập và biết bơi lặn -Ảnh: VŨ BÌNH |
>> Kỳ 1: Chạy nhà mùa nước lên
Những cô bé, cậu bé gầy ốm, đen nhẻm, ngồi trên những chiếc ghe nhỏ, lấy thanh gỗ làm chèo, mình trần trùng trục bơi ra biển đặt từng lọp tép, mò từng con ốc… Dân các làng chài ven vùng biển nước ngọt Tonle Sap gọi những đứa trẻ này là "rái cá” biển.
Biết lội trước khi biết đi
Sinh ra tại những con thuyền là nhà bập bềnh giữa sóng nước, từ khi mới lọt lòng đã phải theo gia đình ngược xuôi khắp biển kiếm sống, hầu hết những đứa trẻ ở Biển Hồ biết lội trước biết đi. Ba, bốn tuổi đầu đã bắt đầu biết bơi lặn; lên năm, sáu tuổi đã lao vào cuộc mưu sinh. Ông Kiều Văn Danh, thành viên Hội Người VN tại huyện Ka Kô (tỉnh Pursat), cho hay những đứa trẻ sinh ra ở vùng sông nước này hầu như không có tuổi thơ như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác. Nô đùa trên mặt hồ là thú vui duy nhất của trẻ em ở đây, chẳng có nơi nào bán đồ chơi mà có bán cũng chẳng có tiền để mua. Vả lại, tất cả thời gian của những đứa trẻ chưa kịp lớn đều dành để làm thuê kiếm sống.
Năm, sáu tuổi đã rành rẽ trên sóng nước, bắt đầu mưu sinh Ảnh:V.Bình |
Thoạt nhìn, chúng tôi không thể biết được cậu bé Nguyễn Văn Minh chỉ mới 6 tuổi vì nhìn cậu khắc khổ, sạm nắng, trông già trước tuổi, mắt quầng thâm vì mất ngủ. Tay thoăn thoắt vô từng lưỡi câu, Minh khoe tính ra cả ngày đêm cậu có thể vô mồi, móc lưỡi cho vài trăm lưỡi câu để các chủ ghe đi câu hằng ngày. Số tiền kiếm được nhiều nhất mỗi ngày khoảng 2.000-3.000 riel, tức khoảng 10.000 đồng tiền VN. "Chủ các thuyền làm nghề cá đặt tụi con làm nhiều nhất là vào ban đêm vì sáng sớm phải giao câu cho họ đi biển, hầu như đêm nào con cũng thức trắng. Ban ngày tranh thủ ngủ một tí rồi vô câu tiếp vì nếu chỉ làm ban đêm tiền công rất ít, không đủ phụ gia đình nuôi mấy đứa em nhỏ”, Minh nói già dặn.
Gia đình Minh có tất cả 12 anh em, Minh còn bốn đứa em trai cũng đang tập bơi lội để lớn thêm một chút sẽ vào nghề như anh. Mẹ cậu lại đang mang thai chuẩn bị sinh em bé. Tôi hỏi vì sao Minh bị hỏng mắt trái? Cậu bé lắc đầu: "Tai nạn nghề nghiệp đó. Cách đây mấy tháng, vào mùa nước lên, người ta thuê vô lưỡi câu nhiều, con làm cả ngày lẫn đêm bị kiệt sức, lưỡi câu văng vào mắt nên bị mù”. Quệt vội những giọt mồ hôi trên mặt, Minh lại cặm cụi làm tiếp vì sợ trễ giờ giao hàng thì bị đuổi việc. Năm ngoái, có đoàn khám bệnh từ thiện từ tỉnh về khám, phát hiện Minh bệnh lao. "Nhưng chịu thôi, ba mẹ con tiền đâu mà chữa bệnh cho con", Minh nói buồn.
Mịt mù tương lai
Những đứa trẻ làm nghề vô mồi, móc lưỡi thuê bị thương tật như mù lòa, chấn thương đầu, gãy tay, gãy chân…, thậm chí chết đuối khi sơ sẩy trong lúc làm việc cũng như tai nạn sông nước hầu như ở làng chài nào ở Biển Hồ này cũng có. Cứ vài tháng lại có đứa trẻ chết đuối khi đang lặn bắt cá, mò cua được dân chài vớt xác mang về. "Dù có bơi lội giỏi đến mấy chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ. Đã gọi là biển thì người lớn còn bị tai nạn chết rất nhiều, nói chi trẻ con", ông Kiều Văn Danh nói. |
Theo ghe chài từ lòng Biển Hồ về làng chài lúc hoàng hôn đã ngả bóng, chúng tôi thấy vài chục đứa trẻ cũng tay lưới, tay chèo từ các bãi lưới cá mưu sinh trở về. Xuất hiện vài chiếc thuyền tam bản bán cà phê, trứng vịt lộn đi bán dọc các xóm chài. Trên ghe là những cô bé, cậu bé chỉ chừng 7, 8 tuổi phụ mẹ hay chị gái vừa bơi thuyền vừa rao hàng mời khách. Một cô bé bán cà phê chừng mười tuổi đang chờ khách trên nhà nổi uống để lấy tiền, tay mân mê quyển sách giáo khoa tiếng Việt nhưng lại cầm ngược.
Chúng tôi hỏi em biết chữ không, cô bé nhoẻn miệng cười, lắc đầu: "Cuốn sách này của một chú bên VN sang đây cho con. Con không biết chữ Việt lẫn chữ Campuchia, chỉ nhìn cho đỡ thèm chữ thôi chứ thời gian và tiền bạc đâu mà đi học. Mà bạn bè con ai cũng vậy cả”, cô bé đáp.
Tâm sự của cô bé chèo thuyền bán cà phê Hoàng Thị Tiên cũng là thực trạng của hầu hết những đứa trẻ người Việt được sinh ra tại các làng chài tha phương trên Biển Hồ. Gia đình nghèo khó, cả mấy thế hệ đều mù chữ, các gia đình phu chài thi nhau sinh con "sòn sòn" năm một với suy nghĩ "Trời sinh voi, sinh cỏ. Biển Hồ chưa cạn thì còn có cá nuôi người".
Ông Kiều Văn Danh nói ở đây có nhiều cặp vợ chồng mới ngoài 30 tuổi mà đã có gần chục đứa con là chuyện thường. Những đứa trẻ lần lượt ra đời trong vòng xoáy túng thiếu, được vài tuổi đã lao vào cuộc sinh nhai giữa bao la sóng nước. "Tương lai của chúng rồi cũng mờ mịt như cha mẹ chúng thôi. Hầu hết đều không được đi học chữ Việt lẫn chữ Campuchia thì sau này lớn lên biết làm gì mà sống ngoài cái nghề phu chài, và cả đời cũng sẽ không đi đâu khỏi cái biển hồ tuy lớn mà nhỏ này", ông Danh bảo vậy.
Hiện có đến cả ngàn đứa trẻ trong độ tuổi đến trường tại các làng chài của người Việt trải dài khắp các vùng Biển Hồ của Campuchia. Trong số này rất đông trẻ mù chữ. Số trẻ được đến trường học hành tại các trường học Campuchia hay gửi về VN học đến cấp II, cấp III có thể đếm trên đầu ngón tay. Còn lại chỉ được học chưa hết cấp I tại các trường dạy chữ "tình thương" của người Việt mở tại làng hoặc các trường dạy tiếng Việt do hội người VN tại các tỉnh của Campuchia mở. Một xóm có vài chục đứa trẻ đến tuổi đi học thì chỉ có vài đứa được gia đình cho đến trường. Nhưng hầu hết cũng không đi được hết "đoạn đường" cấp I vì phải nghỉ học giữa chừng đi làm phụ cha mẹ.
TẤN ĐỨC - VŨ BÌNH
___________________________
Và Biển Hồ có những "bóng hồng" cũng tất tả tay chèo, tay lưới mưu sinh như cánh đàn ông. Những thiếu nữ xứ biển đang lầm lũi trôi dần tuổi xuân trong sóng nước bao la, vẫn mơ một ngày sẽ vượt qua khỏi cái hồ trói buộc cả phận người…
Kỳ tới: Đàn bà đi biển một mình
▪ Về miệt thứ U Minh (30/07/2008)
▪ Làng Việt trên Biển Hồ (Kỳ 1): Chạy nhà mùa nước lên (30/07/2008)
▪ Về Ba Làng An mùa nắng nóng (29/07/2008)
▪ Ăn đêm ở Chợ Lớn (29/07/2008)
▪ Đi chơi vịnh Hạ Long giá rẻ (29/07/2008)
▪ Bên bến sông Giăng (28/07/2008)
▪ Lăng Tiền quân Thống chế Điều Bát ở Trà Ôn (26/07/2008)
▪ Nao lòng cùng Vàm Sát (26/07/2008)
▪ Đi bụi trên đất Thái (26/07/2008)
▪ Hòn Chồng: Nơi ông khổng lồ vấp ngã (25/07/2008)