Đi qua Trương Gia Giới - kỳ quan thiên nhiên thế giới với núi non trùng điệp sừng sững cách mặt có một sải tay, dừng chân ở Phượng Hoàng - cổ trấn đông dân đông khách du lịch, quán sá cửa hàng san sát hấp dẫn muôn màu, sao lại cứ nhớ và nghĩ nhiều đến Hồng Giang.
Tái hiện cảnh xưa |
Nơi ấy lẽ ra là đáng thất vọng nhất vì quy mô không như mong đợi và sự buồn tẻ tĩnh lặng không một bóng du khách, vì đường xa tàu chật, vì khởi đầu là anh tài xế taxi bỏ cả đoàn xuống giữa đường đông nhưng đích đến vẫn còn đâu đó hai, ba chục cây số không biết theo phương nào phía trước…
Hồng Giang cổ thương thành hiện nay thuộc khu Hồng Giang, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, được bắt đầu xây dựng cuối đời nhà Nguyên đầu đời nhà Minh và đỉnh cao phồn thịnh chính là đời Minh - Thanh. Bấy giờ đó là nơi buôn bán và tập kết dầu Hồng (một loại dầu với thành phần chủ yếu lấy từ cây ngô đồng, dùng để sơn tàu thuyền, đồ dùng bằng gỗ trong nhà, vật dụng trong nông nghiệp, vừa chống thấm, chống được hà biển bám, vừa có màu sắc đẹp, là sản vật nổi tiếng của Hồng Giang nên được gọi là dầu Hồng), gỗ quý, nha phiến, nguyên liệu làm thuốc, làm giấy…
Nơi đây còn được ví là “thất tỉnh thông giai”, “tiểu Trùng Khánh”, “tiểu Nam Kinh”, “hòn ngọc Tương Tây”, “Tây Nam đại đô hội”, là trung tâm kinh tế, quân sự, tôn giáo, văn hóa của vùng Tương Tây thời Minh - Thanh. Khi đó thương gia từ khắp 18 tỉnh, 24 châu, phủ đến làm ăn sinh sống nên lưu truyền câu nói: “Nhất bả bao phục nhất bả tản/Bào đáo Hồng Giang đương lão bản”, nghĩa là “Tay khăn gói tay cầm dù/ Đến Hồng Giang làm ông chủ”.
Cổ thành là một khối đen |
Thương khách đến từ nhiều nơi khác nhau nên lập ra hội quán để tương trợ đồng hương, nhớ về quê nhà, được xây trong ngõ sâu hoặc ngay trên sườn dốc và đặt theo tên các cung: hội quán của người Giang Tây là Vạn Thọ cung, người Phúc Kiến là Thiên Hậu cung, Bảo Khánh hội quán là Thái Bình cung… Hiện vẫn mở cửa cho khách tham quan.
Ngoài ra những di tích miếu chùa, chợ, trạm dịch (trạm truyền văn thư bằng ngựa), nha môn (sở của quan), điền trang, ngân hàng, thư viện, trường học, tác phường (nơi chế tạo các đồ đạc thông dụng hằng ngày), khách sạn, nhà hút thuốc phiện, kỹ viện, trà lầu, báo xã xen kẽ nhau minh chứng cho một thời phồn thịnh của thương thành.
Cả khu thành cổ hiện nay là một khối đen được vây quanh bởi kiến trúc hiện đại xung quanh, bao bọc nhưng tách bạch. Nhà cổ tường cũ, lối đi bậc đá cũng cũ kỹ rêu phong.
Cảnh sinh hoạt thường ngày trong thành cổ |
Kiến trúc của Hồng Giang cổ thương thành điển hình cho phong cách xây dựng ở khu vực phía nam sông Trường Giang đời Minh - Thanh, lại mang đặc sắc của vùng Nguyên Tương (tên hai con sông lớn). Mỗi tòa nhà đều là một sự kết hợp hài hòa hợp nhất giữa thiên nhiên và con người, vật liệu xây dựng từ gạch, gỗ và đá, đặc biệt không dùng đến kim loại dù chỉ một cái đinh sắt, đảm bảo kiên cố, thực dụng và mỹ quan.
Hoa văn chạm khắc ở cửa gỗ, lan can gỗ rất tinh tế. Tò mò ghé mắt nhìn vào trong sẽ thấy xen lẫn với đồ đạc cũ kỹ lên nước bóng loáng là quần jean trên dây phơi, lồng bàn, phích nước vỏ nhựa đỏ như màu giấy viết câu đối, cuộc sống vẫn diễn ra và tiếp nối lịch sử, trẻ con vẫn được sinh ra và đi học, người già phơi nắng và ăn mì.
Khách du lịch dạo bước trong ngõ dốc |
Ngàn năm phong vũ trôi qua, phù hoa vẫn còn lẩn quất quanh thương thành. Cảnh vật gợi hương sắc cổ xưa tình cờ trùng với bức tranh “Thanh Minh thượng hà đồ” in trên thanh thủy tinh chặn giấy tôi mua cho bố trong một quầy lưu niệm ở Phượng Hoàng để trong balô - bức tranh với cảnh tàu thuyền qua lại mua bán tấp nập nhộn nhịp no đủ, bên nào sông Nguyên, bên nào sông Vu?
Người già phơi nắng |
Một chuyên gia lịch sử Trung Quốc nói: “Không đến Bắc Kinh thì không thể biết được vẻ đẹp kiến trúc cổ đại Trung Hoa. Không đến Tây An thì không lĩnh hội được tinh túy văn hóa lịch sử Trung Hoa. Không đến Hồng Giang sẽ không cảm nhận được sự huy hoàng của văn minh thương nghiệp cổ đại Trung Hoa”.
Tôi không có hoài bão đi tìm những dấu tích lịch sử to tát đó. Chỉ vì duyên bạn bè duyên du lịch mà lưu lại thương thành chưa đầy một ngày đêm, thế mà đã dạo bước trên dấu xưa hai lần. Một lần trong đêm đánh thức cổ thành liêu trai bằng những ánh đèn flash và tiếng đọc biển chỉ đường như trong mê cung khe khẽ. Một lần vào sáng sớm mai cùng với tiếng rao bán màn thầu khi mặt trời chưa xuyên qua nổi những bức tường cao.
Bên trong nhà cổ |
Hồng Giang nay bao gồm cả thành cổ và khu vực dân cư đường sá mới bé đến mức một cuốc xe ôm đi đến bất kỳ điểm nào cũng đồng giá hai tệ (tương đương 5.000 đồng). Người lái xe chỉ nhìn chứ không chào mời, người bán hoa quả biết khách không phải dân ở đây chứ cũng không tò mò hỏi từ đâu đến, người chủ tiệm ăn sáng kiên nhẫn đợi khách gọi thử từng món từng món, bỏ thêm đường vào bát cháo đậu xanh đến khi khách vừa ý, khách sạn gia đình muốn bật điều hòa phải trả thêm mười tệ, khách về nhà mở cửa mà không thấy chủ đâu bèn tự tìm chìa khóa trong hộp mở cửa phòng…
Nhớ Hồng Giang hơn, phải chăng là vì sự yếu mềm đàn bà phù suy không phù thịnh, thấy cái gì nhỏ bé cũ kỹ chậm chạp đều mủi lòng thương, giận anh tài xế taxi không đi nốt hai mấy cây số nên cãi thật lực, trừ tiền tối đa, xong lại áy náy tự hỏi phải chăng anh có chuyện riêng tư gì không cố đi được nốt, từng ấy tiền liệu đã đủ tiền xăng và phí cầu đường…
Đi lại: Qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn sang Bằng Tường, đi xe buýt đến Nam Ninh, giá vé 65 nhân dân tệ. Từ Nam Ninh đi tàu tiếp đến thành phố Hoài Hóa, hằng ngày chỉ có một chuyến số hiệu 2012 đi lúc 17g50, đến nơi 4g23 sáng sớm hôm sau, giá vé từ ngồi cứng đến nằm mềm giường tầng một là 49-170 nhân dân tệ. Đi tiếp xe buýt từ Hoài Hóa đến Hồng Giang cổ thương thành (phiên âm Latin Hongjiang gu shang cheng) giá vé 20 nhân dân tệ hoặc có thể thuê bao taxi giá 150 nhân dân tệ bao gồm phí cầu đường. Đi lại trong Hồng Giang: Xe ôm di chuyển đoạn ngắn 2 nhân dân tệ/lượt, taxi chạy theo đồng hồ. Khách sạn: Nhà trọ gia đình sạch sẽ đủ tiện nghi giá 60 nhân dân tệ/phòng đôi. Khách sạn lớn 200 nhân dân tệ/phòng. Ăn uống: Nhiều hàng quán bình dân giá phải chăng, nhà hàng lớn gọi món giá từ 15 - 50 nhân dân tệ/đĩa lớn, phố bán đồ ăn đêm hoạt động đến 2g sáng. |
Bài, ảnh: LÊ CẨM HÀ
▪ Hành trình đến thành phố hồng (15/09/2008)
▪ Bạc Liêu - xứ sở hào hoa (15/09/2008)
▪ Khai trương khu du lịch Đại Nam lớn nhất nước (13/09/2008)
▪ Kỳ bí núi Đá Dựng (12/09/2008)
▪ Xem đom đóm đêm ở Na Hang (12/09/2008)
▪ Ăn trưa tại nhà hàng Bia Đỏ (11/09/2008)
▪ Cùng SPSC Tour đến Đài Loan xinh đẹp và năng động! (10/09/2008)
▪ Nơi hạnh phúc bắt đầu”- Tour Honeymoon thi vị của Benthanh Tourist (10/09/2008)
▪ Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến - Lớn nhất Đông Nam Á (09/09/2008)
▪ Mỹ Sơn và Hội An sẽ là di tích Quốc gia đặc biệt? (05/09/2008)