Lúc chúng tôi rời Ea Sup thì trời vừa sập tối. Tây nguyên đang chìm dần trong ánh chiều chạng vạng, những chiếc xe máy sầm sập lao đi, ánh đèn xe loang loáng quét trên mặt đường, thỉnh thoảng lại đập vào mắt những cột cây số hay biển mốc chỉ đường “Yok Đôn”.
![]() |
Ấn tượng cầu treo ở thác Gia Long |
Vậy là chúng tôi đang chạy men theo bìa rừng quốc gia Yok Đôn, một trong những khu bảo tồn quan trọng nhất của miền cao nguyên đầy nắng gió. Giấc mơ 14C xuyên Yok Đôn đã gác lại và đường mòn Hồ Chí Minh dọc tuyến biên giới Việt - Campuchia đã trở nên rất xa rồi. Nhưng rừng vẫn thở, bằng tiếng gió xôn xao trên đám lá, bằng tiếng gọi bầy mơ hồ của thú hoang giữa thẳm sâu rừng già, bằng những câu chuyện rầm rì đang lẫn vào giữa tiếng máy xe.
Tiếng vọng của đại ngàn đuổi theo sau mỗi góc cua hút gió, sau mỗi cú xóc nảy người vì ổ gà, sau mỗi đận giật mình đánh thót khi bất chợt gặp ánh đèn quét của chiếc ôtô chạy ngược chiều… Đêm cao nguyên có điều gì lạ lẫm, nửa như gọi mời lại nửa như đe dọa, khiến trong lòng kẻ lữ hành vừa rộn lên bao phấn khích lại chợt tràn đầy những âu lo...
Cầu treo trên sông Serepok |
Đã chạy qua đường rẽ vào bản Đôn hơn 1km, cả nhóm vẫn quyết định quay lại để tham quan khu du lịch danh tiếng của cao nguyên. Buổi tối, các cửa hàng lưu niệm đã đóng cửa, chòi soát vé không có người canh, mấy chú voi cũng đã về bản nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.
Chúng tôi dò dẫm trong ánh đèn pin trên cây cầu treo lắt lẻo bắc vòng quanh đám rễ cây xù xì chằng chéo, lặng nghe tiếng nước chảy róc rách reo vui dưới gầm cầu, mường tượng về cảnh khách du lịch vui thú cưỡi voi lội nước đi ngược dòng kiếm tìm những cảm xúc cao nguyên.
Khi rời bản Đôn, ai trong chúng tôi cũng đeo trên tay một chiếc nhẫn lông đuôi voi để lấy may mắn, dù biết có khi nào lại nhiều lông đuôi voi đến thế để làm đồ lưu niệm! Âu cũng là mang cho mình một niềm tin theo cách rất Tây nguyên…
Dray Nur nhìn từ trên cầu treo |
Đêm Ban Mê, gió thổi dọc theo các con phố nối ra ngã 6 lịch sử với tượng đài chiến thắng vinh danh chiến công năm nào. Quảng trường xanh xanh những ô cỏ, ánh đèn vàng nhàn nhạt và những tốp thanh niên đi chơi khuya. Lần thứ 2 khi chúng tôi trở lại mảnh đất thủ phủ của Tây nguyên những năm tháng chiến tranh, cảm xúc vẫn mới mẻ và hồi hộp vẹn nguyên như lần đầu, như khi 12 con người chia nhau chạy vòng quanh phố thị để tìm một chốn dừng chân giữa đêm.
Phố vẫn thế, yên bình và êm ả, thật khó có thể hình dung được dấu son lịch sử của chiến dịch năm 1975 đã từng ghi dấu đậm nét trên đất này, chỉ thấy có cái gì đó nao nao trong dạ, rằng nơi đây năm ấy, tháng ấy, đã có biết bao người ngã xuống cho một và rất nhiều những mùa xuân sau này... Đêm Ban Mê mà nghe cả tiếng suối ngàn Dray Sap - Dray Nur vỗ về những giấc mơ…
Em bé Tây nguyên |
Dray Sap - Dray Nur là 2 ngọn thác rất nổi tiếng ở cao nguyên đất đỏ, nằm trên địa giới của hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Thử tưởng tượng xem bạn sẽ được rảo bước từ tỉnh này sang tỉnh kia để thăm 2 ngọn thác hùng vĩ và hoành tránh bậc nhất ở Tây nguyên trong cùng một hành trình. Ai cũng làm điều đó khi tới đây, nhưng chúng tôi, những người con của đất Bắc lại thấy tâm hồn bay bổng khi đã vượt cả ngàn cây số bằng xe máy vào đây, để có cơ hội làm một điều rất đỗi bình thường.
Một sớm mai đầy gió lộng, những trảng cỏ lau bên đường phấp phới, vạt rừng đang thay lá lốm đốm những đám màu xanh, đỏ, vàng… Hương cà phê ngan ngát dọc con đường nối thành phố Ban Mê với Dray Sap - Dray Nur… Chúng tôi đã đi trong tiếng gọi cao nguyên rộn ràng vang lên từ tiềm thức thẳm sâu…
Hoa cà phê |
Trên cánh đồng trồng bông |
Dray Nur là thác Vợ thuộc nhánh sông Krông Ana đón chúng tôi bằng một lời chào mãnh liệt, cả ngọn thác như cuộn khói bởi hơi nước bốc lên mờ mịt. Mùa mưa vừa kết thúc, nước từ đầu nguồn vẫn dẫn về ào ạt khiến Dray Nur mang trên mình vẻ dữ dội và cuồng nhiệt, cuộn nước mang ánh đỏ phù sa tuôn rào rào như muốn cuốn phăng tất cả mọi chướng ngại vật trên đường di chuyển.
Dray Nur có một tầng thác cao chừng 30 mét và trải rộng khoảng 200 mét vươn từ phía bờ Đắc Lắc sang bờ Đắc Nông. Trong cái dáng vẻ dữ tợn của nó vẫn có nét gì đó giản đơn mà mộc mạc, đúng như tính cách của những người con Tây nguyên mà chúng tôi đã từng gặp trong hành trình khám phá miền đất đỏ bazan này.
Bên dưới Dray Nur là một đoạn sông lớn, gập ghềnh đá sỏi và cây cỏ. Một cây cầu treo lớn bắc ngang dòng giúp du khách tận hưởng cảm giác choáng ngợp khi đứng từ xa và thu vào tầm mắt toàn cảnh cũng như vẻ đẹp trực diện của ngọn thác. Cây cầu cũng là con đường để đưa bước chân lữ khách quá bộ qua những cánh đồng bông, qua những ngọn thác nhỏ mà dân địa phương vẫn hay gọi là thác Con để tới thăm ngọn thác Chồng - Dray Sap nằm lặng giữa rừng già.
Một góc Dray Nur |
Vẻ điềm tĩnh của Dray Sap |
Dray Sap là ngọn thác thuộc nhánh sông Krông Nô, mất vài phút đi bộ và tận hưởng cảm giác đi xuyên 2 tỉnh trên 2 cây cầu treo là bạn sẽ đến được với ngọn thác này. Dray Sap có độ trải rộng lớn hơn khá nhiều so với Dray Nur - có thể chia làm 3 phần thác tách biệt với khuôn hình và độ gập ghềnh khác nhau. Ngọn thác Chồng có vẻ điềm tĩnh và không dữ dội như thác Vợ, 3 đoạn thác nằm kề bên nhau theo hình trăng khuyết tạo ra trong lòng một hồ nước nhỏ khá phẳng lặng.
Chúng tôi ngồi hàng giờ trên những phiến đá ẩm ướt, những rễ cây đầy rêu, chỉ để hít thở không khí trong lành và mát mẻ, lắng nghe tiếng nước đổ ầm ào phía bên kia lòng hồ, dưới tán rừng rậm rạp và yên lành, ở trên đầu trời Tây nguyên xanh thật xanh…
Rời chốn Vợ - Chồng đầy duyên nợ, chúng tôi lại tìm đường đến thăm một ngọn thác khác của đại ngàn - thác Gia Long, nằm cách Dray Nur - Dray Sap chừng hơn 3km về phía thượng nguồn.
Gia Long cũng nằm trên hệ thống sông Serepok và cũng nổi tiếng bởi vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ với những âm hưởng rất Tây nguyên của riêng nó. Nằm giữa hệ thống rừng già với những gốc cây rễ mọc dài chằng chịt, với những cây cầu treo lắt lẻo và vui nhộn, Gia Long mang đến cảm giác phóng khoáng và thư thái cho du khách và mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên…
Ngã 6 lịch sử với tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột |
Chúng tôi ghé qua thủy điện Buôn Kốp, công trường đang xây dựng ngổn ngang, có thể ngày mai khi thủy điện hoàn thành, dòng chảy của KrôngAna hay Krông Nô sẽ khác, Dray Nur - Dray Sap hay Gia Long không biết có còn giữ được vẻ lộng lẫy và hùng tráng của đại ngàn?
BĂNG GIANG
▪ Những hình ảnh đẹp của Alaska (21/11/2008)
▪ Venezuela: Venice nhỏ xinh của châu Mỹ (21/11/2008)
▪ Lạc bước giữa chợ hoa đêm Hà Nội (21/11/2008)
▪ Khám phá Bắc Kinh với giá rẻ bất ngờ (21/11/2008)
▪ Aschaffenburg, nơi ấy bình yên (20/11/2008)
▪ Thưởng ngoạn vẻ đẹp Tô Châu, Trung Quốc (20/11/2008)
▪ Thắng cảnh lầu Bảo Đại ở Nha Trang (20/11/2008)
▪ Cảnh đẹp ở Anh (20/11/2008)
▪ Cuối thu rực rỡ ở Mỹ (19/11/2008)
▪ Penang: “Hòn ngọc phương Đông” (19/11/2008)