Phấn đấu đạt 50% chỉ tiêu
Các Website khác - 06/02/2009
Mục tiêu cụ thể của Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn (Chiến dịch) được Bộ Y tế đề ra trong hướng dẫn triển khai Chiến dịch năm 2009, là đảm bảo thực hiện 50% chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 về sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng trong thời gian Chiến dịch tại các địa phương triển khai.
Huy động toàn xã hội

Theo ông Đặng Văn Nghị, Phó Vụ trưởng Vụ DS - KHHGĐ (Tổng cục DS -KHHGĐ), trong 2 năm gần đây, chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng giảm sút đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu giảm sinh. Ông Nghị lý giải: Ngay trong quý I này, chúng ta đã “bước qua” 2/3 chỉ tiêu giảm sinh năm 2009 (vì sau quý I, người phụ nữ mang thai sẽ sinh con vào năm 2010), việc thực hiện các BPTT trong 3 quý còn lại thực ra là để đảm bảo chỉ tiêu của năm sau.

“Nếu làm tốt việc tuyên truyền vận động trong quý I, sẽ có thể “vớt vát”, giảm được số sinh trong năm 2009. Chiến dịch này sẽ “xốc” lại khí thế cho những năm sau”, ông Nghị cho biết. Ông Nghị nhấn mạnh, việc thực hiện Chiến dịch năm nay vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh đang kiện toàn bộ máy tổ chức, kinh phí thực hiện các chỉ tiêu Chiến dịch thấp hơn so với thực tế... Vì thế, để Chiến dịch thực hiện tốt, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu cần sự hỗ trợ rất lớn của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cả về hoạt động lẫn kinh phí – huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội. Theo dự kiến, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ tổ chức phát động Chiến dịch tại 4 tỉnh đại diện cho 4 khu vực trong tháng 2 này là: Lạng Sơn (phía Bắc), Nghệ An (miền Trung), Lâm Đồng (Tây Nguyên) và Sóc Trăng (Tây Nam Bộ).
 

Sự nỗ lực của ngành dân số cùng sự tham gia của toàn xã hội sẽ góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch năm 2009.

Bà Đặng Thị Bích Thuận – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS - KHHGĐ) cũng nhấn mạnh: Để các chỉ tiêu trong năm có thể đạt được kết quả tốt, Chiến dịch đợt I phải đạt được 50% chỉ tiêu kế hoạch của năm trở lên. Đợt II là đợt “vét” - những nơi nào còn yếu sẽ được tập trung thực hiện Chiến dịch để thúc đẩy hoàn thành nốt kế hoạch năm. Nếu ngay từ quý I, Chiến dịch đợt I làm tốt truyền thông, vận động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (chăm sóc SKSS) sẽ giảm được số trường hợp mang thai và sinh con thứ 3 trở lên.

Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp

“Chiến dịch đợt I năm nay được tạo đà từ không khí của Tháng Hành động Dân số (kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12) của năm 2008” – bà Thuận cho hay – “Đó là sự ra quân đồng bộ của tất cả các cấp, sự tham gia của các “binh chủng” truyền thông tạo không khí phấn chấn để triển khai kế hoạch của năm sau; bám sát chủ đề mà Ngày Dân số Việt Nam đã đưa ra năm 2008 là “Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh thay thế”.

Truyền thông vận động của Chiến dịch năm 2009 vẫn là truyền thông trực tiếp, nhóm nhỏ và tư vấn trực tiếp tại gia đình nhằm giáo dục, thuyết phục các đối tượng đã có 2 con một bề là gái, đã sinh 3 con nhưng chưa sử dụng biện pháp tránh thai thực hiện KHHGĐ. Cũng theo bà Đặng Thị Bích Thuận, truyền thông trong Chiến dịch rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả hai lực lượng: Thứ nhất là cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số, các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể và Thứ hai là cán bộ y tế cung cấp dịch vụ (tư vấn, thực hiện dịch vụ làm mẹ an toàn, KHHGĐ, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục...).

Công tác truyền thông trong Chiến dịch năm nay cũng chú trọng việc tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia chiến dịch; Tổ chức lễ phát động chiến dịch, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền mặt đường, cung cấp tài liệu tại các điểm cung cấp dịch vụ; Giám sát tiến độ thực hiện chiến dịch, kiểm tra việc chuẩn bị công tác hậu cần, nhân lực, vật lực của đội lưu động, các hoạt động tuyên truyền vận động; Giám sát kỹ thuật cung cấp 3 gói dịch vụ. Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh, thành sẽ thực hiện giám sát tất cả các huyện tổ chức Chiến dịch và ít nhất 2-3 xã tại mỗi huyện.

Tập trung vào mất cân bằng giới tính khi sinh

Bên cạnh các ưu tiên về nội dung và truyền thông trong chiến dịch, Chi cục DS- KHHGĐ các tỉnh, thành phố phải đảm bảo công tác truyền thông thường xuyên với các nội dung: Chăm sóc SKSS, thực hiện KHHGĐ, bình đẳng giới trong KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt ở những tỉnh có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh cần truyền thông mạnh mẽ về vấn đề này để góp phần hạn chế tỉ lệ mất cân bằng giới tính; nhân bản kịp thời các sản phẩm truyền thông mẫu: tranh cổ động, tờ rơi, sách lật... ngay sau khi nhận được từ Trung ương; mua sắm các thiết bị truyền thông cho tuyến cơ sở.
 
Tiến độ thực hiện Chiến dịch 2009
Đợt I: Tổ chức tại ít nhất 70% số xã địa bàn Chiến dịch của mỗi tỉnh, thành phố. Ưu tiên thực hiện Chiến dịch tại các xã khó khăn; kết thúc Chiến dịch trước ngày 30/4. Báo cáo Sơ  kết Chiến dịch đợt I gửi về Bộ Y tế (Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ) trước ngày 20/5.
Đợt II: Tổ chức ở các xã địa bàn Chiến dịch chưa triển khai trong đợt I và bổ sung thực hiện Chiến dịch lượt 2 tại các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu Chiến dịch đợt I. Kết thúc Chiến dịch đợt II trước ngày 30/10, báo cáo tổng kết Chiến dịch gửi về Bộ Y tế (Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ) trước ngày 20/11.     

Theo Giadinh.net