20% mẫu sữa có hàm lượng đạm cực thấp
Các Website khác - 06/02/2009
 Viện Dinh dưỡng cảnh báo: “Nếu hàm lượng đạm trong sữa không đạt tiêu chuẩn (từ 11 – 14%/100g sữa) sẽ làm trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, dẫn đến việc trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn
 

Người tiêu dùng lựa chọn kỹ càng khi mua sữa (Ảnh minh họa: CH).

Đối với người già, người bệnh nếu dùng sữa có hàm lượng đạm thấp sẽ nguy hại đến sức khoẻ”. Vậy nhưng, trên thị trường vẫn tồn tại những loại sữa hàm lượng đạm chỉ chiếm 0,5%.

Công bố 24 nhưng chỉ đạt 0,5

10 mẫu sữa có hàm lượng đạm thấp:

1. Sữa bột béo Hà Lan: Thành phần đạm ghi trên nhãn (TPĐGTN): Không ghi. Hàm lượng đạm thử nghiệm (HLĐTN): 1,6%
2. Sữa bột béo Hà Lan:             TPĐGTN: >24%; HLĐTN: 0,5%

3. Holland (Gold): TPĐGTN: 20%; HLĐTN: 1,2%

4. Mimimum: TPĐGTN: 20%; HLĐTN: 15%

5. Maylac: TPĐGTN: 34%; HLĐTN: 15,7%

6. Gold: TPĐGTN: 21-26%; HLĐTN: 1,8%

7. Bobolac: TPĐGTN: 34%; HLĐTN: 5,9%

8. Sepalac: TPĐGTN: 18%; HLĐTN: 13,3%

9. Calyx: TPĐGTN: 28%; HLĐTN: 18,4%

10. Mikamax: TPĐGTN: 11,05%; HLĐTN: 7,3%.

Tháng 9/2008, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TC&BVNTDVN) đã tiến hành khảo sát chất lượng sữa bột bày bán tại TPHCM.

Nhóm khảo sát đã tiến hành mua ngẫu nhiên các mẫu sữa bột bán trên thị trường, chủ yếu ở các chợ là nơi người tiêu dùng bình thường hay mua. Tổng số mẫu được mua là 20 mẫu gồm 20 sản phẩm sữa khác nhau của 15 đơn vị sản xuất, đóng gói. Trong số này có 19 đơn vị có trụ sở tại TPHCM và 1 tại Bình Dương. Các mẫu này được tách nhãn hiệu, đánh mã số riêng và được gửi tới phòng thử nghiệm của Trung tâm kỹ thuật 3 (TPHCM) để phân tích.
 
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 50% số mẫu không đạt hàm lượng đạm so với công bố trên nhãn hàng hoá. Số mẫu có hàm lượng đạm rất thấp (dưới 10%) chiếm tới 30%. Đặc biệt, số mẫu hàm lượng đạm cực thấp (dưới 2%) chiếm tới 20% mẫu kiểm tra. Trong đó, có loại sữa mang tên như sữa bột béo Hà Lan thành phần đạm ghi trên nhãn là 24%, nhưng kết quả xét nghiệm chỉ là 0,5%. Còn loại sữa mang tên Holland (Gold) thì thành phần ghi là 20% độ đạm, nhưng khi xét nghiệm chỉ có 1,2%. Hay như loại sữa Bobolac thành phần đạm ghi 34% thì xét nghiệm cũng chỉ có 5,9%. “Thực chất những mẫu sữa này không còn giá trị dinh dưỡng, có thể coi là hàng giả, đánh lừa người tiêu dùng”-  ông Đoàn Phương, Chủ tịch Hội TC&BVNTDVN cho biết.

Bỏ qua cảnh báo

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế ngay từ đầu tháng 10/2008, khi nhận được thông tin về một số sản phẩm sữa trên thị trường kém chất lượng từ Hội TC&BVNTDVN, Cục ATVSTP đã yêu cầu Sở Y tế TPHCM kiểm tra ngay và xử phạt một số doanh nghiệp có sản phẩm sữa kém chất lượng. Cục cũng đã đề nghị Hội TC&BVNTDVN tiến hành điều tra, khảo sát chất lượng sữa ở diện rộng hơn trên thị trường cả nước. Cũng theo TS Khẩn, Cục ATVSTP đã chỉ đạo đến tất cả các Sở Y tế trong cả nước tổ chức kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đặc biệt là mặt hàng sữa vào thời điểm cuối năm vào dịp Tết. Riêng đối với mặt hàng sữa phải kiểm tra các chỉ tiêu về melamine, đạm, đường... Kết quả kiểm tra các địa phương vẫn chưa báo cáo về Bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, đã có 3 nhà sản xuất sữa trong nước ở quy mô nhỏ lẻ đang tạm thời phải thu hồi một số sản phẩm sau khi cơ quan chức năng tại TPHCM phát hiện một số lô sữa của họ có độ đạm thấp hơn so với công bố tiêu chuẩn trên bao bì sản phẩm. Ông Phong cho biết thêm, trong các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ của Cục ATVSTP thực hiện độc lập hoặc liên ngành, những sản phẩm kém chất lượng này vẫn được phát hiện và tiêu huỷ. Theo quy định, các sản phẩm sữa nhập khẩu sau khi được cấp phép lưu hành, vẫn phải qua kiểm tra từng lô tại 1 trong 13 đơn vị kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường lưu thông. Nếu không đạt chất lượng như đăng ký, phải tái xuất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
 
Xử phạt các cơ sở có sản phẩm vi phạm

Ngày 5/2, Sở Y tế TP HCM đã có báo cáo gửi Cục ATVSTP và thanh tra Bộ Y tế về kết quả thanh tra 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn thành phố có 10 mẫu không đạt hàm lượng đạm như nhà sản xuất công bố. 

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành xử lý vi phạm 5 cơ sở trên với tổng số tiền phạt hơn 50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động Công ty TNHH Hùng Lâm, buộc tiêu hủy 160 kg sữa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, buộc tái chế hơn 300 kg sữa của Cơ sở Như Trang, Công ty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát và Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đài Hoa là những doanh nghiệp liên quan.           
 
Huyền Trang

 Theo Giadinh.net