Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội đã có hiệu lực từ 1/2. Toàn bộ gia cầm sẽ được chế biến tại các lò giết mổ rồi mới đưa ra tiêu thụ, nhằm đảm bảo ATVSTP và ngăn chặn dịch cúm bùng phát. Nhưng thực tế tại nhiều nơi vẫn chưa chấp hành quyết định này.
Gà sống “trốn” trong ngõ, tránh kiểm dịch
Theo Quyết định số 51, gia súc, gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ có phép của TP, trên cơ sở hợp đồng kinh tế giết mổ với doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hà Nội cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác không đảm bảo. Các sản phẩm gia súc, gia cầm bán ra trên thị trường phải được lấy từ các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện.
|
Các lồng gà sống được "giấu" kỹ trong ngõ hẻm. (Ảnh: H.H) |
Tuy nhiên, thực tế khảo sát của PV Báo GĐ&XH sáng 5/2 cho thấy, ngoại trừ một số quầy bán gà sạch trong chợ Thành Công, Hàng Da và một số chợ trung tâm khác thì phần lớn gà lông (gà còn sống) không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai.
Ngay dãy chợ cóc phía ngoài cổng chợ Thành Công, hàng chục lồng gà để trên vỉa hè đợi khách mua. Một số chủ hàng khác kín đáo hơn chỉ bày một, hai mẫu gà thịt sẵn ngoài phản còn xe máy chở gà lông thì đỗ trong ngõ, có khách hỏi mua mới mang ra. Có người còn ngụy trang để trốn sự kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách chở bưởi hoặc rau đi bán nhưng phía dưới xe lại treo sẵn bếp than, gà lông được cho vào túi nilon màu đen. Khi có khách mua, gà được lôi ra làm thịt ngay tại chỗ. Chừng 7 - 8 giờ sáng, dãy chợ cóc phía ngoài cổng chợ Thành Công đông nghịt người mua, gà lông thi nhau được mang ra cân, làm thịt trong khi các phản gà làm sẵn thì hiu hắt.
Tại chợ Định Công, chợ Ba Chạc thuộc quận Hoàng Mai hoặc phía ngoài chợ Ngã Tư Sở, chợ Xanh... các lồng gà sống được để ngay dưới phản thịt sẵn. Gà thịt sẵn không có dấu kiểm dịch, gà lông cũng không có giấy chứng nhận thú y. Nếu khách hàng hỏi thì đều nhận được câu trả lời: gà từ quê mang lên, yên tâm (?!)
|
Các mẹt gà làm sẵn bày bán "ngụy trang" trong chợ, ngoài đường. (Ảnh: H.H) |
Nguy cơ thành quyết định... trên giấy
Theo quy định của Hà Nội, gia súc, gia cầm phải được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dụng theo tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, tiêu độc, khử trùng, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận. Sản phẩm gia súc, gia cầm khi vận chuyển phải được để trong các loại bao bì kín đáo đảm bảo không độc hại, không ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm. Thực tế tại nhiều chợ, gà lông được nhốt vào lồng sắt chỉ có vài miếng tải dứa phủ hờ lên trên, chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ hất tung mảnh bao tải dứa, phân và lông gà bay tứ tung ra xung quanh.

|
Gà lông bày bán và giết mổ công khai ở vỉa hè, gần khu chợ Thành Công, Hà Nội. (Ảnh: T.G) |
Chủ quầy hàng gà sạch tại chợ Thành Công, Vũ Thị Thanh Mai bức xúc: “Chấp hành quy định, chúng tôi không thịt gà tại quầy nữa mà phải đi từ 2 - 3 giờ sáng sang tận chợ đầu mối Bắc Thăng Long để lấy hàng nhưng vẫn ế ẩm. Trong khi đó, hàng chục mẹt bán gà lông dày đặc ngoài cổng chợ, giết mổ công khai mà không thấy cán bộ thú y đâu cả”.
Hà Nội cũng quy định rõ, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện: cơ sở xây theo qui hoạch của UBND TP; xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nơi nhiễm độc, nhiễm bẩn; có tường bao quanh, cao tối thiếu 2m. Tuy nhiên, thực tế việc giết mổ gia cầm diễn ra ngay tại các chợ, các mẹt hàng... Chỉ cần một bếp than, con dao, nồi nước là hình thành ngay một điểm giết mổ tự phát trên đường. Theo quy định, mặt bàn, phản bán thịt gia súc, gia cầm phải bọc inox, lát gạch men hoặc gỗ cứng, nhẵn, cao hơn nền nhà tối thiểu 0,5m. Nhưng thực tế, ngoại trừ một số chợ đã được quy hoạch, quản lý chặt chẽ còn lại vô số các sạp, mẹt bán thịt ngay trên vỉa hè, mặt đường gây mất vệ sinh.
|
Các mẹt gà làm sẵn bày bán ngoài đường. (Ảnh: T.G) |
Quyết định số 51 thay thế cho các quyết định của Hà Nội cũ từ năm 2007, phần lớn nội dung vẫn được giữ nguyên, chỉ mở rộng phạm vi áp dụng ra cả vùng Hà Nội mới. Sau nhiều năm ban hành, tình hình chưa được cải thiện nhiều, vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Quyết định mới này lại có nguy cơ... trên giấy nếu thành phố không có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt.
Chiều 5/2, trao đổi với PV báo GĐ&XH, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, sáng 5/2 TP đã giao Sở Công Thương chủ trì triển khai quyết định này trên toàn TP. Theo ông Tưởng, việc cấm vận chuyển gia cầm vào nội thành sẽ thực hiện ngay nhưng việc cấm giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo thì cần có lộ trình để quy hoạch, xây dựng các trung tâm giết mổ đầu mối. Liên quan đến tình trạng bán gà lông và giết mổ công khai ngay trên lề đường, vỉa hè của chợ cóc, ông Tưởng khẳng định: “Chủ trương chung thì cơ quan thú y phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, kể cả ở các chợ cóc, chợ tạm. Còn nếu gặp khó khăn thì phải báo cáo để TP xem xét”. Về chế tài xử phạt khi thực thi quyết định số 51, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết, vi phạm vệ sinh ATVSTP thì sẽ xử phạt theo chế tài về ATVSTP của Bộ Y tế; còn vi phạm về vận chuyển thì sẽ xử theo quy định về giao thông. H.H |
Theo Giadinh.net